Wednesday, June 21, 2017

Hồi chuông cảnh báo sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam (6/2017)



Audio


Trong thời gian qua giá thịt heo ở Việt Nam đã xuống rất thấp, hậu quả của việc sản xuất quá dư thừa mà không xuất khẩu được nhiều. Tình hình nghiêm trọng đến mức chính phủ đã phải lên tiếng hô hào người dân « thi đua » mua thịt heo để « giải cứu » mặt hàng này.


Điều trớ trêu là thịt heo ở Việt Nam bị rớt giá trong khi nhu cầu tiêu thụ loại thịt này trên thế giới đang tăng mạnh. Thịt heo vẫn là nguồn đạm động vật được tiêu thụ nhiều nhất thế giới, trong bối cảnh dân số Trái Đất tiếp tục tăng nhanh và thu nhập bình quân cũng tăng theo.

Trung Quốc là nước sản xuất thịt heo nhiều nhất thế giới, nhưng cũng là nước tiêu thụ nhiều nhất. Các chuyên gia thị trường thẩm định là năm nay, Trung Quốc sẽ nhập tổng cộng 3 triệu tấn thịt heo. Việt Nam là nước kế bên Trung Quốc, nhưng chẳng thu được lợi từ thị trường khổng lồ này!

Sau đây mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi giữa ban Việt ngữ đài RFI với hai chuyên gia về nông nghiệp, giáo sư Võ Tòng Xuân, Đại học Nam Cần Thơ và tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực – Cây thực phẩm, kiêm GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp.

Trước hết, giáo sư Võ Tòng Xuân nhắc lại rằng thịt heo không phải là trường hợp đầu tiên, mà nhiều nông sản khác cũng đã gặp tình trạng sản xuất dư thừa khiến bị mất giá như vậy :

« Tình trạng này đã tái diễn nhiều lần trong những năm qua, ví dụ như dưa hấu, thanh long, gần đầy là chuối, hành tím và bây giờ thì đến thịt heo. Chưa nói đến những sản phẩm khác mà Nhà nước không có huy động toàn dân để mua, như là khoai lang. Các thương lái Trung Quốc đã qua đặt hàng, nhưng sau 2 năm thì họ không mua nữa, trong khi nông dân đã đua nhau trồng khoai lang với diện tích thật lớn.

Có thể nói không có nông dân nào tự do như là nông dân Việt Nam ! Muốn trồng thì trồng, muốn chặt thì chặt. Không ai nói gì cả ! Khi thương lái Trung Quốc sang nói với thương lái Việt Nam là họ muốn mua chuối, thì hè nhau đi trồng chuối, họ muốn mua khoai lang, thì hè nhau trồng khoai lang. Vừa qua thì họ mua thịt heo với giá cao hơn giá bình thường của mình.

Cho nên những thương lái Việt Nam đi loan truyền cho nông dân Việt Nam nuôi heo. Các địa phương và ngay cả chính quyền ai cũng thấy bây giờ có đầu ra rồi, nên tập trung đầu tư sản xuất, mà chẳng cần ký kết hợp đồng gì cả. Đến khi nhà nhà nuôi, người người nuôi, thì Trung Quốc không mua nữa. Thế thì bây giờ, nhà nhà ta thán, cả huyện và cả tỉnh, dài từ miền Bắc xuống miền Nam. »

Theo tiến sĩ Đào Thế Anh, nguyên nhân chính của tình trạng này là do nông dân Việt Nam vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, không có tổ chức :

« Nguyên nhân chính đối với nhiều nông sản Việt Nam, chứ không riêng gì thịt lợn, đó là rất nhiều hộ nông dân Việt Nam còn sản xuất nhỏ lẻ, không được tổ chức thành các tổ chức chuyên nghiệp, như hợp tác xã hay hiệp hội, vì thế khi giá lên thì rất nhiều đầu tư vào sản xuất hoặc mở rộng sản xuất. Có thể nói là năng lực sản xuất của Việt Nam mở rộng lên rất nhanh, đặc biệt là ngành chăn nuôi.

Trong thời gian qua, giá đã tăng lên chủ yếu là do thị trường Trung Quốc, nhưng họ nhập theo đường tiểu ngạch, gần như là không có hợp đồng gì cả, vì thế giá lên xuống rất là thất thường. Thứ hai là mua không ổn định, lúc thì mua, lúc thì dừng lại. Khi tín hiệu giá lên thì nông dân đầu tư vào sản xuất. Những doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi thấy cơ hội có thể có lãi cũng đầu tư vào sản xuất. Cung tăng lên rất nhanh, gần như là mang tính tự phát, không có tổ chức gì cả, còn về phía cầu thì Trung Quốc đột ngột đóng cửa.

Thứ hai, về phía nhà sản xuất, cái khó nhất là chưa có các hiệp hội chăn nuôi lợn ở cấp tỉnh và cấp trung ương để thảo luận với nhau là nên sản xuất bao nhiêu là vừa, phản ứng của thị trường ra sao.

Người mua thịt lợn Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc thì có hai thị trường: tiểu ngạch, tức là xuất lợn sống sang Trung Quốc, hiện nay ta xuất theo đường này là chính, còn thị trường chất lượng cao, trong siêu thị, thì Trung Quốc có nhu cầu thịt lợn có chứng nhận nguồn gốc, và thịt lợn mảnh, đông lạnh, nhưng Việt Nam chưa có thịt này Các chuỗi giá trị, các doanh nghiệp chế biến chưa vào cuộc, vì thế chưa có khả năng xuất khẩu thịt chất lượng cao sang Trung Quốc. »

Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, trong vấn đề này, trách nhiệm đầu tiên vẫn là ở Nhà nước :

« Đáng lẽ Nhà nước, cụ thể là bộ Nông Nghiệp, bộ Công Thương, phải nắm được thị trường quốc tế, thị trường từng tỉnh ở trong nước, rồi lên một sơ đồ để nông dân có thông tin về thị trường. Các đại sứ quán của chúng ta ở các nước đều có những tham tán thương vụ. Đáng lẽ họ phải thấy ở nước này đang thiếu sản phẩm gì về nông sản, nước kia thiếu cái gì. Từ đó bộ Nông Nghiệp và bộ Công Thương tổng hợp lại để ra một bản thông tin về thị trường nước ngoài, thị trường trong nước, rồi khoanh lại vùng nào ở Việt Nam trồng được cái gì, nuôi được cái gì.

Phải có những nhà doanh nghiệp và những cán bộ rất giỏi của bộ Công Thương cùng nhau đi đến chỗ này, chỗ kia thương thuyết, ký hợp đồng, rồi về tổ chức sản xuất và cung cấp cho người ta. Như thế, tôi nghĩ là sẽ không xảy ra tình trạng như hiện nay.

Bây giờ, Nhà nước không nên để cho nông dân tự bơi, mà phải tổ chức lại sản xuất, bắt đầu bằng việc thông tin về thị trường, tổ chức, tập hợp nông dân, gắn kết họ với các doanh nghiệp để phân phối ra thị trường, hỗ trợ cho nông dân sản xuất. Như thế nông dân sẽ sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật sạch, an toàn, và theo đúng mẫu mã. Khi các doanh nghiệp và bộ Công Thương đã ký các hợp đồng rồi thì trở về, coi những vùng nào phù hợp sản xuất món hàng ấy, để phân phối cho các vùng cùng nhau sản xuất."

Nhưng về phần nông dân, theo giáo sư Võ Tòng Xuân, cũng phải bỏ cái tâm lý « hùa theo đám đông », thấy người ta trồng thứ đó bán được, nuôi thứ đó bán được, rồi bắt chước làm theo, mà không biết nhu cầu thị trường như thế nào.

Tiến sĩ Đào Thế Anh cũng cho rằng để tránh tình trạng nông sản mất giá như trường hợp của thịt heo, nông dân phải được tổ chức thành hợp tác xã, thành hiệp hội một cách chuyên nghiệp hơn. Ngoài ra, để có thể đáp ứng các nhu cầu về nông sản cao cấp của các thị trường nước ngoài, tiến sĩ Đào Thế Anh đề ra một số biện pháp để chuyên nghiệp hóa ngành chăn nuôi Việt Nam:

« Trước đây vai trò thị trường chủ yếu là bộ Công Thương, nhưng thật ra thì bộ Công Thương không thể nắm sát vấn đề sản xuất của nông nghiệp, cho nên khó làm về khâu thị trường. Mới đây, chức năng về thị trường nông sản đã được chuyển sang bộ Nông Nghiệp, vì phải quản lý rất chặt chẽ quy hoạch sản xuất với thị trường.

Hiện nay, việc đầu tiên của bộ Nông Nghiệp là đi đàm phán với Trung Quốc để mở cửa thị trường thịt lợn chính ngạch, cao cấp, vì nhu cầu của Trung Quốc rất là cao. Họ vẫn nhập của nhiều nước khác nhau, trong khi Việt Nam có thuận lợi là ở gần.

Thứ hai, đối với trong nước, để đa dạng hóa các thị trường cao cấp, phải chứng nhận các vùng chăn nuôi an toàn, không sử dụng kháng sinh, hormone trong thức ăn chăn nuôi để nâng chất lượng thịt lên, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.

Cũng cần phải có những chính sách để thúc đẩy, thu hút các doanh nghiệp như lò mổ, chế biến vào chuỗi giá trị chăn nuôi, để liên kết với các hộ chăn nuôi, các trại chăn nuôi, giảm thiểu rủi ro đa dạng hóa các mặt hàng chăn nuôi thịt lợn, rủi ro phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Bộ Nông Nghiệp cũng phải quản lý thức ăn chăn nuôi, vì thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hiện chủ yếu là ngô nhập từ nước ngoài, bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất thức ăn chăn nuôi lợn trong nước, để giảm phần nhập từ nước ngoài. Thứ hai là cũng cần phải điều tiết giá thức ăn chăn nuôi, vì giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam vẫn còn tương đối cao.

Cũng cần phải tiếp tục chú ý đến mặt thú y, vì khi chăn nuôi theo kiểu công nghiệp, chăn nuôi với mật độ cao, thì nguy cơ dịch bệnh cũng tăng lên. Phải có các giải pháp về thú y để phát triển các vùng chăn nuôi an toàn về dịch bệnh, để giảm thiểu rủi ro cho người sản xuất và cho người tiêu dùng, giảm các bệnh truyền nhiễm cho người qua chăn nuôi.

Nhưng để thay đổi về vấn đề thì tôi nghĩ là tích cực thúc đẩy hơn nữa tính chuyên nghiệp của người chăn nuôi, tức là thông qua các tổ chức sản xuất, cho phép họ ra đời để họ tăng cường năng lực, để họ có kinh nghiệm về phát triển thị trường và như vậy là giảm áp lực cho Nhà nước. »

 Nguồn: RFI/ Thanh Phương

No comments:

Post a Comment