Saturday, June 3, 2017

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, người viết “Kinh Khổ” - Giao Chỉ



Ngày thứ Bảy 17 tháng 12-2005 tại San Jose có tổ chức đêm văn nghệ dành cho các nhạc phẩm của Duy Khánh và Trầm Tử Thiêng. Chúng tôi sẽ tham dự và nghĩ rằng những đêm chủ đề như thế nếu chúng ta biết một đôi chút về tác giả thì sẽ cơ hội thưởng thức đậm đà hơn. Và tôi chọn viết bài về Trầm Tử Thiêng. Thêm vào đó, tôi có đôi chút tình nghĩa với bài Kinh Khổ. Bài nhạc đúng như tên gọi. Hát lên như tiếng cầu kinh. Nhịp điệu trầm thống, lời nhạc lạ lùng và hết sức đau khổ.

Tác giả viết về một đất nước mà con dân từng đàn lũ cứ lần lượt ra đi, rồi lần lượt trở về. Và sau cùng là những tha ma mộ địa.

Ngày xưa, khi tôi còn ở tuổi niên thiếu. Pháp đánh Nam Ðịnh. Mẹ tôi giục dã ông bố tản cư. Bà cụ nói, người ta càng ngày càng đi hết. Rồi sau cùng nhà tôi cũng chạy về quê ngoại. Chúng tôi chôn cất ông cụ ở huyện Yên Mô, rồi bỏ Kháng Chiến về Tề. Bởi vì người đi càng lúc càng thưa dần. Người về mỗi lúc một đông hơn. Ðó là lời Kinh Khổ.

Rồi chuyến di cư vào Nam cũng thế. Rồi chuyến chạy qua Mỹ cũng vẫn lập lại những lời ca của bài Kinh Khổ. Người vượt biên lúc đầu còn thưa, sau lại đông dần. Chết bao nhiêu cũng cứ đi. Biết bao nhiêu là thân xác thủy táng biển Ðông. Rồi chuyện về thăm quê hương. Lúc đầu thì ít, bây giờ người về đông hơn. Nhưng ai về cũng kêu than, nhưng rồi cũng cứ về. Về rồi lại qua. Bởi vì Kinh Khổ đã tiên tri như thế.

Một bà 65 tuổi lãnh tiền già nhưng vẫn còn trẻ nói oang oang ở chỗ mua vé máy bay: “Suốt đời khổ sở, bây giờ về Việt Nam một tháng cho sướng.” Hỏi rằng tại sao về với cộng sản mà lại sung sướng. Bà trả lời ngay: “Tôi về quê tôi chứ tôi đâu có về với cộng sản. Về Việt Nam để làm người Mỹ chứ ở đây ai biết mình là Mỹ.”

Và cứ như thế dòng đời trôi đi. Người đi một lúc một thưa dần. Người về ngày một đông hơn. Nhưng không có ai ở lại. Về rồi lại đi. Chỉ còn lại những nấm mồ.

Lời nhạc gì mà cứ như những lời mặc khải trong kinh thánh. Ðó là bài Kinh Khổ tiên tri về thân phận Việt Nam.


Tôi không phải là người thông thạo về chuyện văn nghệ nên có lần hỏi cô Khánh Ly ai là tác giả bài Kinh Khổ nghe mà não nùng như thế? Có phải của Trịnh Công Sơn? Cô Mai nói đây là bài của anh Lợi. Anh Lợi nào? Thì Nguyễn Văn Lợi tức là nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đó.

Tôi bèn xem lại di sản của nhà soạn nhạc đặc biệt này và chợt thấy gia tài của ông phong phú và độc đáo biết chừng nào. Trên 200 bài ca, tất cả đều mượt mà, duyên dáng pha một chút triết lý và tình yêu quê hương chân thành của một người thực sự sống bằng nội tâm.

Ðọc một loạt các tựa bài ca mới thấy mình quả là loại thính giả bạc bẽo đã bao năm không hề biết đến cuộc đời một người soạn nhạc đã dành cho ta những giây phút rung động quý giá như vậy.

Nhạc tình của Trầm Tử Thiêng bất hủ với bản Hương Ca vô tận, Hát Nữa Ði Hương đã bao năm tháng chiến chinh theo chân người lính rong ruổi dặm trường.

Ngày đao binh chưa biết còn bao lâu.
Cuộc phân ly may lắm thì qua mau.

Trong khi ngày xưa cô Nhã Ca nằm nghe tiếng đại bác thâu đêm thì anh Nguyễn Văn Lợi, gầy ốm, hiền lành ngồi viết nên những lời ca trác tuyệt:

Dù em ca nỗi buồn quê hương,
Hay mưa giăng thác đổ đêm trường.





Ðọc tiểu sử của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, chúng ta chỉ thấy một cuộc đời bình thường nếu không nói là quá cô đơn và nghèo khổ.

Ông sinh năm 1937 tại Quảng Nam, đi học, đi lính ngành Chiến tranh Chính trị rồi biệt phái về Bộ Giáo Dục.

Sau năm 1975, ông ở lại rồi 10 năm sau vượt biên năm 1985. Sau thời gian ở trại tỵ nạn, ông đến Mỹ sống được 15 năm và qua đời năm 2000, hưởng thọ 63 tuổi. Chưa lãnh tiền già Hoa Kỳ, chưa bước chân qua thế kỷ thứ 21. Sống chết trước sau dường như có một mình.

Ðó là cuộc đời của con người viết nên bản nhạc Kinh Khổ, đã sống một cuộc đời kham khổ như một nước Việt đau thương.

Vì sống nhiều với nội tâm, cô đơn, không gia đình vợ con, không lên xe xuống ngựa, nên nhạc của ông dù là tình yêu quê hương, dù là tình yêu đôi lứa, thẩy đều ray rứt, trầm thống.

Nhạc tình của ông như tiếng thì thầm của con sông hỏi chuyện chuyến đò, như duyên quê chân đất bước thấp bước cao, hay giây phút tiễn người ngoài ga, “em lên tàu đi, buồn kín các toa dài.”

Riêng phần cuộc đời của nhạc sĩ cũng như lịch sử đất nước với những nét tiêu biểu thể hiện bằng câu chuyện một cây cầu đã gẫy của thời chiến tranh. Khi đất nước thanh bình lại phải vượt biên để chỉ thấy toàn là những giờ tuyệt vọng dù rằng tác giả đã cố gắng ca ngợi chút tin vui.

Một trong các bản nhạc tỵ nạn của Trầm Tử Thiêng với tính cách thời sự bi thảm là bài “Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng” để nói về thời kỳ hải ngoại góp sức xây dựng làng Việt Nam tại Phi Luật Tân.

Nhạc sĩ đã rất tâm đắc viết lên những chữ vui mừng hết sức cay đắng là “Người đã cứu người.” Những tác phẩm của ông suốt 40 năm đã được các ca sĩ trong và ngoài nước trình diễn đem đến cho giới thưởng ngoạn những giây phút xúc động vì những giá trị cả nhạc lẫn lời ca và tâm tình của tác giả.

Một bản nhạc khác lôi cuốn mãnh liệt mà Trầm Tử Thiêng đã viết chung với Trúc Hồ, Việt Dzũng là bản “Bên em đang có ta.”

Ðây là bài hát viết cho trẻ em mồ côi tỵ nạn nhưng có thể gọi là một thông điệp lịch sử của người Việt gửi cho quê hương Việt Nam. Trên sân khấu Asia, các nghệ sĩ danh tiếng đồng ca và mỗi người thay phiên hát một câu đã ghi dấu cho lần ra mắt bài hát lịch sử xúc động nhất ở hải ngoại.

Nếu chúng ta hãnh diện về một nền văn học hải ngoại thì bài ca này là một điểm son về bộ môn ca nhạc trình diễn. Mặc dù là một nhạc sĩ lớn, có một gia tài âm nhạc phong phú để lại nhưng bác Nguyễn Văn Lợi hiền lành của chúng ta không phải là người đã từng hưởng vinh quang của ánh đèn sân khấu.

Trong giới làm văn học nghệ thuật, chúng ta có thể chia ra các nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ trình diễn.

Các ca sĩ, diễn viên là nghệ sĩ đứng, các nghệ sĩ trình diễn ra trước ánh đèn sân khấu, tuy có vất vả nhưng luôn luôn xiêm áo xênh sang với lời ca tiếng nhạc hòa trong tiếng vỗ tay như sóng biển rạt rào. Và lợi tức còn thánh thót hơn cả những tràng pháo tay.

Các văn sĩ, nhạc sĩ sáng tác là các nghệ sĩ ngồi. Bên ngọn đèn khuya, nóng lạnh bốn mùa đều cô đơn mà làm việc. Vì ngồi một chỗ nên quần áo cũng chẳng quan tâm, nhan sắc cũng không cần lưu ý. Và tiền bạc thì chẳng thấy bao giờ. Ðó chính là hoàn cảnh của bác Trầm Tử Thiêng tức là thầy Nguyễn Văn Lợi.

Nếu được như Nhật Trường, vừa là nhạc sĩ vừa là ca sĩ, đã hào hùng trong quân phục áo dù hoa với mũ đỏ để lên sân khấu mà ở lại Charlie. Lúc thì áo mưa vắt vai, đi lại trên màn ảnh nhỏ mà tưởng chừng như đang ngồi trên Phá Tam Giang. Chàng làm cho bao nhiêu cô em gái Sài Gòn thẫn thờ chờ đợi.

Hay như là bác Duy Khánh cũng vừa viết nhạc vừa trình diễn đã làm cho cô gái Huế bước đi không đành.

Nhưng bác Lợi của chúng ta không có cơ hội hào hoa như thế. Lúc còn thanh niên chỉ suốt đời đi xe đạp. Ði dạy nhạc cũng chỉ có chiếc xe đạp cũ, lưng đeo ba lô, thêm mì gói phòng xa. Từ xứ Huế mà vào đến xứ Sài Gòn.

Và gần như ông giữ phong thái Tây Ba Lô suốt cả cuộc đời. Khi Trần Thiện Thanh mất đi mới ngoài 60 mà tưởng như một người tài hoa mệnh yểu, ra đi khi còn quá trẻ. Ai nấy đều tiếc thương. Nước mắt chan hòa ở xứ Bolsa.

Khi bác Trầm Tử Thiêng ra đi cũng tuổi ngoài 60, ai cũng tưởng là một cụ già đã hưởng đủ phúc lộc thọ của cuộc đời. Vì vậy ông ra đi nhẹ nhàng và ít người lưu ý ngoài giới văn nghệ thân hữu.

Rõ ràng là cùng đợt tuổi nhưng phần số mỗi người một khác. Anh Nhật Trường ra đi còn để lại những mối tình. Bác Trầm Tử Thiêng ra đi chỉ để lại cho chúng ta một tình yêu mênh mông giữa con người và đất nước. Giữa con người với con người. Ông đã viết nên những lời não nùng nhất của nhân loại.

Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng.
Lời cầu kinh vừa có người nghe.
Trái tim ơi, đất trời lồng lộng.
Chờ đêm đêm biển hát tình ca.
Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng.
Bao sinh linh nhận phép giải oan.
Siết tay nhau cúi đầu gạt lệ.
Tạ ơn Trên. Người vẫn thương người.

Trong cuộc sống tha hương ở hải ngoại, món ăn tinh thần của những con người Do Thái da vàng Việt Nam là văn học nghệ thuật mà trong đó lời ca tiếng nhạc đã nâng đỡ dân tỵ nạn bốn phương.

Hàng triệu người Việt di dân trên 100 quốc gia trong suốt 30 năm qua đã tiếp tục nghe tiếng quê hương qua văn nghệ.

Trong số những người Việt đó có 100 ngàn người tại Thung Lũng Ðiện Tử với San Jose là kinh đô của điện toán thế giới.

Trong số những nhà soạn nhạc giữ cho chúng ta nhưng vần Việt ngữ tràn đầy đau khổ, yêu thương đó có thầy Nguyễn Văn Lợi, quê đất Quảng Nam. Khi còn sống cũng như lúc ra đi đều không hề vướng bận ồn ào. Trong cõi tử sinh, chiến tranh và hòa bình, lúc ở quê nhà hay vượt biên ra hải ngoại, trước sau vẫn chỉ có một mình.

Trong giới thưởng ngoạn nhạc của ông, cũng đã có những người ngồi nghe tiếng hát mà khóc một mình. Và trong các ca sĩ cũng có những người lúc tập hát nhạc của ông cũng khóc một mình trong một niềm trống vắng mênh mang của Hương Ca Vô Tận. Ai Mà Biết Ðược, Hát Nữa Ði Em hay là Khóc Nữa Ði Em.

Nhân dịp cuối năm, cảm thông với tâm tình của các nhạc sĩ miền Trung đã ra đi, anh em nghệ sĩ đất Quảng của San Jose đã ngồi lại làm đêm văn nghệ Duy Khánh và Trầm Tử Thiêng. Chữ nghĩa của đại nhạc hội gọi là Ðêm Người Thương, Người Nhớ.

Và thêm một bước nữa, anh em lại có ước vọng làm một DVD cho đêm nhạc chủ đề kể trên. Phần lớn sẽ sử dụng phương tiện cây nhà lá vườn. Phần quay phim kỹ thuật hoàn toàn Việt Nam của Newland Production đã đành, dàn ca sĩ cũng đa số là sản phẩm San Jose hoặc xuất thân từ San Jose.

Sau 20 năm văn nghệ và kỹ thuật với Thúy Nga, Asia hay Vân Sơn, ngành Video Việt Nam ở hải ngoại đã tiến vượt bực, kéo theo cả nền Video trong nước.

Những năm trước nghe nói làm một cuốn phim Video Việt Nam loại xuất phẩm các đại công ty phải chi đến một triệu Mỹ kim. Tôi không tin. Tuy nhiên, sau một lần lên coi Asia làm phim tại thủ đô, thấy tiền chi cho rạp, cho công ty quay phim của Hoa Kỳ. Quả thực bạc triệu là điều có thật. Và những chi phí lớn lao như vậy đã làm cho những tay làm phim Video tỉnh lẻ không thể cạnh tranh nổi.

Nhưng lần này các bạn trẻ xứ Quảng với Tài Văn Kiên cùng với nhóm anh em tại San Jose quyết tâm lên đường.

Ðại công ty như Asia, Thúy Nga ở miền Nam Cali ngồi họp bàn ngân sách, các vị tổng giám đốc như cô Tô Ngọc Thủy, anh Trúc Hồ ấn định ngân sách cố gắng giữ trong phạm vi trên dưới một triệu Mỹ kim. Ở miền Bắc ông Tài Văn Kiên ngồi thảo luận với anh em kỳ này sẽ chi ra tối đa 10 ngàn Mỹ kim cho cả hai ông Trầm Tử Thiêng và Duy Khánh.

Với tiền bạc như thế thì khi sản phẩm hoàn tất mà thành công tạm được cũng phải coi là phép lạ.

Ông bầu Quảng Nam vừa đạo diễn, vừa chạy dây âm thanh, vừa đích thân cầm máy đang cùng anh chị em từ Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên quyết đem tên tuổi của các nhạc sĩ miền Trung đã qua đời để làm một cuốn DVD mở đầu cho nhóm tài tử San Jose.

Rất nhiều hy vọng là phải xuất sắc hơn cuốn số 1 của Thúy Nga Paris ra mắt hơn 20 năm về trước.

Trong giới anh chị em văn nghệ tại Bắc Cali, ông Tài Văn Kiên không phải là người có nhiều vốn liếng đầu tư. Cũng không phải là người khéo ăn khéo nói, nhưng tấm lòng chân thật và sự kiên trì quyết tâm của chàng trai xứ Quảng thì không ai sánh kịp. Còn về mặt bên ngoài xập xệ thì ông Kiên cũng có vẻ Tây Ba Lô như thầy Nguyễn Văn Lợi.

Trong lịch sử làm phim trên thế giới, Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu với những xuất phẩm hàng trăm triệu Mỹ kim, nhưng đôi khi những cuốn phim một triệu của các tay tài tử cũng đã từng làm rung động màn bạc thế giới.

Lần này anh em xứ Quảng quay DVD sẽ có những thước phim xúc động, nhưng không có các đại tài tử, không có sân khấu vĩ đại hoành tráng. Không những thế, ca sĩ còn phải góp cả tiền đặt cọc sân khấu. Ðó là trường hợp cuốn DVD Người Thương, Người Nhớ sẽ bắt đầu quay vào cuối năm 2005 tại San Jose.

Dù sao thì đối với nghệ sĩ nghèo, chỉ có tấm lòng vì nghệ thuật mà cố sức quý vị nhạc sĩ đồng hương Duy Khánh, Trầm Tử Thiêng sẽ phù hộ cho hậu sinh lên đường.

Người khác thì không biết ra sao chứ với thầy Nguyễn Văn Lợi tức nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng mà ban tổ chức dù hết sức lợi dụng tên tuổi của thầy mà chỉ còn đủ tiền ăn mì gói thì thầy cũng vui lòng. Bởi vì ngày xưa trong ba lô của thầy cũng luôn luôn chỉ còn một bao mì gói cuối cùng.

Chúng ta đã từng thưởng thức Thúy Nga, Asia và Vân Sơn, lần này xin đến xem ca sĩ của Newland khóc nữa đi Hương tại một rạp nhỏ bé và khiêm nhường nhất San Jose. Xem các anh em xứ Quảng làm ăn ra sao. Và đồng thời đón coi xem cuốn DVD Người Thương Người Nhớ sẽ đạt tới mức nào.

Ðã bao phen chúng ta đã quen thuộc với các bài giới thiệu chương trình văn nghệ vĩ đại, thành công vượt bực, sân khấu hoành tráng, kỹ thuật công phu, và vốn sản xuất lên đến hàng triệu Mỹ kim.

Bây giờ, xin mời quý vị đến nghe nhạc của Duy Khánh-Trầm Tử Thiêng vào lúc năm cùng tháng tận ở nơi đất khách quê người. Cả hai nhạc sĩ miền Trung đều đã ra đi cộng lại hai nỗi buồn không thể thành được một ngày vui. Chỉ còn lại một đêm Người nhớ Người thương với vốn sản xuất không quá 10 ngàn Mỹ kim để làm ra một đĩa DVD có thể giá bán mua được một thùng mì gói cúng thầy.

Mong rằng Newland sẽ cố gắng dựng lại cây cầu đã gẫy với rất nhiều nỗ lực và mênh mông một biển ân tình.

Và xin mời quý vị đến để nghe Kinh Khổ của Trầm Tử Thiêng đất Quảng và theo chân về Huế một lần với Duy Khánh.

Giao Chỉ - San Jose 2005

****************************************************************

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng  (Nguyễn Ánh Piano, trích từ Nghệ Thuật 102, 9/02 )

Khi đặt bút viết những dòng hồi ký này về cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, tôi mường tượng ra hình ảnh của ông trong đầu của hai mươi tám năm về trước, nghĩa là vào năm 1974, hình ảnh một anh nhạc sĩ có một nét rất phong trần và bụi đời khi ông lúc nào cũng cởi một chiếc xe đạp làm phương tiện di chuyển và trên vai thì luôn mang một chiếc ba-lộ Trong chiếc ba lô đó thường thường là có một vài bản thảo hay bản nháp của một bản nhạc nào đó mà ông đang làm dở dang hay đang cần sửa chữa, một ngăn thì chứa những giấy tờ của cá nhân ông như căn cước, giấy... hoản dịch và một vài thứ giấy linh tinh gì khác mà chỉ có ông mới biết được là phải xài hay dùng vào một việc gì. Ngoài hai thứ vừa kể như trên thì trong ba-lô của ông lại còn hai thứ nữa bất khả ly thân là một miếng "khảy đàn" bằng đồi mồi lên nước bóng loáng trông rất đẹp và vật cuối cùng là... một gói mì ăn liền.

Thưa các bạn, đọc đến đây chắc có nhiều bạn nóng tánh chắc đã vội buông tờ báo xuống và mắng thầm: "Thằng nhạc sĩ Nguyễn Ánh nào đó đúng là xàm, tại sao trong ba-lô của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng có cái thứ gì mà sao chả cũng biết? Hay ngoài nghề dạy đàn, đánh đàn ra chả còn một nghề gì khác nữa, "móc túi" hay "chôm chỉa" gì chăng, mà lại biết trong ba-lô người ta lại có những thứ gì?".

Ấy khoan! Xin các bạn đừng vội nghi oan bậy bạ cho kẻ hèn này để không rồi lại mất uy tín với đám hậu sinh rồi làm sao mà dạy dỗ người ta được. Số là câu chuyện như thế này xin mời các bạn theo dõi như sau đây:

Vào năm 1974, ca nhạc sĩ Duy Khánh có mở một lớp nhạc luyện ca Trường Sơn tại số 62 Trần Hưng Đạo, và kẻ hèn này cũng đã bày đặt đến xin ghi tên học để mà hy vọng sau này sẽ giống như "thầy" mà có tên tuổi trên diễn đàn văn nghệ chăng? Trong thời gian thụ giáo với thầy Duy Khánh còn có các bạn cùng lớp mà tôi mạn phép xin nêu đích danh tên thật của họ ra sau đây để mà hy vọng biết đâu một vài người bạn thời đó nếu có duyên đọc được bài này mà nối lại sợi giây liên lạc để ôn lại kỷ niệm một thời hoa mộng thì vui quá! Những người bạn cùng lớp năm đó là anh Duy Minh, anh Phương Linh, Anh Ngọc hay là anh Sáu, anh Hùng người Huế ưa ca bản "Tình chết theo mùa Đông", chị Dung, chị Mai, cô Uyên và cô Xuân. Đó là chỉ những người bạn mà tôi quen biết và còn nhiều nữa nhưng vì thời gian tôi đã không còn nhớ hết được.

Trong thời gian học với thầy Duy Khánh lúc đó là mỗi tuần vào chiều thứ hai, mà có rất nhiều buổi học khi cái đám nhạc sinh của tụi tôi đến thì thầy Duy Khánh lại không có ở lớp, thầy bận nhiều việc như còn đang kẹt tại phòng thâu băng hoặc đang có buổi họp bạn và nhiều lần thầy cũng đang... bận nhậu với vài người bạn nghệ sĩ khác tại một quán nhậu cách lớp nhạc độ 10m. Tuy nhiều lần đến học mà chẳng được học nhưng tụi tôi cũng không vì thế mà buồn hay trách thầy mà lại lấy làm hoan hỉ nữa là khác, vì dạo đó thầy Duy Khánh của tụi tôi đang được "trở lại thời kỳ độc thân" tại chỗ nên thầy của tụi tôi vui tính lắm.

Trong nhà thầy dạo ấy có một người * già mà tụi tôi hay gọi là dì Ba cũng đang ở chung với thầy để lo giặt giũ cơm nước cho thầy, ngoài hai việc kể trên, dì Ba còn một bổn phận nữa là mở cửa lớp nhạc đón tiếp tụi tôi để tụi tôi vào chờ thầy hoặc nói chuyện phiếm hầu quên đi khoảng thời gian chờ đợi khắc khoải. Nhưng thầy Duy Khánh thấy làm như thế coi bộ không ổn vì nếu thầy ban lệnh cho dì Ba mở cửa cho tụi tôi vào lớp trong lúc vắng mặt thầy thì tụi tôi phá như điên, ở lớp nhạc thầy có một cây đàn "guitar", tụi tôi tự nhiên lấy xử dụng đàn ca hát xướng cho đã lại quăng lên thả xuống rầm rầm, dì Ba tánh vốn dễ dãi nên chẳng nói năng chi mặc dù mấy cô ca sĩ tập sự mang quà bánh nước ngọt vào lớp ăn uống xả rác đầy nhà làm dì mỗi lần tụi tôi đến là dẹp mệt nghỉ. Chắc những lần mất an ninh như vậy đã đến tai thầy Duy Khánh nên lần này tụi tôi đến lớp thầy đã có một thông báo mới: "Này, các anh, các chị, kể từ thứ hai tuần tới, mỗi khi tôi... bận không hướng dẫn cho các bạn được nên tôi có mời nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đến để thay tôi dạy thế, các bạn có đồng ý không?".

Đồng loạt cả lớp tôi đều "welcome" hết mình. Người thì muốn biết mặt nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, kẻ thì đã từng ái mộ nhạc của ông ta nay muốn nhân cơ hội để ông chỉ giáo vài bàị Nhưng riêng cá nhân tôi thì tôi thật sự cảm động vì ngoài sự cảm mến tài năng của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng tôi còn sự mến phục đặc biệt với nhạc sĩ nữa vì ông ta là một vị ân nhân của tôi.

Nguyên là một thời gian trước đó không bao lâu tôi có đến lớp nhạc tìm thầy Duy Khánh về chuyện gì đó ngoài giờ học thường lệ mỗi thứ hai, bữa đó thầy vắng nhà, tôi đang lui cui mở khóa xe tính đi về thì bỗng đâu có một đám thanh niên tóc dài cùng ngả chung cư đó từ trên lầu đi xuống. Một thằng đến chận tôi lại gây sự: "Đ.M., phải mày học nhạc ở đây không? Có biết tụi tao là ai không?". Tôi còn đang ngơ ngác chưa biết nói gì thì bỗng nó đấm tôi một cái rầm, cả xe và người đều ngã, tôi không dám phản ứng lại vì cô thế vội nhìn quanh xem có ai để cầu cứu. Tại hiện trường lúc đó cũng có vài người gửi xe đứng nhìn nhưng ai nấy đều bất động không dám can thiệp, bỗng đâu từ cánh cửa cái của chung cư 62 Trần Hưng Đạo xuất hiện một người đàn ông ốm yếu dắt xe đạp tiến vào, thấy hoàn cảnh tôi như thế mặc dù chưa biết chuyện gì nhưng người ấy cũng vội tiến đến dìu tôi lên và cản ngăn đám thanh niên kia, bọn kia thấy có người can thiệp vội lảng rạ Người đàn ông đó sau khi giúp đỡ tôi lấy lại bình tĩnh và hỏi thăm, sau đó biết tôi là học trò của nhạc sĩ Duy Khánh bèn nói, ông ta cũng quen Duy Khánh dù lúc đó ông ta không thố lộ gì mình là nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng cả. Sau đó ông ta mời tôi ra quán nước gần đó bảo là chờ Duy Khánh đến giải quyết vụ hành hung vừa rồi.

Trong lúc ngồi cùng ông ta chờ thầy Duy Khánh đến vì ông ta bảo hôm đó có hẹn, tôi tò mò hỏi xem tại sao ông quen thầy Duy Khánh thì lúc đó chẳng đặng đừng ông ta mới cho biết quý danh là Trầm Tử Thiêng.

Ô! Thì ra đây là một nhạc sĩ tài ba mà đa số người Việt Nam đều hâm mộ nhạc của ông ta. Sau đó nhạc sĩ lôi từ trong ba lô ra một xấp nhạc đang viết dở dang cùng một số bản cũ đã phát hành như "Kinh khổ", "Lời của Mẹ"... và cho biết đang cho in một vài bản mới, đoạn ông ta lấy ra một xấp bản thảo viết tay một cách hoa mỹ cho tôi xem. Lúc đó tôi mới biết trong cái xui có cái hên từ chuyện xui xẻo bị hành hung để bây giờ được ngồi bên cạnh một nhạc sĩ tài ba với một tâm hồn bình dị lại có cả anh hùng tính nữa.

Tôi nói bình dị thật là đúng nghĩa khi tôi quan sát ông ta thấy toát ra nét bình dị ấy một cách rõ ràng từ cách ăn mặc đến cả phương tiện di chuyển hàng ngàỵ

Trong khi thầy Duy Khánh của tôi khi cần đi đâu dù xa hay gần đều gọi xích lô đưa đị Ca sĩ Chế Linh chiều chiều hay đến tìm thầy đều chểm chệ oai vệ lái xe Jeep đến hay đôi khi họa hoằn lắm thì cũng ngự trên một chiếc "Harley" bự tổ chảng. Nói chung thì nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đơn giản trong cuộc sống lắm vì trong lúc nhạc sĩ lôi ra xấp bản nhạc từ trong chiếc ba lô, tôi còn thoáng thấy... bao mì gói nữa, chắc là nhạc sĩ dùng cho những lúc tối lửa tắt đèn chăng? Chắc chắn rồi, vì nhạc sĩ không vợ không con lại chẳng có cả người yêu nữạ Ông sống thầm lặng, đạm bạc như một người tu hành.

Từ bữa thầy Duy Khánh thông báo sẽ mời nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đến dạy thế những lúc thầy bận, tụi tôi vui lắm cứ chờ đợi mãị Rồi một chiều kia, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng xuất hiện, cũng trên chiếc xe đạp cà tàng mà tụi tôi đặt tên là chiếc "SS-50". Hôm đó đặc biệt ngoài chiếc ba-lô cố h"u, nhạc sĩ còn mang trên vai cây đàn "guitar" cũ nữa.

Nhạc sĩ ung dung tiến vào lớp nhạc, ông nói vài lời giới thiệu và hỏi tụi tôi thầy Duy Khánh đã dạy bản gì rồi. Tụi tôi cho biết thầy đã dạy qua những bản "Đêm bơ vơ", "Trăng tàn trên hè phố" và cả "Qua cơn mê" nữa. Ông không nói gì, chỉ âm thầm lôi ra từ chiếc ba-lô một xấp nhạc với tựa đề "Ngày đá đơm bông" và tôi là người được chỉ định đi phát bài cho anh em. Hôm đầu tiên đó được học với ông thật là vui, ông đã dạy qua một lần cho cả lớp hát chung, sau đó lại gọi từng người lên hát riêng, và tôi cũng là người đầu tiên được ông mời lên hát. Tội nghiệp ông! Tôi hát chuyên môn trật nhịp muốn nhanh lúc nào thì cứ nhanh, muốn xuống xề lúc nào thì cứ xuống bất chấp cả nhạc lý ghi trong bản nhạc, nhưng ông vẫn kiên nhẫn dẫn giải và ráng chạy theo tốc độ của tôi. Tôi liếc qua thấy ông đệm đàn "guitar" cho tôi hát mà ông đổ mồ hôi hột.

Những hình ảnh đó đã trải dài trên hai mươi sáu năm nhưng mãi mãi vẫn còn khắc sâu trong tâm trí tôi. Tôi chỉ ân hận một điều và lương tâm cứ dằn vặt mãi là sao ngày xưa và ngay cả lúc ông qua tới đảo cũng như lúc ông đã sang Mỹ, tôi có biết địa chỉ của ông mà sao đã không có một lời nào thăm hỏi hoặc ít nhất cũng nên một lần nhắc lại lời cảm tạ ơn nghĩa năm nào mà khi ông còn sống đã dành nhiều ưu ái và cảm tình cho tôi. Ân hận thì cũng đã muộn, người đi đã ra đi không quay lại. Thôi thì những dòng hồi ký này được ghi lại với một tấm lòng thành thật chân tình để thay cho lời tri ân một người nhạc sĩ quá cố tài ba có một tâm hồn bình dị và một tấm lòng dũng cảm.

Mong ông có linh thiêng thấu hiểu cho một người đã thụ ân ông và đã... một cách vô tình quên người ân nhân cũng như trên đường đời ông đã từng gặp những người quên ơn. Và cuối cùng đây cũng là một nén nhang thắp lên để sưởi ấm linh hồn ông, mong ông mỉm một nụ cười khoan dung và độ lượng nơi chín suối.

Nguồn: vietnhac.org

No comments:

Post a Comment