Audio
Paris đang ở chặng nước rút trong cuộc đua đăng cai Thế Vận Hội Olympique 2024. Chỉ còn khoảng một tháng nữa là Paris đón tiếp phái đoàn của Ủy Ban Olympique Quốc Tế tới thị sát. Ấy vậy mà thành phố Paris lại đang đau đầu đối phó với vấn nạn « chuột cống ». Khẩu hiệu Made for Sharing / Venez partager! (Hãy đến và chia sẻ!) chắc chắn không dành cho chuột cống. Nước Pháp không muốn chia sẻ « kinh đô ánh sáng » với loài gặm nhấm này, chính vì thế, từ vài tháng nay, chính quyền Paris - đứng đầu là thị trưởng Anne Hidalgo - đã tích cực triển khai cuộc chiến chống lại « các vị khách 4 chân không mời mà đến ».
Nhiều tờ báo ở Pháp như Le Monde, Le Figaro, Libération, Le Parisien, L’express, … và các đài phát thành như RFI, Franceinfo … đều cho đăng bài về « cuộc xâm lược » của chuột ở Paris hay cuộc tấn công của Paris chống « giặc chuột » … Thậm chí, « dịch chuột cống ở thành phố tình yêu » còn được nhiều báo, đài quốc tế như BBC News, New York Times, The Guardian, The Telegraph ... đề cập tới.
Tờ New York Times cho đăng một bài báo dài với tiêu đề « Chuột tự do hoành hành ở Paris. Lỗi của Liên Hiệp Châu Âu » và nhận định là « Paris đang phải đối đầu với cuộc khủng hoảng về chuột tồi tệ nhất từ nhiều thập kỷ nay ». Báo The Guardian của Anh Quốc thì mỉa mai: « Tại Marais - khu phố sang trọng, thanh lịch của Paris, chuột đông hơn người ». Một tờ báo Anh khác - The Telegraph - thì nhận xét: « Paris, kinh đô ánh sáng nay đã trở thành kinh thành của chuột cống ».
Ông Pierre Falgayrac, chuyên gia về vệ sinh và an toàn, một trong số ít những chuyên gia độc lập, chuyên đào tạo về quản lý chuột ở đô thị, tác giả cuốn sách « Chuột và người » cho tuần báo L’Express biết là cứ có 1 người dân, thì Paris có tới gần 2 con chuột. Hiện ở Paris có khoảng 4-6 triệu con chuột. Vậy, do đâu mà Paris lại trở thành một « ổ chuột » khổng lồ đến vậy?
Theo anh Julien Landel, trợ lý quận trưởng quận 4 - Paris, thì đó là vì ba lý do: « Paris mới trải qua giai đoạn ngập lụt cách đây vài tháng. Tại quận 4 đang có các hoạt động nạo vét hệ thống cống ngầm. Những tác động này khiến lũ chuột phải chạy lên mặt đất. Nhưng cũng phải nói tới ý thức của người dân và vấn đề vệ sinh không đảm bảo tại một số địa điểm trong thành phố Paris ».
Ông Reynald Baudet, một chuyên gia về diệt chuột, giải thích là từ trước tới nay, vẫn có rất nhiều chuột trong hệ thống cống thoát nước của Paris, nhưng chính việc thi công xây mới hay sửa sang các công trình, nhà cửa khiến chuột phải rời hang và bò lên mặt đất tìm nơi trú ẩn mới khiến số lượng chuột mà người dân nhìn thấy trên mặt đất nhiều hơn hẳn trước đây.
Tuy nhiên, bác sĩ Georges Salines, giám đốc cơ quan Sức Khỏe Môi Trường Paris cho biết thức ăn thừa rơi vãi tại các nơi công cộng và trong các thùng rác không đóng kín trên đường phố mới là nguyên nhân chủ yếu khiến chuột sinh sôi, nảy nở nhanh chóng. Thêm vào đó, nhiều người dân lại rắc thức ăn cho chuột, giống như cho chim bồ câu ăn vậy. Bác sĩ Georges Salines thậm chí đã gọi đây là « một thú vui mới của nhiều người dân Paris ». Ngoài ra, cũng phải kể tới việc nhiều siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm và nhà hàng vứt lẫn lộn các loại rác thải với thức ăn, thực phẩm thừa vào cùng một thùng rác nên thu hút nhiều chuột tới, đặc biệt là ở các khu vực có nhiều cống thoát nước.
Chuyên gia Pierre Falgayrac cho biết để duy trì sự sống, chuột cần ba yếu tố cơ bản là thức ăn, nước uống và hang ổ. Chỉ cần triệt tiêu được một trong ba yếu tố này là có thể hạn chế sự sinh sôi, nảy nở của loài gặm nhấm này. Vì mỗi con chuột mỗi năm ăn hết khoảng 9kg thức ăn, nên theo chuyên gia Pierre Falgayrac, cũng như giám đốc cơ quan Sức Khỏe Môi trường Paris và phát ngôn viên Christophe Marie của quỹ bảo vệ động vật mang tên diễn viên danh tiếng Brigitte Bardot, để giải quyết tận gốc vấn nạn chuột thì điều thiết yếu phải là xử lý rác thải, đặc biệt là các loại thức ăn thừa để chặn nguồn thức ăn của chuột, khiến chúng không thể sinh sôi nhanh chóng. Và đặc biệt, việc dọn vệ sinh, thu gom rác thải phải được tiến hành vào buổi chiều tối, trước giờ chuột rời hang lên mặt đất tìm thức ăn.
Hiện tại, ở Paris, thùng rác được các hộ gia đình, cửa hàng, siêu thị đẩy ra vỉa hè vào buổi tối, nhưng nhân viên môi trường đô thị chỉ đi thu gom rác vào buổi sáng sớm hôm sau. Điều này có nghĩa là chuột vẫn có cả đêm để lùng sục thức ăn trong các thùng rác để trên vỉa hè, nhất là các thùng rác không được đậy kín nắp.
Ngoài ra, ông Pierre Falgayrac đưa ra 4 đề xuất:
- Dùng các chất diệt chuột sinh học chỉ để diệt chuột cống gần khu vực buôn bán thực thẩm, nhà hàng, siêu thị.
- Đặt bẫy chuột cơ học không độc hại cho con người và các loài vật khác luân phiên tại các công viên, vườn hoa.
- Phun nước dọn rửa vỉa hè hai lần một ngày, nhất là tại các khu vực có nhà hàng, siêu thị.
- Diệt chuột một tháng trước khi cải tạo hay xây mới các công trình để tránh chuột chạy lan sang các nơi khác.
Chuyên gia Pierre Falgayrac quả quyết nếu áp dụng bốn biện pháp mà ông đề xuất, chỉ sau ba tháng, số chuột sẽ giảm xuống tỉ lệ dưới 1 con chuột/ 1 người dân. Ở ngưỡng này, người ta sẽ không còn thấy chuột trên mặt đất vào cuối ngày nữa.
Nhưng chuyên gia Pierre Falgayrac lại lưu ý rằng điều quan trọng là « điều chỉnh dân số » chuột cống ở Paris chứ không phải tìm cách tiêu diệt hoàn toàn loài vật này bởi vì chuột cống không quá nguy hiểm như người ta vẫn lo sợ.
Chúng ta vẫn đồn đại rằng chuột cống có thể truyền nhiều bệnh cho con người, nhất là dịch hạch, nhưng sự thật không phải vậy. Chuyên gia Pierre Falgayrac nói: « Nếu đúng chuột cống là vật chủ truyền bệnh dịch hạch, thì con người đã chết hàng loạt kể từ khi có hệ thống cống … Chuột không truyền cho con người nhiều mầm bệnh hơn chó hay mèo, những loài vật nuôi yêu thích của người dân Paris … Bệnh duy nhất mà chuột có thể truyền cho con người là bệnh trùng xoắn móc câu. Đó là căn bệnh truyền nhiễm qua nước tiểu của chuột. Nhưng căn bệnh này rất hiếm gặp.»
Viện Pasteur Paris cũng khẳng định bệnh trùng xoắn móc câu không dễ lây sang người nên tỉ lệ người mắc bệnh hàng năm chỉ là 0,4 - 0,5 người/100.000 dân. Thế nhưng, với nạn hoành hành của chuột cống, số người bị mắc bệnh đã tăng. Năm 2014-2015, trên toàn nước Pháp, có hơn 600 ca bệnh trùng xoắn móc câu, tăng gấp đôi so với năm 2011. Những người có nhiều nguy cơ mắc bệnh này nhất là công nhân làm việc trong hệ thống cống ngầm, thường xuyên tiếp xúc với chuột cống.
Tuy nhiên, xét về phía cạnh nào đó, chuột cũng là loài vật có ích. Chúng giúp người dân Paris xử lý tới 800 tấn rác thải/ngày và giúp cống rãnh không bị rác làm tắc nghẽn.
Còn chính quyền Paris có quan điểm là chuột không chỉ gây ra các vấn đề về sức khỏe mà còn « gây mất mỹ quan đô thị và gây thiệt hại về kinh tế ». Vì thế, thị trưởng Anne Hidalgo khi trả lời phỏng vấn của tuần báo Journal du dimanche (Báo ngày Chủ Nhật) hồi đầu tháng 03/2017 cho biết là thành phố đã thông qua một kế hoạch hành động trên quy mô rộng với 10 biện pháp mới nhằm làm sạch thành phố và diệt chuột, đặc biệt bổ sung 1,5 triệu euro cho công tác diệt chuột. Số tiền sẽ được dùng để mua thêm bẫy chuột, cải tiến các thùng rác để chuột không chui vào lấy thức ăn được nữa và tăng cường hoạt động diệt chuột ở những nơi có nhiều chuột cống.
Thực ra, đây không phải là chiến dịch diệt chuột đầu tiên của thành phố Paris. Hàng năm, cứ vào mùa xuân, sở cảnh sát Paris lại phát động chiến dịch diệt chuột và nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân. Năm 2000, sở cảnh sát Paris đã thành lập một đơn vị gồm 6 cảnh sát, chuyên điều tra các nhà kho, tầng hầm, sân và khu vực để thùng rác bên trong các khu chung cư và hệ thống cống thoát nước để tìm và diệt loài gặm nhấm này. Nhưng, đúng như cô Laëtitia - một người sống lâu năm ở Paris chia sẻ: « Có những đợt, người ta không nhìn thấy chuột, chúng đã bị tiêu diệt hết nhưng rồi sau đó một thời gian, chúng trở lại vì luôn có thức ăn cho chuột trên đường phố Paris. Nhiều người ngồi ăn trong các công viên, vườn hoa, ăn không hết họ vứt lại. Thức ăn thừa này đã thu hút chuột tới.»
Thêm vào đó, chuột cũng là loài vật tinh khôn, không dễ dính bẫy. Anh Mathieu Cohen, chuyên viên kỹ thuật diệt chuột cho biết: « Đây là loài sống sót tài tình nhất, một trong những loài vật thông minh nhất trên trái đất. Rất khó để bắt được chúng. Nhưng với kỹ thuật ngày càng phát triển, chúng tôi sẽ làm được, dần dần từng chút, từng chút một ».
Hy vọng là với các biện pháp mới của Paris, với việc nâng cao ý thức cho người dân, « Kinh đô ánh sáng » sẽ không còn là « kinh thành của chuột cống » nữa.
Nguồn: Thùy Dương / RFI
No comments:
Post a Comment