Wednesday, June 7, 2017

Bóng Cha - Trần Thị Diệu Tâm



Audio: Bóng Cha

Giọng đọc: Hồng Vân

Từ lúc bắt đầu biết nói, hình như tôi không biết gọi tiếng ” Cha ơi” như các đứa trẻ khác . Tôi chỉ thấy và biết mỗi mình mẹ tôi, vì thế tôi từng cho rằng mình được sinh ra đời do chỉ một người là mẹ.

Lớn lên bất đầu đi học chữ, tôi nghe mẹ nói “Con cũng có một người cha”. Điều này làm tôi ngạc nhiên áy náy vô cùng, nó làm thay đổi thói quen suy nghĩ lâu nay. Tôi luôn hỏi “Cha là ai hở mẹ ?” Câu hỏi của một đứa con nít đơn sơ như vậy, nhưng sao mẹ không trả lời được, mẹ nói lấp lững :” Cha đi rồi “.


Tôi thấy càng khó hiểu thêm, cha đi rồi có nghĩa là đi mất là chết. Sau đó mẹ không hề nhắc nhở đến cha nữa. Nhưng bà nội thì hay kể về cha. Bà nói: “Cha mi là người hay chữ”.

Tôi vụt hỏi: “Cha ở đâu hở bà ?” Bà trả lời “Chắc cha mi còn sống ”

Câu trả lời của bà cũng như của mẹ làm tôi ấm ức, vì cả hai đều không trả lời rõ ràng về người đàn ông có tên gọi là Cha, hoặc là tôi chưa đủ thông minh để hiểu. Có mấy hôm liền, tối nào nằm ngủ đến nửa khuya, mẹ cứ hay thức dậy đi tiểu. Ngủ với mẹ quen hơi ấm, nên khi cảm thấy lạnh tôi biết mẹ không còn nằm bên nữa, tôi tỉnh ngủ. Căn nhà vẫn tối om, sao mẹ không thắp đèn cho sáng. Tôi nằm im tai lắng nghe tiếng động từ nhà bếp chen lẫn tiếng người nào đó đang nói chuyện . Tiếng chén bát lạch cạch rồi im lặng. Tôi nghe tiếng cửa bếp đóng lại, mẹ trở về giường ngủ, tôi thấy ấm lại. Những lần như thế tôi cố nhắm mắt thật kín tỏ cho biết là mình đang ngủ say không biết gì cả.

Nhưng sáng hôm sau tôi dậy sớm xuống bếp ngay, những mo cơm trắng tối hôm qua mẹ gói đã biến mất, cả nồi khoai lang luộc hết, chỉ chừa hai củ nhỏ dành cho tôi ăn buổi sáng đi học. Vừa sợ vừa tức tối, vì tưởng hôm nay mình được ăn cơm bới mo cau với muối sả thơm nồng cả mũi chiều qua. Lâu nay bà chỉ nấu cơm độn với sắn khô ăn nghẹn cả cổ, chỉ mong được nhai miếng cơm mềm dẻo, không sắn không khoai không bắp lổn nhổn trong miệng. Thế mà tối hôm qua mẹ cả gan đem cho người ta hết các mo cơm trắng, hết cả lon muối sả . Tôi nghẹt thở, nước mắt chực trào ra. Nhưng tôi nào dám mở miệng hỏi ai.

Người đến trong đêm tối là bóng đen bí ẩn, huyền hoặc kỳ bí không thể nào giải thích trong tuổi thơ tôi. Có lần mẹ cho tôi mấy cuốn vở tập viết có in hình ba cô gái Trung Nam Bắc ở ngoài bìa, lại căn dặn đừng đem đến trường. Vì lời dặn dò đó mà tôi đâm ra tò mò hơn, một hôm tôi đưa cao mấy trang giấy vở ra nắng , thấy liền hình tròn trắng mờ in hai chữ VM. Tôi vừa sợ vừa thích thú vì phát giác điều bí ẩn đó . Tôi biết VM là Việt Minh, là những người bí mật. Tôi thấy mình gần gủi với mẹ trong bí mật đó. Những hôm trời mưa lạnh, mẹ cho tôi ở nhà tập viết. Thay vì tập viết chữ, tôi thích vẽ hơn. Bức hình đầu tiên vẽ, mẹ khen đẹp đó là hình một đứa bé là tôi đang cầm sợi giây diều, người đàn bà đứng cạnh là mẹ, người đứng xa là bà nội. Mẹ, tôi tô màu xanh, bà, tôi tô màu lá chuối khô. Mẹ bỗng dưng nói :” Còn thiếu một người, nếu con vẽ được thì mẹ cho tiền mua bong bóng thổi”.

Suy nghĩ mãi tôi mới tưởng tượng ra thêm một người. Người ấy ở trong ký ức của bà tôi, đó là người hay chữ. Tôi vẽ một người có tay cầm cán bút to, cái đầu không có tóc. Mẹ hỏi ” con vẽ ai đó ?”
Tôi trả lời ” đó là con của bà nội”. Mẹ cười lại hỏi ” sao con không vẽ mắt mũi miệng của người đó ?”
Tôi trả lời: ” Con chưa hề thấy mặt người đó “. Mẹ làm thinh có vẻ buồn, nhưng cũng cho vài đồng bạc. Có tiền tôi dành mua bong bóng cao su đủ màu. Ôi những chiếc bóng thổi căng phồng niềm mơ ước tuổi thơ, và đôi khi vỡ toan như tiếng đạn trên mái nhà về đêm . Cuộc sống của ba người đàn bà trong một mái nhà ủ dột không êm đềm như vậy mãi. Biến cố xảy tới.

Một buổi sáng mẹ đi chợ về sớm nói với bà nội ” họ bắt bãi chợ” . Mẹ lo cơm nước sớm hơn thường lệ, mẹ đong rất nhiều gạo biểu tôi đem đi vo, thay vì vo gạo ở bếp, tôi đem ra bến sông nước trong vắt ngồi nhởn nhơ, sàng qua sàng lại làm gạo trôi đi khá nhiều. Mẹ nhìn rá gạo chỉ nói, ” ngày mai phải ăn cháo thôi” . Bà nội ra vườn khều lượm mấy tàu cau khô đem vào ngâm nước . Mọi người không ai nghĩ rằng tôi chú ý những chuyện vặt vãnh như thế. Tối đó cả nhà đi ngủ sớm cho khỏi thắp đèn tốn dầu.

Chừng khoảng nửa đêm, tôi cảm thấy lạnh đưa tay qua ôm mẹ, nhưng giường trống. Ngồi bật dậy, tôi thấy phía nhà bếp lờ mờ ánh đèn . Lần này tôi phải quyết tìm cho ra ai là người đến lấy cơm nhà tôi một cách dễ dàng như thế. Vén mùng lên tôi mò mẫm, cánh cửa nhà bếp đóng kín, khe cửa lọt ra chút ánh sáng vàng vọt u ám. Tôi áp tai vào cửa bếp đầy bụi bồ hóng.

Tiếng người lạ: ” Ngày mai bọn anh phải di chuyển vào trong xa lắm, không chắc có về thăm được không “.

Tiếng mẹ :” Em chỉ nấu được ít cơm chừng này, hôm qua con bé vo gạo làm đổ mất ít nhiều, anh đem theo khoai khô và đường ”

Người đàn ông :” Con bé ra sao, anh muốn gặp nó ”
– ” Thôi, đừng cho nó biết gì về anh thì hơn, miệng nó thèo lẻo lắm, dạo này mật thám khám xét hoài”.

-” Em có mua được thuốc ký ninh giùm cho họ không ?”

-” Dạ có, nhưng không nhiều như họ dặn, em mua thêm đá lửa “.

Tôi chú ý tiếng người đàn ông lạ :” Không biết khi nào mới về lại “. Rồi tiếng mẹ tấm tức sụt sùi, tiếng người đàn ông hỏi : “Mệ có biết tối nay anh về đây không ?”. – Có, Mệ hỏi khi nào thì hết giặc “.

Im lặng trong đêm, ánh đèn thu nhỏ lại. -Thôi đừng anh. – Anh thương em quá, một mình lo liệu nuôi mệ nuôi con, biết bao giờ đền ơn em. – Nói chi ơn nghĩa, mong anh về sớm. – Em cởi ra đi, cho anh xin, một lần thôi, mai anh đi xa rồi. – Em sợ. -Sợ chi, anh tìm mọi cách xin về nhà tối nay, vì muốn ngủ với em lần cuối”. Có tiếng thở mạnh, có người ngã xuống nền đất. Sao em thắt lưng quần chặt quá vậy.-Để em cởi. Tiếng mẹ khóc thút thít chen lẫn tiếng thì thầm sảng khoái của người đàn ông. Rồi gà gáy sang canh làm tôi co rúm người lại, mò mẫm chun vô giường ngủ nhắm mắt thật kín, tim đập mạnh. Sau đó mẹ trở vô mùng nhẹ nhàng nằm xuống, tôi hé mắt nhỉn thấy tóc mẹ xổ tung, chiếc áo cánh chưa kịp gài lại để hở cả khoảng ngực trần. Có phải hình ảnh này do ánh sáng bên ngoài dọi vào từ ô cửa kính trên mái ngói, hay tôi vẽ vời trong trí tưởng của ngày hôm nay. Điều này tôi không rõ, nhưng mọi tiếng động mọi âm thanh giữa hai người ấy như còn vang dội trong tôi suốt thời mới lớn. Âm vọng của thể xác con người đàn ông và đàn bà, cũng như sự tận tụy của mẹ đối với đòi hỏi của một người đàn ông từ miếng cơm dành dụm cho đến thân xác mình . Mãi mãi âm ỷ như đống tro luôn bốc khói.

Trong những tháng mưa tầm tã, mẹ tôi có vẻ mệt nhọc hơn trước, mẹ chuyển sang nghề chằm nón lá không phải đi sớm về trưa hàng chợ. Buổi chiều ấy tan học chạy nhanh về, đi thẳng vào bếp tìm xem có chi ăn, bà tôi thường để dành một củ khoai hay một cái bánh bột sắn đường đen. Tôi nghe tiếng bà hỏi mẹ: -Vậy con hết thấy tháng từ lúc nào ? – Gần ba tháng nay. – Từ ngày nó về lần cuối phải không ? -Dạ. – Sao mi dại dột chiều nó vậy ? – Mẹ tôi trả lời trong nước mắt : Dạ, anh ấy là chồng mà.

Từ đó mẹ ít khi ra khỏi nhà, sống lầm lũi như một chiếc bóng, mà không phải bóng của mình, nhưng với chiếc bóng của người đi xa đi mất. Mẹ sống với nỗi ngậm ngùi chua xót trong lòng. Vì thế bụng mẹ mỗi ngày mỗi lớn, lớn như chiếc nón mẹ chằm trên tay mỗi ngày. Bà tôi thay mẹ đi chợ, lưng bà còng nay còng thêm, làn da khô nay sạm khô hơn. Mẹ không còn muốn ngồi gần để nhìn tôi vẽ hay ê a đánh vần. Hình như mẹ không muốn nghe hay hiểu chuyện gì khác. Tuy thế tôi cũng được mẹ chằm cho chiếc nón lá nhỏ mười bốn vành xinh xắn đội đi học . Một tối trời mưa tầm tã, mà quê tôi có bao giờ tạnh mưa đâu. Mẹ nhìn tôi hỏi ” Con có thương mẹ không ?”. Tôi gật đầu tựa vào mẹ, bụng mẹ căng cứng. Mẹ nói mẹ đi vắng vài ngày, ở nhà ngoan giúp bà nấu cơm, nhớ đừng ra sau bến rửa mặt nữa, ma rà lúc này nhiều lắm. Nói xong mẹ dúi cho mấy đồng mua kẹo.

Bà nói: “- Để tao đi với “. Mẹ lắc đầu :” Xa lắm, Mệ ở nhà với nó”. Bà tôi cho biết mẹ đi sanh em bé, tôi chờ đợi để ôm em vào lòng , để ru em à ơi. Những ngày chờ đợi ôm em làm lòng tôi nôn nã, tôi thổi một hơi nhiều chiếc bong bóng cho em chơi. Nhưng sau đó mẹ trở về một mình với thân hình gầy ốm mặt mũi .xanh xao . Bà hỏi: “-Nó đâu rồi?”. Mẹ trả lời mệt nhọc :”- Con trai, nhưng con đã gửi bà xơ nuôi rồi”. Bà sững sờ ” -Sao mi ác vậy, đem cháu tao về đây tao nuôi, nhưng mi có nhớ đặt tên cho nó không ?” – Dạ có, tên Phúc, đem về lấy ai chằm nón bán ?.

Bà tôi tức giận đâm ra ngờ vực: ” Có phải đúng là cháu tao không ?”
-” Mệ còn nói vậy, thì người ta chửi con thúi đầu nếu con đem nó về.”

Bà nội ngồi ủ rũ trên tấm giường tre, lấy lai quần chùi nước mắt, mẹ trông như cây củi mục. Tôi nhìn mấy chiếc bóng bóng yểu xìu. Ngày hôm sau mẹ đi lãnh lá về chằm nón, tay mẹ run run cầm cây kim đâm qua đâm lại cơ hồ như đâm vào chính thân phận mình. Thời gian sau có người báo cho mẹ biết đến đón con về, em Phúc chết rồi, mẹ tất tả ôm xác em về chôn, cuốn em trong chiếc áo len độc nhất của mẹ . Suốt ngày hôm đó tôi chỉ biết thổi bong bóng xanh đỏ, cái nào cũng vỡ toang, nhờ vậy tôi không khóc thành tiếng như bà .

Sau khi đậu bằng tiểu học, tôi được vào lớp đệ thất trường công, đó là niềm hãnh diện vô cùng của mẹ. Đi đâu mẹ cũng khoe. Dạo này yên ổn hơn, mẹ xoay sang đi buôn hàng chuyến có tiền, mẹ đem tôi đi phi-dê tóc cho đẹp và chụp bóng căn cước . Nhờ cái đầu phi-dê này mà tôi có nhiều bạn hơn, chúng thích đến gần tôi lân la trò chuyện và đưa tay sờ vào đầu tóc. Có đưa ghen tỵ nói tóc gì mà như ổ bìm bịp, hay tóc ổ quạ.

Vào lớp đệ thất, mọi chuyện thật khác lạ và nhiều rắc rối. Thầy giáo phát sổ học bạ mới cho học trò điền tên cha mẹ , và dán bóng vào. Tôi thay ngòi bút lá tre mới, nắn nót viêt tên mình sau hàng chữ Tên Học Trò. Tiếp theo phải điền tên họ người cha, tên họ người mẹ, nghề nghiệp … Ổ cái mục nghề nghiệp người cha, tôi thật lo lắng băn khoăn. Tôi nào biết cha tôi ở đâu làm gì bây giờ. Đem sổ về nhà hỏi mẹ, mẹ ngẫm nghĩ mãi, nói ” Cha con cũng là người có học”. Nhưng học bạ đâu có hỏi để trả lời như vậy. Bà nội thì luôn nhớ cha mi hay chữ. Không ai cỏ thể trả lời rõ ràng để tôi điền vào nghề nghiệp của người gọi là cha tôi. Tôi hỏi -” Vậy con ghi nghề nghiệp của mẹ là chi ?” mẹ trả lời rắn rỏi -” Con ghi nghề nghiệp của mẹ là buôn bán, mẹ buôn bán đủ tiền nuôi con, đâu cần nghề nghiệp của cha !”

Tên cha thì có, nhưng ở đâu nghề gì, đành bỏ trống. Khi thầy giáo xem sổ không bằng lòng, thầy nói mấy trò không nên e ngại về nghề của cha mình, có nghề chân lấm tay bùn như làm ruộng cực khổ để cho cơm gạo chúng ta ăn hằng ngày thật là cao quý, các trò có thể ghi là nông dân nói chung. Rồi thầy hỏi “- Sao trò X. không ghi địa chỉ của mình vô? X. đứng dậy trả lời -” Dạ thưa thầy con không có nhà” Thầy ngạc nhiên “-Ủa trò ở đâu?” -” Thưa gia đình con ở đò ” -” Vậy thì trò ghi là vạn đò, số ghe thuyền”.

Lần đầu tiên tôi mới biết có trò không ở trên đất như mình mà ở trên sông nước, điều này làm tôi thích thú vô cùng, X cũng ở một cảnh ngộ khác biệt, trên sông thì tha hồ bơi lội, muốn đến bãi bờ nào cũng được. Sau này tôi chơi thân với X, một phần vì nó học giỏi . Đến lượt xét sổ của tôi, thầy hỏi ” – Sao trò này không ghi nghề nghiệp của cha?” Tôi nói “- Thưa thầy con quên”.Thầy la tôi thật vô ý. Tôi nói liều -“Dạ mẹ con nói ghi nghề nghiệp của mẹ con là đủ rồi, không cần phải có cha đi làm” . Cả lớp cười ồ, thầy cũng giận “- Trò này thật cứng đầu cứng cổ!”. Nói xong thầy phát sổ bắt tôi điền vào ngay để chuyển qua văn phòng cho kịp làm sổ sách.

Tôi ngồi cắn chiếc cán bút tre đến nát ra, nếu cắn vào tay có lẻ đã chảy xuống dòng máu đỏ. Người đàn ông ấy ở đâu làm nghề gì sao không hiện ra đây trả lời dùm cho đứa con này ? Còn sống hay đã chết? Nhiều câu hỏi xáo trộn trong đầu óc non nớt trẻ thơ tôi. Thực sự tôi không còn muốn bị thầy la rầy, không muốn cả lớp cười ồ chế nhạo nữa, sau hàng chữ “Nghề nghiệp của cha “… tôi nắn nót viết một chữ chết đậm nét và rõ ràng. Tôi thực sự khai tử cha tôi chính thức trên giấy tờ. Chết, không còn ai thắc mắc hỏi han tra khảo nữa. Không có nghề nghiệp để trích dẫn . Ghi chữ chết xong, tôi thấy nhẹ người yên ổn, nhưng sau này tôi lo lắng lỡ ông trở về như cha của thằng bạn nhà hàng xóm, cái tội tự ý khai tử này chắc chắn không được mẹ hay bà nội tha thứ. Tôi lại bênh vực mình, nếu ông là cha tôi, sao ông không trở về lo lắng cho tôi, dạy dỗ nuôi nấng tôi, ông là kẻ vô hình vô bóng thì sống hay chết cũng đều như nhau.

Lâu lắm, không ai nhận được tin cha, một người đàn ông ghé thăm nhà trong đêm tối. Không biết ông còn sống hay đã chết trên rừng thiêng nước độc nào đó. Chẳng một ai thắc mắc nữa. Nhưng riêng bà tôi, cho rằng con mình vẫn còn sống, cứ buổi chiều, bà hay ngồi ở hiên nhà nhìn ra đường cái . Hình ảnh một người mẹ già nua tuổi tác chờ con từ chiến khu trở về ám ảnh tôi khôn nguôi. Tình thương con luôn đem hy vọng tốt lành cho người mẹ . Bà nói ” dạo này nghe có nhiều người trở về nhà làm ăn tử tế “. Riêng mẹ tôi nghĩ khác, cho rằng chồng mình không còn sống nữa, nếu còn thì lo về với vợ con chứ, biệt tăm đã hơn mười năm. Đó là lý do để mẹ lấy chồng khác sau này. Bà tôi bị bệnh mất trong một ngày mưa tầm tã, khi mê man trên giường, bà luôn miệng gọi tên cha tôi, tôi quỳ bên cạnh, cuối cùng tôi nghe bà kêu ” con ơi !” rồi tắt thở.

Tôi lớn lên trong gia đình bên ngoại có rất nhiều đàn bà, không biết tại sao đàn ông đi đâu mất biệt cả, kẻ đi lính người biệt tăm, kẻ chết trận người chết tù. Tôi không có một khái niệm suy nghĩ nào về một người đàn ông trong thực tế, cho đến khi lấy chồng. Sự hợp hôn công khai hóa sự hợp hoan giữa đàn ông và đàn bà, giữa vợ và chồng. Trong đêm tối năm xưa, sự sảng khoái của cha đem lại lòng mang nặng đẻ đau của mẹ. Rồi cha bỏ đi, quên bẵng những gì mình để lại cho gia đình vợ con. Tôi lờ mờ nhận ra rằng trách nhiệm của người vợ người mẹ thật là nặng nề, không có quyền chi cho mình. Dù có muốn nam nữ bình quyền bình đẳng, thì đàn bà muôn đời vẫn là kẻ “nằm dưới” .

Vào mùa xuân năm đó, trong khói bụi mịt mù tang thương của mọi gia đình, tôi bỗng nhận được bức thư do một người quen đưa tới tận nhà. Thư của cha tôi !

Bức thư viết với nét bút đẹp đều đặn, lời văn lưu loát trình bày dài dòng điều mà ông gọi là ” hy sinh tình gia đình cho cách mạng để có ngày giải phóng đất nước hôm nay “. Bức thư viết bởi “một người hay chữ”. Lòng dạ tôi câm lặng như đá tảng, làm sao thấu hiểu được những ngôn từ cao cả hay đẹp của ông, trong khi chồng tôi ở tù chưa biết khi nào được tha, trong khi các con tôi bữa đói bữa no, ăn cơm độn với hột bo bo. Ông trở về với tình huống thật là cay đắng khắc nghiệt, tôi không hề mong đợi chút nào. Nhờ họ hàng tôi gặp mặt ông.

Nhưng làm sao tôi có thể xem ông là cha một cách bỗng dưng, một cách ngẫu nhiên như vậy chứ ? Tiếng Cha bao gồm niềm yêu thương gần gũi quý trọng của đứa con, tiếng cha phải được thốt lên tự đáy lòng đứa con. Tình cảm yêu thương quý trọng ấy tôi chưa hề biết, chưa hề cảm nhận, làm sao tôi có thể xem ông là cha của mình . Lòng tôi trĩu nặng, vừa hận vừa ghét vừa tội nghiệp, tình cảm lộn xộn chen lấn, tôi không biết mình phải ứng xử với ông như thế nào cho phải. Tội nghiệp vì thấy ông bị cái lý tưởng gì đó nó lừa gạt. Cuối cùng tôi thương ông vì lòng tội nghiệp đó. Nhưng ngày xưa bỏ đi để thực hiện điều tốt đẹp theo suy nghĩ của ông, ông có chút gì tội nghiệp cho bà mẹ già, tội nghiệp cho người vợ trẻ, tội nghiệp cho đứa con thơ dại ? Chắc chắn là không !

Trần Thị Diệu Tâm
(Paris, tiết Lập Đông)

Nguồn:  Phạm Tín An Ninh

No comments:

Post a Comment