Tuesday, May 23, 2017

Thằng Lọ Nồi - Tường Lam

Hình minh hoạ (Google)


Audio: Thằng Lọ Nồi

Giọng đọc: Nam Anh - Kiều Loan - Chân Như

Bà Ba Tầm Vung! Cái tên mà toàn thể cư dân già, trẻ, bé, lớn đều biết trong ngôi làng bé nhỏ và nghèo nàn nầy, huê lợi chánh của làng là chằm lá lợp nhà, đan thúng rổ, còn lúa làm ra không đủ ăn đến giáp hạt.

Vì ghiền ăn trầu, lúc sồn sồn khi bác Ba trai đi đốn lá mướn, vướng lựu đạn không biết bên nào gài, chết một cách thảm thương, bác chết với đôi mắt mở trừng trừng! Hình như bác ngạc nhiên, một nguời dân thật thà chất phác như bác tại sao phải chết không toàn thây?!

Thương nhớ bác trai. Bác Ba Tầm Vung nhai trầu suốt ngày. Bác chỉ có một mụn con gái. Thắm đã lớn, mười tám tuổi lớn xộn rồi còn gì! Thắm có làn da bánh mật, nâu giòn, không đẹp lắm nhưng rất có duyên. Thắm đi chằm lá mướn, siêng năng và nhanh tay, cọng lạt đâm xuống rút lên thoăn thoắt. Tiền chằm lá tính bằng thiên của Thắm bao giờ cũng vượt trội hơn bạn bè.

Gia tài bác Ba trai để lại cho hai mẹ con chỉ vỏn vẹn một công rưỡi đất và một căn nhà nhỏ cột dừa lão bào nhẳn kê tán đá chẻ.

Vì ghiền trầu, diện tích đất nhỏ nhoi như thế bác Ba Tầm Vung chỉ trồng cau, trên ba chục nọc trầu vàng sà lẹt và cuối vườn có một cây sứ già đêm đêm thơm sực nức cả khu vườn, loại sứ có bông nở thành chùm vàng như sơ cái mít nghệ. Thắm thường hái bông sứ bỏ vào keo dầu dừa còn nóng, thoa lên tóc mùi hương sứ thơm thơm dịu dàng. Nhìn mình trong gương Thắm tự tấm tắc khen thầm về nhan sắc của mình.

Còn cái tên Tầm Vung mà mọi người đặt cho bác số là thế nầy: những buồng cau sai, to trái có lái hàng tháng trèo bẻ mua hết, chở lên tỉnh hoặc Sàigòn bán. Những buồng cao đẹt thưa trái, lái không mua, quá lứa cau già trổ màu đỏ gạch và dần dà rụng xuống đất, bỏ đi thì uổng bác Ba lượm vào cau đỏ gọi là cau tầm vung. Bóc vỏ ruột màu nâu to bằng trứng sáo, cứng quá nhai không nổi, bác Ba lấy đinh đóng lên đáy lon sữa bò làm bàn mài. Ruột cau tầm vung mài ra có màu nâu sẵm như mạt cưa, trầu vàng têm lên một lớp vôi, rắc một ít bột cau mài, cuốn lại bác Ba có một miếng trầu thật gọn rất vừa miệng nhai.

Mấy ngày đầu với miếng trầu gói cao tầm vung bác Ba ăn nghe chát gắt, dần dà bà cảm thấy hương vị cau tầm vung thật đậm đà, hợp với khẩu vị của người nhai trầu lâu năm như bác! Một thứ Basto Xanh của cánh đàn ông sành thuốc lá, đâm ra bác Ba ghiền và theo thời gian bác Ba chỉ ăn trầu với cau tầm vung mà thôi. Mấy bà già trầu đặt tên bà Ba Tầm Vung, mọi người đều gọi tên ấy, lâu ngày chết tên luôn.

Gần đây có nhiều người cậy mai mối đến muốn hỏi con Thắm về làm dâu nhà người ta, con Thắm ngún nguẩy, giậm chân phản đối. Thực tâm nó chưa muốn lấy chồng, bác Ba làm thinh nhưng tận sâu trong lòng bác muốn có con Thắm luôn ở cạnh bác hủ hỉ trong tuổi chiều xế bóng.

Thế rồi một chuyện xảy ra như trời long đất lở, bác nằm quẹp mấy ngày liền, không cơm nước chỉ nhai trầu cầm hơi. Suốt ngày đó không thấy con Thắm, ngày hôm sau cũng chẳng thấy về nhà. Vào khạp xúc gạo nấu cơm, bác thấy tờ giấy học trò, tuồng chữ đích thực là của con Thắm, bác xách thơ chạy sang nhà hàng xóm đọc giùm:

Phong Nẩm, ngày 10 tháng 7 năm 1964
Má thương mến!
Con là Thắm xin cúi đầu lạy má tha lỗi cho con khi bỏ nhà ra đi đường đột mà không báo trước cho má biết.
Con đi xa thử thời vận, nếu làm ăn nên, có nhiều tiền con sẽ trở về sống bên má, làm sao mẹ con mình cất đầu lên nổi với mấy chục gốc cau trầu.
Một lần nữa xin cúi lại má tha tội bất hiếu của con, cầu mong Trời Phật và vong hồn ba linh thiêng phù hộ cho con ra đi được vuông tròn ý nguyện.
Xin má giữ gìn sức khỏe, hy vọng ngày con về hủ hỉ bên má không xa.
Con hun má.
Thắm

Nghe đọc xong thư, mấy cây xoài trước nhà hàng xóm quay mòng mòng, bác Ba ngồi phệt xuống chiếc giường tre, hai bàn tay bưng lấy gò má nhăn nheo đã trổ đồi mồi và nước mắt tuôn thành dòng.
Từ đó trong căn nhà lá quạnh hiu, ít ăn hiếm nói, miệng bỏm bẻm nhai trầu, chưa nhả miếng nầy, bác đã têm miếng khác, rắc nhiều bột cau tầm vung hơn.

Có người nói lại, sáng sớm hôm đó thấy Thắm đi với con Ðẹt, con Hai Ngưu xóm trên. Nghe đâu con Ðẹt đi bán bar ngoài Vũng Tàu. Lần nào về thăm cũng mang thuốc lá, rượu, bôm, nho và nhiều tiền cho hai vợ chồng Hai Ngưu, cất nhà và sắm bàn ghế trong nhà hực hở. Ðẹt và Thắm là bạn học cùng lớp nhứt trường xã năm xưa.

Thời gian trôi đi lặng lẽ, mỗi chiều bác Ba ngồi trên ngạch cửa, tựa đầu vào cột, mặt hướng ra đường trông ngóng hình bóng con gái mình mỏi mòn. Ðêm đêm nằm bác lấy chiếc áo Thắm thường mặc để lên mũi ngửi để nhớ con gái mình, người máu mủ duy nhứt của bác trên cõi đời nầy.
Nửa năm sau, gia đình hai Ngưu sai con mang cho bác một phong thư dầy cộm, trong đó tấm hình Thắm mặc váy hoa, vai mang bóp đầm, mắt kiếng đen to tròng và một xấp tiền bác đếm được năm chục ngàn đồng.

Bác Ba mừng quá đỗi, một phần số tiền quá lớn, từ nhỏ đến giờ bác mới cầm được trong tay, một phần vì tấm hình con Thắm. Bác săm soi nhìn ngắm mỗi ngày, thấy con gái mình trưởng thành, đẹp đẻ và sang trọng, khác xa một trời một vực hình ảnh con Thắm ngồi trên chiếu rách, tay thoăn thoắt rút từng mối lạt trong những ngày chằm lá mướn.

Sau đó, mỗi năm mấy lần Thắm đều gửi tiền về cho bà và hứa hẹn sẽ trở về sống bên mẹ bao giờ có thật nhiều tiền. Bây giờ bác Ba khỏi băn khoăn về cuộc sống cuối đời của mình, chỉ còn nỗi sầu đơn lẻ và nhớ con luôn canh cánh bên lòng.

Thế rồi khuya hôm đó, một đêm tối trời, cách ngày Thắm bỏ nhà ra đi độ ba năm, bác Ba đang ngon giấc bỗng nghe tiếng gõ cửa:
- Má ơi! Còn thức không? Con gái về thăm má đây!
Nghe tiếng Thắm bác Ba mừng cuống cuồng, khêu cao tim ngọn đèn dầu trứng vịt bước ra mở cửa.
Thắm lách mình bước nhanh vào, tay ôm đứa bé quấn trong khăn bàn trắng lớn, tay mang túi xách ló ra bình sữa, bác Ba mừng quýnh:
- Mồ tổ mầy đi đâu biệt tích! Má nhớ con quá chừng!
Con của ai đây?!
Thắm sượng sùng nhỏ giọng:
- Dạ con của con.
Bác Ba hé chéo khăn, miệng há hốc, mắt sửng sờ, một hài nhi đen như táo tàu đang ngọa ngoậy, mắt nhắm nghiền.
Bác Ba run run:
- Mầy lấy Mỹ đen hả Thắm?
Nói xong bác ngồi bệt xuống bộ ván, đầu cúi xuống ngoẹo bên vai và buông tiếng thở dài.
Thắm đặt con nằm xuống, ôm mẹ và nói trong nước mắt:
- Mọi chuyện lỡ rồi! Má tha lỗi cho con, vì ham tiền và ba nó là đại úy bác sĩ Quân Y.
Bác Ba la lớn:
- Không có bác sĩ, lòi sỉ gì cả! Tao ăn nói làm sao đây và còn mặt mũi nào nhìn xóm giềng, cô bác với con ''Lọ Nồi'' nầy! Thắm ơi là Thắm!
Trời chưa sáng Thắm vào ôm mẹ! Quì xuống đất lạy bà xin nuôi giùm con. Thắm nhét dưới gối bà một số tiền. Khóc, ôm hôn con và mở cửa bước ra khuất mình trong đêm tối.

Tuần lễ đầu tiên bác vô cùng lúng túng với thằng bé, được một cái biết thân bú no là ngủ, không ọ ọe gì cả. Bà con tìm cách đến nhà hỏi chuyện nầy nọ, nhưng mục đích chính của họ tìm xem dung nhan thằng Lọ Nồi ra sao.

Người bàn ra kẻ tán vào, riết rồi không còn chuyện gì để nói! Con của Thắm, cháu ngoại bác Ba mà mọi người đã quen gọi là thằng Lọ Nồi.

Gần gũi sớm hôm, nuôi riết rồi cũng mến tay mến chân, có lần bác thấy thương thằng Lọ Nồi vô cùng. Nó vừa thức dậy, ọ ọe đòi bú, bác Ba đưa tay nựng nhẹ gò má, nó ôm ngón tay bác núc nhưng vội buông ra vì cay mùi vôi, vì mấy ngón tay bác vừa tém nước cổ trầu trên môi. Ðưa bình sữa thằng Lọ Nồi liền chụp bằng hai tay đưa lên miệng núc lấy được và vui cười. Thằng Lọ Nồi đã mọc răng, biết đi lẫm đẫm, bác thường dẫn nó theo ra sau vườn, một già một trẻ cùng lượm cao tầm vung. Nó lớn như thổi, quanh năm chẳng đau bịnh gì, bỏ sữa bắt đầu ăn cơm nhão trộn với cá kho.

Bây giờ thằng Lọ Nồi là nguồn vui của bác, tối tối hai bà cháu ôm nhau ngủ hạnh phúc đâu phân biệt, lựa chọn màu da.

Khi thằng Lọ Nồi biết nói, bác tập nó kêu ''Ngoại ơi!'' Tiếng nó cao trong vắt, khỏe nghe dễ thương chi lạ. Thằng Lọ Nồi lớn lên trong yêu thương cùng lời hát ru của bác, trong căn nhà lá nhỏ bé thỉnh thoảng đệm bằng tiếng cau tầm vung rơi rụng sau hè.

Mấy lúc sau nầy Thắm không gửi tiền, tiền mấy lần trước bác còn để dành được chút đỉnh, cộng thêm tiền bán cau trầu bác và thằng Lọ Nồi sống đắp đổi qua ngày không đến nỗi nào.

Buổi trưa nọ, một chiếc xe Mazda chở khách nhỏ ngừng trước nhà, tài xế và lơ khiêng trên băng ca một người thân thể phủ kín mền chỉ chừa đôi mắt, Ðẹt đi sau.

Phụ đỡ người bệnh lên ván, Ðẹt nói với bác:
- Chế Thắm yếu lắm! Giây phút cuối đời muốn về thấy mặt bác và con mới yên lòng ra đi.
Tay chân bác run lẩy bẩy, một bàn tay chỉ còn da bọc xương thò ra nắm lấy tay thằng Lọ Nồi, nó sợ hãi rút tay lại và chạy đến ôm chân bà ngoại.

Bác hỏi mãi xem Thắm mắc bịnh gì mà trầm trọng như thế, bác hỏi dồn dập mấy lượt Ðẹt mới cho biết: Thắm bị lây bệnh ''Củ Sâm'' của Ðại Hàn.

Uống xong ly nước, Ðẹt chào bác Ba, bẹo má thằng Lọ Nồi, cúi xuống hôn Thắm và quẹt nước mắt ra đi! Chiếc xe lao đi khuất sau hàng bông bụp còn vươn lại làn khói trắng.

Phần thương con, phần lo cho cháu, bác Ba bận rộn suốt ngày, không có giờ ngơi nghỉ. Ai mách thuốc gia truyền, điềm chỉ thầy thuốc Bắc, Nam nào tài ba, bác đều đi rước đến nhà xem mạch và hốt thuốc cho Thắm. Bịnh tình của Thắm càng ngày càng trầm trọng, thân xác gầy gò, khẳng khiu như một que diêm.

Ðã hai ngày không ăn uống gì Thắm gượng ngồi dậy, lấy từ va li da một tấm hình cỡ mười tám hăm bốn, trong đó Thắm mặc áo dài hở cổ, đeo xâu chuỗi hạt trai, tươi cười đứng bên một sĩ quan da đen, trên cổ có đeo hai vệt trắng, giống như số hai La Mã, như hai vết vôi bác Ba quẹt trên vách để nhớ hai buồng cau mà khách hàng còn nợ. Thắm cố gắng thì thào trao khung hình và nói với mẹ:
- Con và Jefferson cha của con con, ở mặt sau có địa chỉ của ba nó ở bên Mỹ. Má cố gắng nhờ người... liên lạc để nó tìm được cha.

Nói xong nắm tay mẹ, tay kia nắm tay thằng Lọ Nồi và trên gò má trơ xương của Thắm hai hàng lệ lửng lờ chảy xuống. Khuya đêm đó Thắm lặng lẽ lìa đời.

Bác Ba đứt từng đoạt ruột khi người ta đắp đất lên quan tài Thắm và cho đến bây giờ cái củ có rễ như cây thuốc thường được ngâm trong keo thủy tinh, gọi là củ sâm, một loại thuốc khỏe, thế sao lại giết chết Thắm? Ðứa con gái duy nhứt mà bác yêu thương hơn bản thân. Ðiều thắc mắc đó cứ lởn vởn mãi trong đầu óc chất phác và quê mùa của bác.

Thời gian lặng lẽ qua đi, thằng Lọ Nồi nhổ giò lớn xộn! Thường thay bà lượm cau tầm vung rơi rụng cạnh mộ ông ngoại và mẹ mình.

* * *

Ngày Ba Mươi Tháng Tư Năm Bảy Lăm, ngày trời sập, ngày tan đàn rã nghé, ngày đứt phim, ngày khổ đau tận cùng của người dân miền Nam khi bị Cộng Sản Bắc Việt cưỡng chiếm. Thằng Lọ Nồi được chín tuổi và bác Ba chẳn sáu mươi, bà cháu hai đối tượng được mang đấu tố trong buổi họp dân học tập chính trị:

- Ham đô la cho con lấy Mỹ, kẻ thù không đội trời chung, thằng Lọ Nồi là cặn bã xã hội, cha nó mang nhiều nợ máu với dân tộc Việt Nam.

Ðêm về hai bà cháu ôm nhau khóc thầm, nó ôm hôn bà! Nước mắt bà làm mặn môi nó! Khổ đau đều giống nhau thôi.

Bốn năm sau thằng Lọ Nồi bị đuổi học vì phạm kỷ luật của trường, đánh lộn nhiều lần. Tội đánh lộn không oan cho thằng Lọ Nồi. Một tuần lễ ít nhứt là nó đánh lộn hai ba lần, nó không muốn ai kêu nó là thằng Lọ Nồi, trong khi khai sanh của nó ghi rõ ràng: Lưu Văn Lọ, cha vô danh, mẹ Lưu Thị Thắm. Nó tên Lọ ai thêm chữ Nồi vào, nó nhào vô ăn thua đủ. Tan học về cùng chúng bạn trên một đoạn đường, có thằng gọi: ''Ê! Lọ Nồi'', nó nhào tới không kể thân, đôi khi nó bị bề hội đồng gần cả chục thằng! Mặt mày trầy sướt, bầm tím, áo quần rách túi, sứt nút và đôi khi chỉ còn một chiếc dép. Nhưng nguyên nhân sâu xa nhứt để thằng Lọ bị đuổi học là ba nó Ðế Quốc Mỹ xâm lược.

Mới mười ba tuổi nó cao một thước sáu mươi lăm, nặng năm mươi lăm ký, ngoài tình yêu thương bà ngoại nó còn một điều đam mê nhứt là đá banh. Hồi còn đi học từ nhà đến trường khoảng một cây số, hàng xóm và bạn học ngạc nhiên khi mỗi sáng ôm cặp rời khỏi nhà, nó luôn luôn đá lon sữa bò lửng tửng theo bước chân đi. Có khi cả năm phút lon chưa rới xuống đất. Có người thắc mắc nó cho biết theo thầy giáo của nó nói lại: Ngày xưa Pelé mỗi sáng đến trường cũng đá lon sữa bò và may mắn lọt vào mắt nhà nghề của một ông thầy đá banh. Sau đó Pelé trở thành hòn ngọc đen, Cầu Vương có đôi chân vàng của làng bóng đá thế giới.

Nghỉ học, để có tiền phụ giúp với bà ngoại, thằng Lọ Nồi đi đốn lá mướn, làm đất, leo dừa, vác mía ở lò đường... Công việc cực nhọc là thế. Chiều nào về tới nhà ăn ít cơm nguội, xách theo bình nước mưa ra miếng đất trống gần nghĩa trang xã đá banh cùng chúng bạn. Nó nhờ người đi tỉnh mua giùm nó sách hướng dẫn về bóng đá, nghệ thuật nhồi bóng để cùng bạn bè học hỏi.

Ðo kích thước dọc ngang cầu môn, sân bãi. Ðám mê đá banh tụi nó đốn bốn cây đủng đỉnh làm trụ cho hai khuôn thành, gác hai khúc tre gai làm xà ngang, bỏ ra suốt một ngày, giẫy và lắp bằng mấy lỗ chân trâu, mặt sân bằng phẳng.

Thằng Lọ Nồi hiên ngang ra lệnh không ai được quyền thả trâu đi trên sân banh. Lịnh được thi hành tuyệt đối vì đa số dân chăn trâu là cầu thủ đàn em trong đội bóng của nó.

Một điều kỳ lạ xảy ra, không biết tại nhờ tướng cao lớn khỏe mạnh, những bắt thịt chân tay cuồn cuộn chắc nịch, bóng láng, thân hình như một khối đồng đen, cộng thêm cách ăn nói chững chạc đã khiến mọi người giờ đây chỉ gọi nó là thằng Lọ, anh Lọ, chứ không còn kèm theo chữ ''Nồi'' đàng sau.

Không được đề cử hoặc bầu bán gì cả, nhưng thanh niên trong xã đương nhiên chấp nhận ngầm thằng Lọ là Ðội Trưởng Bóng Ðá Xã Phong Nẩm. Dưới sự hướng dẫn của nó, tất cả cầu thủ đúng bốn giờ mỗi chiều ra sân phải chạy hai vòng để khởi động. Mỗi ngày bất kể thời tiết nắng mưa, đội bóng phải ra sân tập luyện, cầu thủ trên hai chục đứa. Thằng Lọ chia hai đội tập luyện thi đấu mỗi ngày, tất cả đều hân hoan phấn khởi và bớt đi những độ nhậu say sưa tốn kém vô ích.

Ðội mặc quần cụt đen áo thun ba lỗ nhuộm đen, đội kia quần cụt đen, áo thun ba lỗ trắng. Áo quần tự túc đá chân không, ai không ăn mặc đúng qui định không được vào sân. Lịnh của thằng Lọ như đinh đóng cột.

Những hôm lãnh tiền làm mướn, Lọ đều mang ra một số nước đá chanh đường hoặc mía thanh diệu để các cầu thủ giải khát.

Xã hẻo lánh và nghèo, phương tiện giải trí không có nên hôm nào trời đẹp cũng có vài chục khán giả, đặc biệt hôm nào có cô Ba Diệu và đám đệ tử học may ra xem hai đội tập dượt, các đấu thủ thi đấu thật mát mắt. Nhứt là thằng Lọ như một con xích thố tả đột hữu xông, chạy bao sân và những cú sút từ xa banh vào khung thành đối phương liên tục, những cú đội đầu tuyệt vời của nó đã làm cô Ba Diệu và đám đệ tử vỗ tay rôm rả.

Nghe tiếng đội bóng của Lọ, đội bóng xã Mỹ Lòng mời đội bóng Phong Nẩm đá giao hữu, ủng hộ viên tháp tùng đội bóng thật đông, kể cả cô Ba Diệu và đám đệ tử. Kết quả Phong Nẩm hạ Mỹ Lòng 3-1 đã làm cho mọi người trong xã nở mày, nở mặt và nể trọng đội bóng con cưng vô cùng.

Sở trường của thằng Lọ, dẫn banh điêu luyện thần tốc, chạy nhanh như ngựa, đối phương khó truy cản, chiều cao như cây niêu, cú đội đầu chọc thủng lưới khung thành đội bạn, hình như nó độc diễn và những cú sút phạt đền mạnh thần sầu, xẹt như tên bắn, thủ môn đang ngơ ngác đứng nhìn banh tung lưới... Bàn chân thẳng song song với mặt đất, chân vịt với mũi chân đi trước phối hợp với mặt phải phán đoán thật nhanh, thông minh điều chỉnh tí xíu mũi bàn chân về hướng trái phải, nhìn thủ môn xuống tấn bên nào, Lọ tung mình sút cú sấm sét và đa số banh đều nằm gọn trong lưới đội bạn.
Cú sút phạt đền là độc quyền của thằng Lọ. Trên khán đài nhiều lần vỗ tay hoan hô đội nhà, cô Ba Diệu thường cười khoái trá. Nói lớn với đám đệ tử:

- Chế mê cú đá phạt đền của anh Lọ quá!

Ðội Phong Nẩm lần lượt hạ Nhơn Thạnh 2-0; Lương Quới 5-1; Sơn Ðốc 4-2; huyện lỵ Giồng Trôm 3-1. Các cầu thủ và Lọ được mọi người yêu thương và càng thêm nể phục.

Thời gian qua mau, năm nay Lọ đã mười tám, một thanh niên trổ mã, nếu bỏ đi đôi môi hơi dầy, nước da ''cột nhà cháy''. Ðặc biệt hai hàm răng của nó thật trắng và đều, ngoại hình tráng kiện cao ráo Lọ là một thanh niên đẹp trên trung bình,

Mùa hè nầy, được xã đề nghị và huyện chấp thuận cho Lọ lên tỉnh tập huấn về bóng đá một tháng. Trước khi đi Lọ nhờ đám đàn em lần lượt thay phiên nhau mỗi đêm đến ngủ với bà ngoại phòng khi bà đau yếu.

Không phải chánh quyền có tấm lòng ''đại bác'' ưu ái thằng Lọ. Cơm ghe bè bạn, bỏ nhà bỏ cửa lên tỉnh tập huấn một tháng tự túc. Môn nầy nhân viên nhà nước chê vì tốn kém, mệt mỏi và không hứng thú gì, tội gì ăn cơm nhà đi vác ngà voi, cho thằng Lọ đi vì nó mê và có khả năng về bóng đá, đồng thời chính quyền xã được hai điều lợi: tuyên truyền bịp bợm về chánh sách, Ðảng và Nhà Nước không phân biệt thành phần xã hội.

Xã Phong Nẩm được mọi người nhắc nhở nổi tiếng nhờ đội bóng đá của thằng Lọ! Dân chúng vui vẻ ủng hộ, thành tích đội bóng, hy vọng họ sẽ sớm quên đi chuyện xảy ra cách đây mười tháng có cả chính quyền huyện và tỉnh xuống dự lễ khánh thành cây cầu bê tông cốt sắt bắt ngang con kinh lớn. Trưa hôm kia một ghe bầu chở lá lợp nhà đụng vào trụ cầu sập lòi ra bên trong thay vì bốn cây sắt to bằng ngón chân cái làm nòng. Ðàng nầy người dân trong xã chỉ thấy có hai cây bằng sắt, còn lại hai cây kia thay sắt bằng cây tầm vông làm nòng mà thôi. Dân chúng chửi quá xá, mọi người kể cả học trò hai buổi lội sình, chuyền bập lá như những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Sau một tháng tập huấn, tham dự thi đấu hai lần, Lọ trở về với bằng khen xuất sắc trong học tập. Lọ chọn đội hình 10-1 lối chơi tổng hợp của đội Hòa Lan, sử dụng tổng lực công thủ lên mười xuống mười, đã gây mưa gió, bão táp trên các cầu trường Âu Châu. Áp dụng đội hình nầy cầu thủ phải có thể lực sung mãn để chịu đựng suốt 90 phút thi đấu. Lọ rất yên tâm về cầu thủ của đội mình, chăn trâu, làm đất, đốn cây... nên thể lực rất tốt.

Ðể gây quỹ cho đội banh, toàn thể đội bóng chánh thức hay dự bị bỏ ra nửa tháng công làm đất bồi vườn cho năm mẫu trồng cam quít của bác Chín Ngãi, nghe nói do mấy đứa con vượt biên năm bảy mươi lăm bí mật gửi tiền về.

Ðất bác Chín Ngãi giáp ranh nhà cô Ba Diệu, mỗi ngày sau khi đi làm mướn về. Lọ cố gắng để nhìn thấy mặt cô Ba Diệu một lần. Mấy đứa đệ tử của Lọ cũng có nhiều thằng khoái mấy đứa học trò của cô Ba Diệu ra mặt.

Trong những lần họp đội banh, Lọ trình bày những điều mới lạ, học hỏi trong một tháng tập huấn: về đội hình, chiến thuật, kỹ thuật, tốc độ nhứt là thể lực. Theo ý nó đội banh muốn phát triển, thi đấu chủ lực, cầu thủ phải đá bóng bằng giày! Dù chỉ là đội bóng xã, tất cả đều đồng ý sử dụng tiền làm đất mướn để trang bị giày và áo quần cho đội bóng.

Mang giày vào các cầu thủ lấy làm tự hào, tập dượt chuyên cần với kỷ luật sắt của Lọ, nhưng trong tình anh em đam mê bóng đá.

Ðội banh cũng được tăng cường một trọng tài có kinh nghiệm cầm còi trước đây cho trung tâm huấn luyện có dãy núi Cấm Ông Két vây quanh: chú Tư Ðiền là trung úy chế độ cũ, gia đình ở Sàigòn bị bắt đi vùng kinh tế mới xã Phong Nẩm.

Có lần trong bữa nhậu nói chuyện tiếu lâm chú Tư Ðiền kể:
- Trên mặt bàn làm bằng gỗ kiểu bàn học trò, để khóa sinh ghi chép trong những buổi dạy về các môn học địa hình, vũ khí v.v.... Một số khóa sinh có đầu óc tiếu lâm thường ghi những câu thơ lưu niệm lên mặt bàn giải bày tâm sự để lại cho các khóa đàn em, đại khái:

Em ơi! đừng lấy pháo binh
Ðêm đêm nó bắn rung rinh cái giường

Hoặc:
Rớt tú tài anh đi trung sĩ
Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con
Mai nầy xong việc nước non
Anh về anh có Mỹ con anh bồng

Nhưng có hai câu thơ sau đây tả thực vô cùng, nếu nhà văn Vũ Trọng Phụng sống lại cũng chắp tay bái phục:

Thất Sơn bảy núi âm u
Anh đi thụ huấn con... c... nhịn thèm

Trong ba tháng trời kiên trì tập luyện, với đội hình tổng lực lên mười xuống mười của Hòa Lan, đội bóng xã Phong Nẩm lần lượt hạ đội Mỹ Lòng, Lương Quới, Lương Hòa, Lương Phú, huyện lỵ Giồng Trôm để trở thành đội bóng vô địch huyện.

Các cầu thủ và khán giả trên sân, suốt chín mươi phút say mê đội bóng xã Phong Nẩm lên xuống nhịp nhàng, tấn công vũ bão, phòng vệ chắc chắn, luôn luôn chiến thắng với tỷ số đè bẹp đối phương. Ðồng có chung một ý kiến như một vị khán giả lão thành râu tóc bạc phơ:

- Tụi nó nhồi bóng tuyệt vời quá! Tao chịu và khoái lắm! Suốt trận tụi nó chạy lên chạy xuống như trâu điên! Thấy mà thương !

Danh sách chánh thức của đội bóng gồm:
- Rở: Thủ Môn, đã từng làm mướn theo ghe thương hồ mua bán: khóm, bí rợ, dưa hấu, dừa khô...

Mỗi ngày có khi chuyền chụp cả ngàn quả! Nhằm nhò gì mấy trái bóng bằng da.
- Lọ: Ðội Trưởng, Trung Phong, tay mang băng đỏ, chiều cao một thước tám, cặp giò đen bóng như sào chống ghe, chạy như ngựa, cú đánh đầu sở trường và đá phạt đền thần sầu.

- Chiến, Nhàn: Hậu Vệ góc trái phải, đá được hai chân.

- Sáu, Hòa: Trung Vệ thòng, dập ''ăn rơ".

- Tý, Cối: Tiền Vệ, xuống tăng cường phòng vệ. Lên tấn công, giúp Trung Phong ăn bàn.

- Tánh: Trung Phong, tấn công vũ bão.

- Ðệ, Út: Góc trái, phải lớp vào chính xác.

- Lân, Tám, Tửng, Méo, Tèo: Dự bị thường đựơc vào sân hiệp hai khi đội mở tỷ số trước.

- Ðực: Thủ Môn dự bị.

Sau lần thi đấu, nghe lão ông nói đội bóng của mình, cầu thủ giống như trâu điên Lọ chíp trong bụng. Hình ảnh con trâu chất phác, nhưng hào hùng, gian nan, khổ cực... Như đa phần cầu thủ trong đội bóng xuất thân từ trẻ chăn trâu. Lọ kết cái tên ''Trâu Ðiên'' nầy lắm!

Tất cả đội đều đồng ý, Lọ lên tỉnh mướn thêu phù hiệu to tròn như miệng chén úp, nền màu tím, hình đầu trâu màu đen với mắt trợn trừng tóe lửa. Lọ nhờ cô Ba Diệu và đám đệ tử kết phù hiệu vào hai bộ đồ mới, phần thưởng dành cho đội bóng vô địch quận, đẹp và uy dũng vô cùng. Ðội bóng mang danh hiệu ''Trâu Ðiên'' có từ đó!

Sau nầy lần đến nhà trọng tài Tư Ðiền uống cà phê, chỗ riêng tư chỉ có hai người Tư Ðiền cười hỏi Lọ:
- Tại sao cháu dám thêu hình con trâu điên lên áo đội bóng?

- Nghe khán giả khen nhiều lần lối đá tổng lực của đội bóng là trâu điên. Cháu thấy hay hay nên chọn thế thôi.

Nhìn chung quanh không có ai, Tư Ðiền nói nhỏ:
- Năm 1962, Tiểu đàn 2 Thủy Quân Lục Chiến do thiếu tá Lê Hằng Minh chỉ huy trận đánh ở Bồng Sơn thuộc tỉnh Bình Ðịnh, tiểu đoàn xáp trận, xung phong anh dũng như trâu điên, chiến thắng lừng lẫy. Từ đó tiểu đoàn được đặt tên là ''Trâu Ðiên''. Cháu không sợ họ chụp mũ phản động khi chọn phù hiệu đó cho đội bóng?!

Lọ cười nửa miệng nhún vai:
- Cháu cóc sợ, nhún nhường quá tụi nó làm tới! Một lũ dốt đặc cán mai hiểu biết gì đâu chú ơi!
Từ đội bóng chân không, đá trên ruộng đất khô nức nẻ, bây giờ đội bóng có quần áo phù hiệu chỉnh tề, phong cách chững chạc. Ra quân mang chiến thắng về cho xã, chưa một lần thua! Lọ hãnh diện về công lao của mình. Nhưng còn một điều Lọ khoái nhứt, không tâm sự với bất cứ ai.

Lần rồi vào chung kết với Giồng Trôm, Ba Diệu bao nguyên một chiếc xe Lam cùng cả chục đệ tử đi xem ủng hộ đội bóng xã nhà. Vào đầu hiệp hai sau khi dẫn trước 3-1 đội Phong Nẩm được hưởng quả phạt đền trong vùng cấm địa. Cả cầu trường nín thở, lấy trớn từ xa Lọ chạy bay bụi để sút quả phạt đền sấm sét, nhưng chân chạm nhẹ nhàng quả bóng lăn đi chưa đầy một thước dừng lại. Cầu trường im phăng phắc, thế rồi mọi người đều nhận biết sự mã thượng của đội Phong Nẩm! Ðồng loạt đứng phắt dậy vỗ tay, la hét, cổ võ hoan hô thật lâu. Nhìn lên khán đài, thấy Ba Diệu vỗ tay tươi cười với mình! Lúc đó có ai cắc cớ hỏi Lọ mấy tuổi chắc Lọ không còn nhớ.

Xong trận đấu tỷ số 6-2 mang chiến thắng về cho đội ''Trâu Ðiên'' và bắt đầu từ hôm nay đội bóng là đội vô địch huyện Giồng Trôm. Ba Diệu từ khán đài chạy bay xuống, trao cho Lọ khăn lông nhỏ tẩm lạnh và một bọc cà phê đá, vỗ vào tay Lọ, Ba Diệu tươi cười nói:
- Lọ, anh hùng lắm!

Lọ nghe đất dưới chân mình lún xuống. Lọ uống hết bọc cà phê đá một mình. Bọc cà phê ngon nhứt đời nó!

Mấy lúc sau nầy, chánh quyền và nhứt là công an không còn thắc mắc, nguồn gốc, lý lịch và màu da của Lọ nữa.

Ðội bóng mang danh dự về cho xã, toàn thể cư dân đều hãnh diện về đội bóng. Cán bộ chỉ biết đọc diễn văn khai mạc, nhận bằng khen và ăn nhậu không thiếu mặt nào khi đội bóng thắng, chánh quyền không tốn hoặc đầu tư một xu nào cho đội bóng.

Ðầu tháng chạp, ngọn gió bấc mang cái lạnh se người đến. Bác Ba Tầm Vu ho khúc khắc, ngồi co ro đưa hai bàn tay đầy gân đã trổ nhiều đồi mồi, xoa xoa, bóp bóp hơ trên bết lửa dù đã mặc ba lần áo.

Ðêm xuống, kêu Lọ ngồi cạnh, miệng bỏm bẻm nhai trầu bác nói:
- Năm nay ngoại đã ngoài bảy mươi tuổi rồi, gần đất xa trời không biết theo ông bà lúc nào? Bỏ con lại mồ côi một mình ngoại không yên lòng ra đi. Ðịa chỉ ba con bên Mỹ đàng sau tấm hình, ngoại cất trong rương! Con tìm cách nhờ người ta viết thư liên lạc với ba con! Con có cha ngoại sẽ yên lòng nhắm mắt.

Nghe ngoại nói. Lọ ngồi lặng thinh, rưng rưng nước mắt. Nó không tưởng tượng được? Không có bà ngoại đời nó sẽ ra sao? Ai yêu thương nó bằng bà ngoại?

Tuần sau nó nhờ Tư Ðiền biên thư cho ba nó bên Mỹ ở tiểu bang Virginia. Từ đó Lọ săn sóc ngoại kỹ lưỡng và chu đáo hơn, bữa cơm có thịt cá đầy đủ và uống thêm thuốc bổ. Tiền làm đất bồi mương của Lọ bảo đảm đời sống hai bà cháu thoải mái.

Lấy tà ly, độ sâu và cách xắn gào quăng đất rải đều trên mặt liếp, miếng vườn, vuông đất nào do Lọ lãnh bồi đều bằng phẳng, ngay hàng thẳng lối trông sướng con mắt.

Quanh năm Lọ không bao giờ được ở không hay thất nghiệp! Nhưng có một điều đôi khi người chủ đất hơi phiền lòng, dù nước còn ròng, miếng đất còn một sào nữa là xong, có thể kết thúc trong ngày, nhưng đúng bốn giờ mặt trời còn cao Lọ buông gào, tắm rửa, lững thững về nhà ăn vội chén cơm nguội và tép rang và ra sân dượt banh. Ai nói nó bướng, nhưng Lọ có nguồn vui thầm kín riêng của nó. Ra sân với quả bóng chuyền trên sân, nhìn theo quả bóng nó quên hết số phận hèn muộn của nó, quên luôn chuyện vét bùn bồi mương, một thằng Mỹ con lai đen. Còn chăng là hình ảnh thương yêu của bà ngoại nó và gương mặt nõn nà của cô Ba Diệu với lòng dạ trắng bóc như hột gà luộc, môi son với đôi mắt lá dâm liếc qua như hốt hồn nó bay đi mất tiêu.

Ba tháng sau, một chiếc xe du lịch màu xám tro dừng ngoài đường trước nhà, một người Mỹ đen bước xuống cạnh một thanh niên và một công an xã đi kèm vào nhà.

Người thông dịch nói cho bà ngoại và nó biết:
- Ông nầy là bác sĩ chỉnh hình trong toán thiện nguyện, phục hồi chân tay giả cho nạn nhân trong chiến tranh. Ông ta tên là Jefferson ở tiểu bang Virginia Hoa Kỳ, được phép đến đây tìm con với sự đồng ý của nhà nước ta.

Ông bác sĩ và Lọ giống nhau như đúc, có điều ông ta hơi mập và thấp hơn thằng Lọ. Hai cha con ôm nhau trong sự tỉnh táo của hai người đàn ông lâu ngày chưa có một liên hệ nào.

Bác Ba vào rương lấy ra khuôn hình Thắm và ông ta chụp chung, tên công an xã nhếch mép:
- Bà giấu tài quá hén!

Ông bác sĩ đến đốt nhang trước bàn thờ và bước ra sau thăm mộ má thằng Lọ, ông đứng yên cúi đầu hồi lâu.

Qua thông dịch viên ông Jefferson nói với bác Ba:
- Tôi cám ơn bà đã khó nhọc nuôi con tôi khôn lớn đến ngày nay. Tôi sẽ đền ơn bà.

Quay sang thằng Lọ ông tiếp:
- Ba chỉ có mình con là duy nhứt, mong con tha lỗi cho ba, những ngày tới ba sẽ hết lòng lo cho con và bảo lãnh con qua Mỹ sống với ba.

Ông ra xe mang vào cho Lọ một va li lớn gồm quần áo và một đồng hồ hiệu Rolex. Ông cầm năm ngàn đô la và nói với Lọ:
- Ba gửi cho bà hai ngàn! Con hai ngàn còn một ngàn làm mộ cho ông và mẹ con.

Sau đó ông ôm bà Ba, hôn thằng Lọ và ra xe trở về Sàigòn để ngày mai theo đoàn ra Hà Nội tiếp tục công tác nhân đạo thiện nguyện.

Ít lâu sau, ông bác sĩ làm giấy bảo lãnh cho bà ngoại và thằng Lọ sang Hoa Kỳ. Bà cương quyết không đi, bà đi rồi ai lo hương khói cho ông và Thắm đây! Thằng Lọ không đi vì đời nó không thể sống xa bà ngoại. Thằng Lọ nói thế có một phần nhỏ không đúng, sự thật vì nó không thể nào mỗi ngày không thấy gương mặt đa tình của Diệu được và còn có cả đội bóng thân yêu của nó nữa.

Từ Mỹ bác sĩ Jefferson trả lời rằng thật lòng ông lấy làm tiếc về việc bà ngoại và Lọ từ chối sang Mỹ. Ông ký thác một số tiền lớn vào ngân hàng American Bank để Lọ tùy nghi sử dụng, việc nầy chỉ có thằng Lọ và Tư Ðiền biết mà thôi.

Người giàu nhứt làng nầy bây giờ là bác Chín Ngãi với năm mẫu vườn trồng cam quít, bưởi năm roi, nhản và dưới mương sạch cỏ nước ra vào thông thương nuôi mấy thiên cá trắm cỏ đã vào ký. Căn nhà ngói đỏ, nền cao ba gian hai chái, giàn cây kiểng gần hai chục chậu tạo hình: Long, Lân, Qui, Phụng độc đáo trước sân.

Con bên Mỹ bảo lãnh sang đoàn tụ, vợ chồng bác Chín Ngãi bán căn nhà và năm mẫu vườn trái cây đã có trái chín. Trong xã không có ai đủ khả năng mua cơ ngơi của vợ chồng bác Chín Ngãi cả. Cán bộ thèm rỏ nước dải, có khả năng cũng không dám mua, sợ bị điều tra lòi ra tội tham ô, ăn cắp của công và cắt xén viện trợ nhân đạo để xóa đói giãm nghèo.

Tư Ðiền đến gặp Lọ và gợi ý, nếu không đi Mỹ đoàn tụ với cha, ở lại Việt Nam tại sao không mua cơ ngơi Chín Ngãi, trước là Lọ sống an nhàn cả đời, sau cho bà ngoại sung sướng vui lòng trước khi nhắm mắt lìa đời.

Sau trắng đêm suy nghĩ Lọ bằng lòng ngoài lý do Tư Ðiền nêu ra, còn một nguyên nhân thầm kín khác chỉ mình nó hiểu mà thôi: mỗi ngày được trông thấy Diệu nhiều lần! Niềm vui bao la của đời nó.

Ba thằng Lọ sẽ trả tiền cho con Chín Ngãi bên Mỹ, giấy tờ chủ quyền nhà đất được giao cho Lọ tại Việt Nam. Thủ tục hoàn tất trong vòng một tuần sau khi chánh sở nhà đất tỉnh nhận được bao thơ dầy cộm.

Chín Ngãi trước khi xuất cảnh có làm bữa tiệc độ mười bàn. Chánh quyền, công an xã không ai vắng mặt. Dự tiệc với mớ giấy tờ chủ quyền nhà đất trong túi quần, mọi người cụng ly chúc mừng, đặc biệt tên Lọ đã dứt đi chữ Nồi từ lâu, hôm tay được thay vào đàng trước chữ anh, chú, cậu... nghe sao êm tai và tình nghĩa chi lạ.

Dọn nhà được một tuần, Lọ rước thợ chụp hình bà ngoại và Lọ cùng căn nhà ngói đỏ với nhiều góc cạnh gửi sang Mỹ cho ba để chứng minh số tiền nó sử dụng, nếu về thăm có chỗ nghỉ ngơi khỏi ở khách sạn, đồng thời bà ngoại và nó cám ơn ba nó thật nhiều.

Mùa quít năm đó, nó bẻ được một trăm hai chục cần xé nhứt, không kể số cam, bưởi, nhản do bạn hàng đến mua chở lên tỉnh.

Về nhà mới chứ đôi ba bữa, bác Ba vẫn xách rổ về nhà cũ lượm cao tầm vung và bẻ trầu vàng. Trưa nằm trên bộ ván gỗ láng bóng, mun đen mát rượi, miệng bỏm bẻm nhai trầu.

Thằng Lọ sửa lại căn nhà cũ, lợp mái mới lót gạch tàu cho vợ chồng Tư Ðiền ở không! Nghe nói có chuyện cơm không lành canh không ngon với gia đình bên vợ. Lọ giúp vốn cho Tư Ðiền mở tiệm tạp hóa. Xã đã bắt cầu ngang sông, nằm ở ngã ba, lắm người xuôi ngược, tiệm tạp hóa Tư Ðiền bán khá lắm!

Tuần rồi trong bữa tiệc mừng chiến thắng, đội vô địch huyện Phong Nẩm hạ đội Hàm Long. Lọ trong tư thế ngà ngà say, kéo Tư Ðiền ra một góc và dốc bầu tâm sự:
- Con thương Ba Diệu quá chú Tư ơi! Chú cố gắng làm mai cho con nghen chú Tư.

Bà ngoại bằng lòng, Tư Ðiền đến thăm ba má Diệu đôi lần và ướm lời Lọ muốn cưới Diệu. Ba má Diệu bằng lòng vì dù da thằng Lọ đen, nhưng bây giờ nó là kẻ giàu có nhứt làng. Con gái mình có chỗ giàu sang nương tựa, họ hy vọng rồi ra thằng rể cũng sẽ biết điều với mình. Còn Ba Diệu đỏ mặt, sửa mình sửa mẩy làm ra vẻ hiếu thảo, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy.

Cưới vợ phải cưới liền tay, rằm tháng tám, lễ Trung Thu là ngày đám cưới Lọ và Diệu. Tất cả cầu thủ làm rể phụ, sơ mi trắng dài tay bỏ trong quần, cà vạt tím sẵm. Ðám học trò Ba Diệu làm dâu phụ với áo dài màu xanh da trời, bông hồng trên ngực áo đẹp và duyên dáng vô cùng.

Chú rể mặc áo dài, khăn đống gấm xanh đậm, trông vui mắt như nghệ sĩ lên sân khấu. Cô dâu áo dài khăn vành màu hoàng yến, áo choàng voile trắng kết reng.

Lọ và Ba Diệu thật đẹp và xứng đôi!

Ðám cưới thật to: mâm trầu rượu, khay hộp cẩn ốc sa cừ, mâm đèn, mâm trầu cau, mâm heo quay, rượu, trà, bánh, trái. Gần cả chục mâm phủ nhung đỏ reng vàng.

Ðàng trai rước dâu vào cổng mà đuôi đoàn người đưa dâu còn bên cổng vu qui nhà gái. Hai nhà cách nhau bằng hàng rào bông bụp xanh mượt, điểm lơ thơ hoa đỏ thắm, đung đưa mỗi khi có làn gió nhẹ lướt qua.

Ðặc biệt hôm Lọ đưa Ba Diệu sắm nữ trang cho cô dâu trong ngày cưới vòng vàng, dây chuyền mặt cẩm thạch đỏ màu hoa lý, cặp nhẫn cưới, Lọ mua đến hai đôi bông cẩm thạch, một tặng cho Diệu, một tặng cho bà ngoại, bù lại ngoại đã bán đôi bông búp mù u vàng y, kỷ niệm duy nhứt của ông ngoại trong ngày cưới của bà hơn nửa thế kỷ trước để lo lót cho Chủ Tịch Xã để làm khai sanh cho Lọ, không có khai sanh không được đến trường.

Ðám cưới hạ hai con bò, khách khứa ăn nhậu, cười nói đông vui vô kể.

Bác Ba Tầm Vung mặc áo dài gấm tím than, thỉnh thoảng nhổ cổ trầu trong bô bằng đồng đánh bóng sáng choang.

Ðám cán bộ, bí thư, công an xã lễ phép từ tốn đến chào bà trước khi vào bàn nhậu! Tiền bạc giúp người ta thay đổi đẳng cấp và từ hôm đó mọi người chỉ gọi bác Ba không có hai chữ '' Tầm Vung'' đi kèm.

Ðám cầu thủ chia nhau phụ trách tiếp tân và chạy bàn. Tiệc cưới đến xế chiều mới tan! Hai can rượu bốn chục lít chỉ còn hai thùng không ngã nghiêng dưới gầm bàn.

Hoàn thành xong nhiệm vụ đám đàn em của Lọ bắt đầu gầy sòng nhậu tới khuya và tới màng ''quây đầu gà'' mỏ gà quây trúng hướng ai, người ấy phải cạn ly, số người tham dự lần lượt xỉn nằm la liệt khắp nhà.

Trời gần sáng, trăng ngả lần sau cây bằng lăng bên kia đường, Rở thủ môn lòm còm gồi dậy định ra nhà vệ sinh đi tiểu, ngang qua phòng ngủ của vợ chồng Lọ nghe tiếng cải vả Rở ghé tai vào khe cửa nghe lén,

Tiếng Diệu có vẻ giận dữ:
- Rồi đám mệt thấy bà, đầu hôm tới giờ mần ba quả! Quả nào quả nấy như cú sút phạt đền!!! Ðêm tân hôn nhập phòng áp dụng chiến thuật ''Trâu Ðiên'' của anh làm sao em chịu cho thấu!!! Anh làm quá! em ôm quần áo về bên nhà ba má ở luôn bên bển.

Tiếng Lọ trả lời xụi lơ:
- Em không chịu thì thôi anh đâu có nói gì đâu.

Thời gian qua mau, những chùm quít sai oằn đã láng da mơn mởn! Mới đó Lọ và Ba Diệu đã cưới nhau được nửa năm rồi.

Ðội banh xã Phong Nẩm vẫn tung hoành trên sân cỏ! Ra quân là chiến thắng, duy có một mình thằng Lọ giữ vai hậu vệ thỉnh thoảng mới lên hàng tiền đạo tham gia tấn công, đội đầu làm bàn, chứ không còn chạy bao sân giống ''Trâu Ðiên" như ngày xưa nữa! Ðàn bà đôi khi làm tốc độ bóng đá chậm lại.
Lọ được vợ săn sóc chu đáo, bữa cơm chiều nào Diệu cũng làm cho Lọ ly cam vắt vàng ươm đập vào hai lòng đỏ trứng gà. Phần Ba Diệu đôi má hây hây phính ra, đôi mắt long lanh sáng rực, thân hình tròn lẳng nõn nà và đặc biệt Lọ vừa khám phá ra vợ mình có tướng đi ''mình xà uốn khúc''

Ðặc biệt cũng theo lời tiết lộ của thủ môn Rở. Suốt sáu tháng qua, kể cả đêm động phòng giận dữ, Diệu chưa bao giờ ôm quần áo về nhà cha mẹ ruột ngủ... Cho dù chỉ một đêm thôi!!!

Tường Lam

Nguồn: Xây Dựng Houston Magazine



No comments:

Post a Comment