Thursday, May 11, 2017

Một Chuyến Thăm Nuôi - Vũ Thị Bích


Audio: Một Chuyến Thăm Nuôi


Giọng đọc: Hoàng Tuấn


Vào đầu hè năm 1977, trời Sài Gòn rất nóng nực. Những ngày cuối cùng của năm học đã chấm dứt. Tôi chuẩn bị để đi thăm nuôi chồng tôi ở trại Lý Bá Sơ, Đông Du, Thanh Hóa. Ngay ngày đầu tiên được nghỉ, từ sáng sớm, tôi đã đạp xe qua ga Bình Triệu để xếp hàng mua vé xe lửa. Hôm ấy, may mắn thay, tôi lại là người đầu tiên đứng cạnh quầy vé! Nắng bắt đầu lên, và đoàn người xếp hàng sau tôi dài thêm. Cuối cùng, rồi người bán vé cũng xuất hiện, tự nhiên mọi người im tiếng xôn xao, chờ đợi. Sau một hồi hàn huyên với bạn bè, người bán vé ngồi vào chỗ, sắp xếp lại vé tàu và vài quyền sổ. Tôi những tưởng mình sẽ mau mau thoát khỏi nơi nầy, khi sự chen lấn đã làm tăng thêm cái nóng nực. Mồ hôi đã thấm ướt lưng áo dài. Chợt đoàn người xô lấn mạnh mẽ và thô bạo. Tôi bị chèn ép, tụt lại phía sau. Dù bị đùa qua, đùa lại, đong đưa giữa giòng người, tôi vẫn cố đứng vững để không bị đẩy ra ngoài quá xa.

Cứ thế, đi từ 4 giờ sáng, đến 10 giờ sáng, tôi vẫn chưa mua được vé. Áo dài đã ướt đẫm. Đã nhiều lần tôi phải cài lại nút áo. Cuối cùng, gần 11 giờ, tôi cũng tiến được đến gần cái cửa sổ nhỏ bé mà lại có sức hút mạnh mẽ ấy. Nhưng khi còn hai người đứng trước tôi, thì cô bán vé tuyên bố, “Hết giờ rồi, chúng tôi nghỉ ăn trưa, chiều bán tiếp!”.

Tôi cảm thấy hụt hẩng. Đầu tóc tung ra, áo dài ướt đẫm, dán sát vào da thịt. Tôi bần thần đi tìm quầy bánh mì, mua một ổ với một ly nước. Đứng ngay đó mà ăn. Rồi lại đi về phía quầy vé. Lại là người đầu tiên đứng cạnh quầy vé! Lần nầy tôi cảnh giác hơn, cố đứng thật gần quầy vé để khỏi bị chen ngang. Nhưng sự thể cũng xảy ra như buổi sáng, mà lần nầy khốc liệt hơn nhiều, vì cái nắng gay gắt của mùa hè đang chiếu xuống mặt cát nóng bỏng! Và sự mất kiên nhẫn của mọi ngườI tăng lên, nên đã có những cuộc cãi vã, xô đẩy, giằng co thật sự. Tôi vẫn như con thuyền mong manh giữa sóng cả! Vẫn bị đẩy lui một cách thô bạo. Nhưng làm sao mà bỏ cuộc được! Chồng tôi chắc chắn biết là mùa hè đã đến, và anh sẽ chờ đợi! Cho thực phẩm thì ít, mà cho tin nhà thì quay quắt hơn. Vì thế, tôi vẫn ráng đứng giữa nắng hè, giữa sự xô đẩy, giữa đủ loại mồ hôi của đủ mọi tầng lớp trong xã hội, và giữa những tiếng thô tục không ngờ!

Đến 4 giờ chiều, khi tôi vừa chạm vào khung bán vé, thì cô bán vé nói, “Hết giờ rồi, mai bán tiếp!”. Tôi chỉ muốn hét lên, nhưng tôi vẫn im lặng, chỉ thấy cay cay trong mắt. Lững thững vô hồn, tôi đi về phía bãi gửi xe đạp. Sài Gòn vẫn xôn xao, mọi người vẫn nói cười huyên náo, chỉ có mình tôi ướt đẫm, tả tơi, cắm cúi trên chiếc xe đạp cũ kỹ, đi dần về phía Tân Qui, bên kia cầu Tân Thuận.

Và cứ thế, ngày nầy qua ngày khác. Cho đến một ngày cuối tuần, khi nỗi thất vọng và buồn chán đã hiện rõ trên khuôn mặt bơ phờ của tôi vào buổi chiều tàn hôm ấy, một người đàn ông tiến về phía tôi hỏi:

- Chị cần mua vé đi đâu phải không? Tôi thấy chị xếp hàng cả tuần nay, và chiều nào cũng thẩn thờ ra về?

Tôi ngượng ngập:

- Vâng, tôi muốn mua vé cho mẹ con tôi đi Hà Nội.

- Chị có cần đi gấp không?

- Vâng, tôi đi thăm nuôi chồng tôi ở Thanh Hóa.

- Ồ… Chị cần mua mấy vé?

- Tôi và hai cháu bé.

- Vậy chị đưa giấy tờ cho tôi, ngày mai chị trở lại đây, tôi đưa vé cho chị.

Tôi nhìn người lạ, một người đàn ông trung niên, rắn rỏi, da ngâm ngâm và trông có vẻ tin cậy được. Quả thật, lúc ấy tôi cũng ước ao, “Giả có bụt hiện ra lúc nầy, để tôi khóc than và nhờ giúp đỡ”. May thay, có người đàn ông nầy! Tôi ngỏ ý đưa luôn tiền vé, nhưng ông ta bảo, “Ngày mai, khi tôi đưa vé, chị hãy đưa tiền.”

Tôi ra về, mỏi mòn trên chiếc xe đạp. Tôi thầm mong, “Có lẽ đây là một người tốt bụng!”. Sáng sớm hôm sau, trên đường đến ga Bình Triệu, tôi ghé Hàng Xanh, mua một chục cam ngon. Đối với gia đình tôi, điều ấy thật xa xỉ. Nhưng để cám ơn người đã muốn giúp đỡ tôi, một chuyện, mà tôi đã khốn khổ cả tuần vẫn chưa làm được!

Tôi đến cổng ga, thì đã thấy người đàn ông đứng đó. Ông ta đưa tôi mấy tấm vé xe lửa. Lòng tôi vui mừng biết mấy. Tôi hân hoan cám ơn ông ta và đưa chục cam ra, “Xin ông nhận cho chút quà mọn, tôi muốn cám ơn ông”. Ông ta cười và nói, “Thú thật với chị, vì thấy chị quá vất vả, nên tôi muốn giúp. Tôi là trưởng đồn Công An ở gần đây. Chị mang về cho các cháu đi, tôi còn muốn gửi chị thêm chút quà về cho các cháu nữa đó. Họ biếu tôi nhiều lắm!”.

Tôi chẳng biết nói gì hơn là gửi lại tiền vé, rồi ra về. Lòng tôi vui lên vì tình người còn đó, giữa cái xã hội đang sôi bỏng hận thù! Nếu mọi người đều chia sẻ với nhau những khốn khổ và cảm thông nhau, thì cuộc đời đẹp biết bao!

Bằng một chuyến xe lam, tôi “tải” biết bao giỏ lát và ba lô qua ga Bình Triệu từ tối hôm trước, vì sáng hôm sau tàu khởi hành sớm. Khi ấy, cầu Tân Thuận bị đóng vào ban đêm, mãi đến 4 giờ sáng mới mở cho mọi người đi lại. Cả gia đình chúng tôi quây quần chung quanh một cột đèn sáng, trước nhà ga. Đồ đạc chồng chất ở giữa và chúng tôi nằm bọc chung quanh. Đoàn người hộ tống đông gấp 4 lần số người ra đi! Gồm các em tôi và học trò của tôi. Tất cả đều là những thanh niên trẻ trung. Hy vọng là chúng tôi sẽ được yên ổn qua đêm hôm ấy!

Với lực lượng đông đảo như vậy, chen chúc mãi chúng tôi mới vào được trong toa, mà không thể ngồi đúng chỗ của mình. Rồi, đoàn tàu chuyển bánh và ì ạch chạy. Mỗi khi sắp đến một ga nào đó, tôi đã nghe tiếng réo gọi inh ỏi, và những người đi buôn đã chen lấn, đạp trên người, đè trên cổ chúng tôi, để tuôn từng kiện hàng lớn qua cửa sổ toa, để ném hàng xuống cho người nhà của mình. Mỗi khi tàu vừa rời ga nào đó, từng gói hàng được dội lên từ dưới đất, rơi vào toa qua các cửa sổ. Có khi những gói bột. bịch gạo, bị vỡ tung ra ra và phủ đầy mặt mũi chân tay của chúng tôi. Có khi đầu bị sưng u vì các vật cứng ném lên một cách tàn bạo. Chúng tôi không thể đóng cửa sổ lại, vì đoàn người đi buôn trên tàu rất hung hăng và ánh mắt đầy đe dọa!

Cứ thế, đêm kế tiếp ngày, ngày nối đuôi đêm. Suốt năm ngày, chúng tôi mệt lả trong cái nóng bức, chật chội, bẩn thỉu, và trong cái không khí thiếu tính người ấy. Chỉ còn một niềm vui dấu kín trong lòng, đã khiến chúng tôi chịu đựng nổi, đó là sự chờ đợi của chồng tôi trong tháng ngày tuyệt vọng!

Dù mua vé đến Hà Nội, nhưng chúng tôi xuống ở ga Thanh Hóa. Lúc ấy, mặt trời đã lặn, ánh nắng chiều ảm đạm. Nhưng ga Thanh Hóa vẫn chen chúc và ầm ỉ với mọi thứ âm thanh! Tôi thật khổ sở với hàng chục giỏ lát, ba lô và hai con dại! Không thể lựa chọn, tôi đi ngay vào nhà trọ đầu tiên. Các con tôi lúc ấy còn bé lắm, cháu lớn nhất mới 10 tuổi! Phải để cháu lớn ở lại trông một số giỏ lát, còn tôi dẫn cháu bé và vác một ba lô và hai giỏ lát vào nhà trọ. Tôi thuê một cái giường thật lớn, ngay giữa nhà. Rồi cứ thế, chạy ra chạy vào để chuyển tất cả đồ đạc vào nhà trọ. Tôi chất tất cả túi giỏ vào giữa cái giường, còn ba mẹ con sẽ nằm chung quanh để chắn. Hai cháu hai cạnh, còn tôi nằm gấp khúc dể chận hai cạnh còn lai. Tôi chọn cái mùng tốt nhất, để người ngoài không thấy rõ bên trong.

Vào thời buổi ấy, đã có nhiều ngườI đi thăm nuôi bị lạc mất con, hay bị giựt đồ, nên tôi rất sợ và lo lắng. Tối ấy, các con tôi đến các quán hàng tìm mua chút gì để ăn. Nhưng chỉ có miến gà thôi. Tôi ở lại trông đồ đạc, sau khi dặn các con đi gần thôi, và chỉ đến những quán mà tôi có thể trông thấy các con tôi. Còn tôi, ngậm kẹo cau cho đỡ đói! Các con tôi không thể mang tô miến về cho tôi được, vì họ không cho mang chén bát ra khỏi cửa, và các con tôi thì còn quá bé để biết thương lượng với họ!

Trại Lý Bá Sơ Đông Du ở cách Thanh Hóa trên 60 cây số! Không có xe khách hay xe lam chạy vào đó. Hỏi thăm chủ quán trọ, tôi được biết có một xe tải sẽ chạy về hướng đó vào sáng sớm hôm sau. Dù phải trả một giá rất đắt, gấp 10 lần tiền vé Bắc Nam! Tôi cũng chấp nhận để có thể đến được với chồng tôi. Mấy mẹ con tôi trèo lên xe tải, trống không, sau khi đã chất đầy hàng hóa lên xe. Lúc đầu, tôi còn ôm các con vỗ về, “Chịu khó chút xíu nữa, mình sắp gặp được bố rồi!” Chợt cái xe lồng lên, tất cả chúng tôi và đồ đạc đều lăn lóc đi mọi hướng. Tôi vội vã gom các con lại, ôm chặt lấy. Rồi lại một lần xốc dữ dội tiếp theo. Và cứ thế, con đường gập ghềnh đã khiến chúng tôi lăn lộn trong lòng xe mãi thôi! Nhưng chẳng còn cách nào hơn!

Rồi, chiếc xe chợt ngừng hẳn lại. Người lơ xe vào, nói, “Chúng tôi chỉ chở chị đến đây được thôi, chúng tôi phải đi về hướng Hòa Bình, không chở chị được nữa!”. Hàng hóa được ném xuống, mẹ con tôi lại mệt mỏi leo xuống đất.

Nhìn các con bơ phờ, nhìn đống hàng hóa bung ra, những trái chuối bèm nhẹp, những trái dưa hấu nát bầm! Tôi muốn bật khóc.

Nhưng, phải đi thôi, chẳng biết bao giờ mới đến. Lo đêm xuống, mà ngủ giữa rừng thì khốn khổ! Thế là, cháu lớn thì nghiêng cổ vác một túi lát, cháu bé thì xách dép và bình nước. Tôi thì cứ “tải” bằng tất cả sức mình, một túi sau lưng, hai túi nhỏ kẹp nách, hai túi lớn xách trên hai tay. Đi được một quãng, bỏ các túi đồ xuống, quay lại xách số đồ còn lại. Cứ thế, tôi “lần” từng chặng một. Bình thường tôi cũng mỏng manh, yếu đuối lắm, nhưng không hiểu sao lúc ấy tôi mạnh mẽ như vậy! Cũng may, không ai giựt đồ như ở ga Bình Triệu.

Chẳng biết bao lâu, chúng tôi gặp một đoàn trẻ nhỏ đang đạp xe trên đường. Các cháu hỏi thăm và muốn chở giúp. Tôi vô cùng mừng rỡ. Tôi và các con chạy theo đoàn xe đạp đang chở đồ đạc của chúng tôi. Được một đoạn đường, thấy toán bộ đội đang đi tới, các cháu vội vã bỏ đồ của chúng tôi xuống và nói, “Chúng cháu không giúp cô được nữa đâu, chúng cháu không được phép”. Tôi hiểu và đưa các cháu một ít tiền để tỏ lòng biết ơn.

Rồi chúng tôi lại tiếp tục khuân vác như lúc vừa xuống xe tải. Với đôi chân đất mà giò đã phỏng ở mấy đầu ngón chân, tôi dùng một khúc cây, nhặt được bên đường, để gánh mấy giỏ lát và ba lô. Vì chưa quen, nên dù đã lấy áo lạnh để lót, tôi vẫn rụt cả cổ lại để gánh, mà vẫn đau vai ghê lắm.

Ra đi từ 4 giờ sáng và đến 7 giờ tối, chúng tôi mới đến được trại. Chiếc áo bà ba trắng đã trở nên màu đất bùn, như người dân Quảng Ninh cạnh bãi than. Tôi chỉ còn đủ sức gặp người cán bộ trại, để đưa tờ đơn xin thăm nuôi. Chỉ kịp nghe, “Ngày mai chưa được, phải ngày mốt” là tôi ngất xỉu!

Tôi mê man như thế đến 7 giờ sáng hôm sau. Tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên một chõng tre. Nhìn thấy các con đã được tắm rửa sạch sẽ, đồ đạc và túi xách đựng tiền để gọn gàng trong góc nhà, ở đầu giường. Thật là Phật độ, những người cùng đi thăm nuôi như tôi, nhưng là dân Hà Nội, đã giúp bế tôi vào giường, tắm rửa và cho các con tôi ăn, cũng như trông ngó đồ đạc cho tôi. Tôi vô cùng xúc động và biết ơn.

Đúng lúc đó, đoàn người lao động đang đi tới. Mọi người nhốn nháo nhìn ra, nhưng ai cũng tự kiềm hãm và đứng lại với nhau, không dám chạy ra hay la hét gì cả! Tôi nhìn thấy chồng tôi, tôi nói nhỏ với các con, “Bố kìa! Bố kìa!”. Các con tôi vùng chạy ra. Mọi người vội vã giữ các con tôi lại, “Suỵt! Coi chừng họ đánh bố con đó!”. Tôi nắm chặt tay các con mà mắt mờ đi. Chồng tôi đi qua, nhìn các con, rồi vội quay đi, rồi lại nhìn và lững thững đi theo đoàn người khốn khổ. Tôi thấy như mắt anh đọng nước.

Theo lời mọi người chung quanh, chúng tôi tản ra và làm như không quan tâm đến đoàn người lao động ở các rẫy quanh đây. Đến gần trưa, các con tôi chạy về hướng bố đã đi. Tôi sợ hãi, nhưng mọi người bảo, “Các cháu còn nhỏ, chắc họ không thấy đâu!”. Một lúc sau, cac con tôi hớn hở chạy về, cầm theo một mảnh giấy của bố, “Anh cần một bữa ăn cho 30 người”. Cùng với vài lá thư của ai đó nhờ mang về miền Nam. Tôi vội bỏ thư vào túi xách. Rồi dẫn các con đi mua gạo. Thật ra, tôi cũng có mang theo gạo, nhưng nếu nấu một bữa ăn cho ngần đó người, thì còn gạo đâu cho chồng tôi nữa! Vùng quê nầy không trồng lúa gạo, dân quanh đây đều ăn gạo theo hộ khẩu độn với sắn khoai. Tôi đến từng nhà, nói là, “Tôi đem các cháu đi mà không có gạo ăn, xin để lại cho tôi vài ký gạo”. Người dân bảo, “Chúng tôi cũng không có đủ gạo ăn, nhưng tôi cũng để lại cho chị 1 kg để các cháu ăn đỡ”. Cứ thế, tôi đi từ nhà nầy qua nhà khác. Cuối cùng tôi mua được một bao cát nhỏ gạo và một con gà trống thiến thật to. Lòng tôi chợt ấm lại, vì nơi đây, giữa vùng sỏi đá khô cằn nầy, tôi vẫn gặp được những tấm lòng rộng mở và đôn hậu biết bao!

Nói ra thì xấu hỗ, nhưng tôi không biết nấu cơm bằng nồi đất và to như vậy, và cũng chưa bao giờ cắt cổ gà! Thế là, các phụ nữ cùng đi thăm nuôi hôm ấy, đã nấu cơm giúp tôi ngay buổi tối. Các nắm cơm thật to và thật chặt, được gói bằng những lá chuối rửa sạch, thơm ngon làm sao! Sáng sớm hôm sau, họ làm hộ tôi con gà, rồi luộc sẵn, có cả muối tiêu nữa.

Cả chiều hôm ấy, các con tôi chạy quanh, như những thám tử tí hon, và mang về thật nhiều thư nhờ chuyển. Có một số các anh ra sửa lại mấy gian nhà cho các người đi thăm nuôi ở, cũng nhắn các cháu ra gốc cây nầy, hòn đá nọ, để lấy thư về. Chúng tôi sung sướng làm công việc đó.

Rồi giây phút mong mỏi cũng đến. Mẹ con tôi ăn mặc sạch sẽ, chờ đợi. Đến giờ thăm nuôi, chồng tôi và hai người nữa đẩy xe cải tiến ra khu thăm nuôi, và chúng tôi cũng được dẫn đến sau đó. Một cái bàn dài và rộng, đặt giữa căn nhà, hai cán bộ ngồi ở hai đầu, một bên dãy bàn là người đưọc thăm nuôi, còn bên kia là gia đình của họ. Chồng tôi vừa đến nơi, các con tôi chạy lại ôm bố. Cha con đang ghì lấy nhau, thì nghe tiếng quát lớn, “Anh Hồ Thi buông tay ra, về chỗ ngồi”. Tôi vội kéo các con lại. Chỉ kịp hỏi thăm và trả lời vài câu về sức khỏe của cha mẹ và người thân, đã nghe tiếng thông báo, “Đã hết giờ thăm nuôi, các anh nhận quà rồi đi vào”. Chồng tôi chất đồ đạc lên xe cải tiến, lưỡng lự muốn nán lại, nhưng đã nghe tiếng thúc giục, nên anh lặng lẽ đẩy xe đi. Chúng tôi nhìn theo, nhưng chỉ một khúc đường ngắn ngủi, anh rẽ về phía tay phải và dãy nhà tranh ấy đã ngăn mất tầm mắt, không còn thấy anh nữa. Tôi bần thần ôm bọc giấy anh trao, mắt như mờ đi, lặng lẽ thu dọn đồ đạc. Sau khi chào tạm biệt và cám ơn những người đã giúp đỡ và săn sóc chúng tôi, tôi dẫn hai con ra về.

Lúc ra về đồ đạc đã nhẹ đi, nhưng tâm hồn thì trĩu nặng hơn nhiều. Đi gần 2000 cây số, chỉ gặp chồng được có 5 phút! Chưa kịp nói một lời dịu dàng an ủi, đã quặn đau nhìn chồng dấu mặt quay đi trong hình hài tàn tạ! Tất cả chỉ có thế, rồi sẽ mịt mù cho mãi đến năm sau! Mắt cay, ruột xót, tâm hồn như tan nát, ôi phủ phàng làm sao! Còn những gì xảy ra buồn thảm hơn, tàn khốc hơn, sau những dãy nhà tranh ấy?

Lần trở về, chúng tôi đi đường khác, theo lời chỉ dẫn của những ngườI đi thăm nuôi nhiều lần. Các con tôi không còn phải khuân vác nữa, chỉ mình tôi với khúc cây làm đòn gánh, gánh trên vai đồ đạc của mấy mẹ con và gói quà anh trao, mà tôi chưa dám mở ra xem!

Con đường đê nóng bỏng, không một bóng cây, 10 đầu ngón chân của tôi giờ đã mọng nước. Chân rất bỏng mà vẫn phải đi mau. Đến một quãng đường vắng, một đám trẻ chăn trâu réo gọi, “Tụi bây ơi, ngụy kìa, ngụy kìa!”. Tôi vội kéo các con đi mau, nhưng những hòn đất vẫn tới tấp ném vào các con tôi. Đứa con lớn của tôi muốn dừng lại để hơn thua, nhưng tôi kéo các con chạy mau. Tôi đã quá sợ hãi cảnh tương tàn giữa người lớn và tôi quả thật khiếp sợ lòng hận thù đã làm mất đi tính thánh thiện của trẻ thơ.

Đến chiều tối thì chúng tôi về đến ga Thanh Hóa. Chúng tôi phải chờ đến sáng mới có chuyến tàu về Hà Nội. Sáng sớm, tôi vội vã thức các con, dẫn các con đi ăn vội vàng, rồi tất cả ra ga. Không có vé cho tàu Thống Nhất Bắc Nam, mà chỉ có tàu chợ. Không cần mua vé trước, lên tàu họ sẽ bán sau.

Đoàn tàu tiến đến gần, tôi mừng rỡ chờ đợi. Có người đã lạc mất con ở đây, nên tôi rất sợ hãi. Chỉ mong cho mau đem con về đến Hà Nội. Từ đó, mới có tàu Thống Nhất, để trở lại miền Nam.

Hết chuyện nầy đến chuyện khác, chúng tôi không thể lên tàu được. Toa nào cũng chật ních, người với người, không còn chỗ để leo lên, kể cả “toa con mọn” cũng đầy người lớn cả! Đến 7 giờ tối, có một chuyến tàu đi Hà Nội chạy qua. Không thể ở qua đêm được nữa, tôi quyết định leo lên nóc toa để về Hà Nội. Tôi đẩy từng đứa con lên trước, rồi leo lên sau. Tôi nằm sát nóc toa, tay bám chặt vào gờ gỗ mong manh, đứa con nhỏ ôm chặt lưng mẹ, con lớn ôm chặt con nhỏ. Mỗi khi gập ghềnh, con tàu dội lên, như muốn hất chúng tôi xuống! Tôi cố bám chặt hơn. Rồi, một đôi quàng gánh từ dưới đất bay lên, đập vào mặt. Rồi, một rọ heo con bay lên rớt xuống người. Rồi, những bao khoai ném vội, đập mạnh vào thân thể! Chúng tôi im lặng chịu đựng vì hiểu rằng họ cũng cùng cảnh ngộ như chúng tôi, cũng vì cuộc sống nhọc nhằn mà thôi!

Đến 9 giờ sáng hôm sau, chúng tôi về đến Hà Nội, thủ đô của đất nước 4000 năm văn hiến. Tôi, một người sinh ra ở Hà Nội về đến quê nhà yêu dấu của mình trong một hình hài thảm hại, trong một tâm trạng rã rời! Trên nóc tất cả các toa, đầy ắp người và người, trông như một buổi chợ quê vừa tan! Xôn xao, nhốn nháo, nhem nhuốc và bơ phờ!

Chờ cho đoàn người xuống hết, tôi mới tìm cách đưa các con leo xuống. Lũ lượt theo đoàn người ra cổng ga, như một thành viên cái bang nào đó. Trả tiền xong, tìm thuê một cái xích lô. Mẹ con tôi ngồi ngất ngưởng trên nệm gỗ, nhìn thủ đô đang nhộn nhịp chung quanh. Cái mát mẻ của buổi sáng đã làm chúng tôi tỉnh lại, để thấy cái xơ xác của mấy mẹ con đang nổi bật trong cái đẹp, cái mộng mơ của thủ đô Hà Nội.

Về đến nhà, tôi giở gói quà anh trao. Trong ấy, một chiếc áo tù với bản đồ Việt Nam, với các địa danh anh đã đổ mồ hôi để được tồn tại. Lòng đau xót, tôi tự hỏi, “Còn bao nhiêu địa danh nữa sẽ ở trên tấm áo nầy, cho đến ngày anh được trở về với vợ con?”.

Vũ Thị Bích

Nguồn: Hưng Việt

No comments:

Post a Comment