Sunday, January 17, 2016

Dầu hỏa, Iran và Mỹ

Nói đến vùng vịnh Ba Tư - Ả Rập là thấy ngay hình ảnh của những giàn khoan khổng lồ, ống dẫn dầu và những con tàu vận tải khổng lồ: Iraq, Kuwait, Saudi Arabia, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Oman và Iran, tất cả đều có chung lối ra là một vùng biển bé tí rộng 233.000km2!

Nói đến vùng Vịnh cũng là nói đến những hình ảnh chết chóc. Từ 30 năm qua, ba trận chiến lớn giữa Iran - Iraq và hai lần quân Mỹ tấn công Saddam Hussein đã nổ ra với hơn nửa triệu nạn nhân.

Đó cũng là sự xung đột hiện nay giữa Mỹ và Iran về vấn đề hạt nhân có nguồn gốc sâu xa từ trong lòng đất và trong lịch sử.

Ngay từ đầu thế kỷ 20, “vàng đen” đã làm nên mối quan hệ giữa Ba Tư với phương Tây. Năm 1901, một nhà thầu người Anh tên William Knox d"Arcy đã được quốc vương Mozaffaredin cho phép khai thác tài nguyên trong lòng đất Iran kéo dài đến 60 năm. Tám năm sau, lúc gần phá sản, ông ta mới tìm thấy một cánh đồng dầu hỏa khổng lồ tại Masdjed-e-Soleyman, trong vùng Khuzestan


Mossadegh, thủ tướng đầu tiên của Iran, ra lệnh quốc hữu hóa dầu hỏa của Iran vào năm 1951. Hành động này khiến Anh, Mỹ giận dữ

Người Anh khống chế

Tại đây, cách nay hơn 100 năm, mũi khoan dầu đầu tiên ở Trung Đông đã được thực hiện. Công ty dầu hỏa Anh - Ba Tư ra đời và đến năm 1933 được đổi tên thành Công ty dầu hỏa Anh - Iran - AIOC. Chẳng bao lâu sau, nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới ra đời tại Abadan, nằm ở cuối vùng Vịnh, gần biên giới Iraq.

Dĩ nhiên, người Anh bỏ túi hầu hết lợi nhuận từ “vàng đen”. Hạm đội nổi tiếng của họ được hưởng lợi chính. Quả vậy, trước Thế chiến 1, bộ trưởng hải quân Anh Winston Churchill đã bắt tay hiện đại hóa các tàu chiến của mình, than bị loại bỏ và dầu được thay thế để chạy động cơ.

Năm 1925, tức bốn năm sau khi đảo chính và lên cầm quyền, Reza Khan chấm dứt triều đại Qadjars và trở thành tiểu vương đầu tiên của triều đại Pahlavi


Vua Mohammed Reza Pahlavi

Vua Mohammed Reza Pahlavi là người theo chủ nghĩa quốc gia, độc đoán, lại ngưỡng mộ công cuộc hiện đại hóa của Mustafa Kemal tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông cho xem xét lại hợp đồng chuyển nhượng trước đó với Knox d"Arcy và trong hợp đồng mới buộc phía Anh phải chi 21% lãi ròng cho Iran, so với trước đây là 16%! Nhưng cùng lúc Reza Khan cũng tìm cách đa dạng hóa các đối tác thương mại của mình, nhất là với Đức.

Thế chiến 2 bùng nổ. Tháng 8-1941, để tránh nguồn dự trữ dầu hỏa rơi vào tay phe Trục, và nhất là duy trì hành lang với Liên Xô, quân đồng minh chiếm Iran. Dưới sức ép của Anh, Reza Khan phải nhường ngôi cho con là Mohammad Reza Pahlavi trước khi lưu vong. Anh và Liên Xô chiếm Iran để làm con đường tiếp nhận viện trợ quân sự của Mỹ (ước tính khoảng 18 tỉ USD).

Sau thế chiến, quân đồng minh rời khỏi Iran nhưng không từ bỏ nguồn dự trữ dầu hỏa. Anh đã chiếm lại kho báu này. Lợi nhuận mà họ thu được từ dầu hỏa cao gấp hai lần người Iran. Những nhân viên địa phương của AIOC chỉ kiếm được “chút cháo” và sống rất khổ sở. Iran xem điều này là một sự sỉ nhục.

Năm 1948, sự bất mãn càng lúc càng tăng lên. Venezuela và Saudi Arabia đã tranh thủ được từ hai công ty dầu của Mỹ là Standard Oil tại New Jersey và Arabian American Oil Co. một phần lợi nhuận cao hơn từ “vàng đen”. Tại sao Iran lại không được như thế? Anh từ chối thẳng thừng. Họ hù dọa và chi tiền hậu hĩ cho các nhà báo, nhà chính trị để loại trừ nguy cơ nguồn dầu hỏa bị quốc hữu hóa

Một nhân vật ngoại hạng



Năm 1941, quân đồng minh chiếm Iran để ngăn chặn nguồn dự trữ dầu hỏa rơi vào tay phe Trục. Trong ảnh: quân Anh tiến vào kiểm soát một nhà máy lọc dầu của Iran

Trong số những kẻ phản kháng, có một nhân vật lạ lùng: Mohammad Mossadegh, 67 tuổi, tiến sĩ luật và thủ lĩnh Mặt trận Quốc gia (một đảng quốc gia có khuynh hướng xã hội - dân chủ). Lấy cớ bị một chứng bệnh bí hiểm, ông ta thường xuyên mặc pijama và tiếp khách trên giường của mình. Là người chủ trương quốc hữu hóa triệt để, Mohammad đối kháng dữ dội với viên tướng đầy thế lực là Ali Razmara, người chủ trương Iran một mình không thể khai thác nguồn tài nguyên dầu hỏa được.

Còn đối với người cầm đầu lực lượng tình báo Anh tại Tehran, Christopher Montague Woodhouse, tai họa đang sờ sờ trước mắt: Anh có nguy cơ mất trắng quyền tiếp cận nguồn dự trữ dầu hỏa rẻ tiền này.

Tháng 6-1950, Ali Razmara trở thành thủ tướng. Ông ngăn chặn quốc hội xem xét lại thỏa thuận cũ với AIOC. Nhưng ngày 7-3-1951, Ali bị ám sát khi vừa ra khỏi một nhà thờ Hồi giáo. Phe quốc gia lợi dụng thời cơ giành ưu thế. Ngày 15-3, quốc hội biểu quyết quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu hỏa! AIOC trở thành Công ty dầu hỏa quốc gia Iran - NIOC. Ngày 2-5, quốc vương Iran cho mời Mossadegh ra làm thủ tướng.

Anh tức điên ruột, gửi tàu chiến áp sát bờ biển Iran. Vào thời điểm khởi đầu chiến tranh lạnh, một cuộc tấn công của Anh có thể gây ra Thế chiến 3 với Liên Xô! Theo hiệp ước Liên Xô - Ba Tư ký ngày 26-2-1921, Liên Xô có quyền chiếm giữ miền bắc Iran để đối phó với cuộc xâm lăng của một nước thứ ba. Bởi thế, Mỹ đã khuyên Anh nên kiềm chế sự giận dữ. Và Anh buộc phải bằng lòng với những biện pháp cấm vận kinh tế! Thiếu kỹ thuật của Anh, dầu hỏa Iran như bị xóa sổ! Kinh tế èo uột, nhưng uy tín của Mossadegh vẫn rất cao bởi “nhà vô địch chống đế quốc” này đã từng tuyên bố: thà độc lập và sản xuất 1 tấn dầu/năm còn hơn sản xuất 32 triệu tấn và làm nô lệ cho Anh

CIA nhập cuộc!

Tháng 8-1952. Đổi lại việc gia tăng viện trợ quân sự của mình cho mặt trận Triều Tiên, thủ tướng Anh Winston Churchill nhận được sự hỗ trợ đặc biệt của Tổng thống Mỹ Harry Truman. Ông tuyên bố sẵn sàng thương lượng trở lại với Iran về nguồn dự trữ dầu hỏa. Nhưng ông lại đòi Iran phải bồi thường thiệt hại cho Anh vì đã... quốc hữu hóa các cơ sở khai thác dầu của AIOC. Mossadegh bác bỏ thẳng thừng đòi hỏi này và cắt đứt quan hệ ngoại giao với London. Anh bị loại khỏi cuộc chơi.

Mỹ nhảy vào thay chân Anh. Kermit (Kim) Roosevelt, một quan chức CIA chuyên về Trung Đông và châu Phi, được gửi đến Iran để hỗ trợ mạng lưới tình báo mà MI6 đã xây dựng. Khi quay về, ông dừng chân tại London để thông tin cho các đồng nghiệp của mình. Tháng 11-1952, tình báo Mỹ và Anh cùng hợp tác trong một “dàn hợp xướng” để... lật đổ Mossadegh! Christopher Montague Woodhouse bay đến Washington để gặp trực tiếp giám đốc CIA Walter Bedell Smith và trưởng ban kế hoạch Frank Wisner. Không cần thông qua Nhà Trắng, họ cùng vạch kế hoạch đảo chính.

Đầu năm 1953, Dwight Eisenhower lên làm tổng thống cũng như sự can thiệp của hai anh em nhà Dulles là John Foster và Allen - tân giám đốc CIA - cả hai lại chống cộng quyết liệt, đã thúc đẩy Mỹ càng lúc càng can hệ sâu vào Iran để giành lấy nguồn dự trữ dầu hỏa. Thủ lĩnh mới của MI6, ngài John Sinclair, bàn bạc sâu với Allen Dulles và đề nghị giao cho Kim Roosevelt phụ trách tổ chức cuộc đảo chính! Chiến dịch này mang tên “Ajax”, một người hùng của cuộc chiến thành Troie.

Kim Roosevelt biết rõ công việc này như lòng bàn tay. Nhiều năm qua ông ta đã theo dõi các hoạt động được tiến hành tại Iran để ngăn chặn một cuộc tấn công của Liên Xô có nguy cơ xảy ra. Nhưng mục tiêu của Mỹ lúc đó là Tudeh (Đảng Cộng sản Iran), còn bây giờ là lật đổ Mossadegh, dựa vào mạng lưới của MI6 tại Iran, đặc biệt là anh em nhà Rashidian vốn có nhiều quan hệ trong giới chóp bu chính trị và doanh nghiệp.

Tháng 3-1953, Allen Dulles cảnh báo Eisenhower về nguy cơ của một cuộc cách mạng cộng sản tại Iran. Nếu quốc gia này chuyển sang dưới trướng của Liên Xô thì phần lớn nguồn dự trữ dầu hỏa trong vùng sẽ rơi vào tay Matxcơva... Eisenhower không tin. Ông cũng không tin một “cái tát nhẹ” đủ để cho Mossadegh rơi vào vòng ảnh hưởng của Mỹ hay của Nga.

Nhưng ông cũng không ngăn cản. Kế hoạch đảo chính được MI6 soạn thảo tại hai cuộc họp ở Nicosie (Chypre) và Beyrouth (Liban). Ngày 4-4-1953, Allen Dulles chi 1 triệu USD cho chiến dịch “Ajax”, nhằm “sử dụng cách này hay cách khác để lật đổ Mossadegh”. Một hồ sơ mật mà tờ New York Times của Mỹ có được đã cho biết: “Mục tiêu của cuộc đảo chính là đưa lên cầm quyền một chính phủ kiên quyết chống cộng sản, ký kết một thỏa thuận hợp lý về dầu hỏa và cho phép Iran trở thành một nền kinh tế có thể sống được”. Do căm ghét bản chất “thực dân” của chiến dịch “Ajax”, trưởng cơ quan CIA tại Tehran, Roger Goiran, đã chống lại và bị Allen Dulles bãi nhiệm ngay sau đó.

Ai sẽ thay thế Mossadegh? Anh đề nghị lão tướng Fazlollah Zahedi. Đại sứ Hoa Kỳ tại Iran Loy Henderson chống lại kịch liệt. Lý do: có một hôm Mossadegh nói cho ông biết Zahedi là một kẻ phản bội, làm tay sai cho người Anh. Ngoài ra, ông nói: gã này còn thiếu đức tính cần thiết và trí tưởng tượng của một nhà lãnh đạo. Thế nhưng Zahedi vẫn được chọn. Vị quốc vương trẻ, dù yếu đuối và không quyết đoán, nhưng lại đóng một vai trò quan trọng. Tất nhiên, phải nói cho ông ta tin rằng đối với người Mỹ lẫn người Anh vấn đề dầu hỏa “chỉ là thứ yếu”!

o0o

Mối Thâm Thù Iran và Mỹ



Vua Mohammed Reza Pahlavi

Lịch sử cận đại Iran bắt đầu vào năm 1925 với việc triều đại Qajar bị lật đổ bởi một viên tướng tên Reza Khan. Do Iran từng bị Nga và Anh chiếm đóng, nên nhà vua Reza Khan cố “đu dây” giữa Liên Xô và Anh. Đến khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, Reza Khan “đu dây tay ba” với cả Đức quốc xã, nên Anh và Liên Xô đã buộc Reza Khan nhường ngôi vua (Shah) cho con trai là Reza Pahlavi.

Tất nhiên, tân vương Reza Pahlavi thức thời ngả qua cường quốc hậu chiến là Hoa Kỳ. Năm 1951, một bất ngờ diễn ra: tiến sĩ Mohammed Mossadegh, một người “dân tộc chủ nghĩa”, đắc cử thủ tướng. Ông cho quốc hữu hóa ngành dầu hỏa vốn đang do các công ty ngoại quốc khai thác. Chính phủ Anh bàn bạc với Chính phủ Mỹ vạch kế hoạch lật đổ thủ tướng Mossadegh vào năm 1953 để nắm chặt nguồn dầu hỏa Iran. Sau cuộc đảo chính do tổng thống Mỹ Eisenhower “chúc lành”, vua Reza Pahlavi nắm toàn quyền cai trị. Do Iran nằm sát cạnh Liên Xô, quê hương của “cách mạng đỏ”, nên cuộc “cách mạng trắng” này là tối cần thiết về mặt địa chính trị đối với tổng thống Eisenhower.



Giáo sĩ Ayatollah Ruhollah Khomeini


Cuộc cách mạng Hồi giáo bùng nổ dưới sự chỉ huy của giáo chủ Ayatollah Ruhollah Khomeini

Một giáo sĩ tên Ayatollah Ruhollah Khomeini, người sau này tổ chức cuộc “cách mạng Hồi giáo”, năm đó mới ngoài 30 tuổi, đã nổi lên chỉ trích cuộc “cách mạng trắng” của vua Pahlavi là vi hiến. Từ chỉ trích đến đối kháng, năm 1963 giáo sĩ Khomeini công khai thách thức vua, khiến nhà vua xua xe tăng cho bắt giam và kêu án 18 tháng tù. Năm 1964, ra tù, giáo sĩ Khomeini chuyển sang chỉ trích Hoa Kỳ, “đồng minh lớn” của Iran. Vua Pahlavi tống ông sang Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh khác của Hoa Kỳ, sau đó ông sang Iraq rồi sang Pháp lưu vong tiếp tục lãnh đạo cuộc cách mạng Hồi giáo.

Đến tháng 1-1978, cuộc cách mạng Hồi giáo bùng nổ thành những cuộc xuống đường lớn làm tê liệt cả nước Iran. Tháng 1 năm sau, nhà vua Pahlavi bỏ ngai vàng chạy lấy người. Ngày 1-2-1979, giáo sĩ Khomeini, giờ đây đã là giáo chủ, hiển hách từ Pháp về lại Iran. 6 triệu người, tức 1/10 dân số Iran, ra phi trường đón ông. Cuộc cách mạng Hồi giáo đăng quang từ ấy. Đến 1-4 sau đó nước Cộng hòa Hồi giáo Iran ra đời sau một cuộc trưng cầu ý dân, với một bản hiến pháp chủ trương thần quyền với “lãnh đạo tối cao” là giáo chủ Khomeini. Tháng 1-1980, cánh ôn hòa của giáo chủ Chariat Madari bị bắt và xử bắn.

Tất nhiên, những ân oán cũ còn đó, quan hệ Iran - Mỹ dưới trào vua Pahlavi là “đồng minh chiến lược”, nay biến thành đối nghịch. Ngày 4-11-1979, 400 sinh viên Hồi giáo Iran tấn công vào tòa đại sứ Mỹ tại thủ đô Tehran, cầm giữ 63 con tin, tịch thu một số tài liệu mật có liên quan đến CIA mà nhân viên sứ quán chưa kịp tiêu hủy. Sau đó, ba con tin người Mỹ khác bị bắt ở Bộ Ngoại giao Iran cũng bị đưa về đây cầm giữ. Chính quyền Iran đòi đổi các con tin lấy cựu hoàng Pahlavi, để phòng ngừa hậu họa. Chính phủ Hoa Kỳ từ chối. Ngày 7-4-1980, Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran. Hai tuần sau, tổng thống Carter tung chiến dịch giải cứu con tin: phân nửa phi đội tám chiếc trực thăng tự rớt, cuộc đột kích thất bại. Các con tin bị giữ trong suốt 444 ngày.

Trong nội bộ Iran, cuộc thanh lọc tiếp tục: thủ tướng Mehdi Bazargan, bị giáo chủ Khomeini đánh giá là quá hòa hoãn với Mỹ, từ chức vào ngày 6-12-1980, Iran tuyệt đối chống Mỹ từ ấy. Trong khi đó, ở Mỹ ứng cử viên Đảng Cộng hòa Ronald Reagan đắc cử tổng thống, mở đầu cho kỷ nguyên chống Iran kịch liệt.

Các cuộc thanh trừng đẫm máu từ sau cách mạng Hồi giáo đã làm giảm sút sinh lực của quân đội Iran một thời hùng mạnh và được trang bị vũ khí bởi đồng minh chiến lược Hoa Kỳ. Từ Iraq, tổng thống Saddam Hussein một mặt dòm ngó Iran, một mặt sợ giáo chủ Khomeini “xuất khẩu” cuộc cách mạng Hồi giáo sang Iraq. Ngày 22-9-1980, ông tung quân tấn công vào khu vực Khuzestan đầy dầu mỏ của Iran.

Chiến tranh Iraq - Iran bắt đầu từ đấy. Tất nhiên, Hoa Kỳ và Anh nghiêng về phía ông Saddam Hussein. Cụ thể, 90 cố vấn quân sự Mỹ giúp không quân Iraq chấm mục tiêu không kích, 70 trực thăng quân sự được bán cho ông Hussein.

Ân oán càng tăng sau vụ một máy bay Airbus của Hãng hàng không Iran chở 290 người bị khu trục hạm USS Vincennes bắn rơi ngày 3-7-1988, do bị lầm tưởng là một chiếc chiến đấu cơ F-14 của không quân Iran khi tàu này đang trong eo biển Hormuz thuộc lãnh hải Iran, vào lúc mà cuộc chiến tranh Iran - Iraq gần tàn. Năm tháng sau vụ bắn rơi chiếc Airbus của Iran Air, một chiếc Boeing 747 của Hãng hàng không Mỹ Pan Am nổ tung trên không phận Lockerbie miền nam Scotland, khiến 270 người chết. Sau này, điều tra ra là tình báo Libya đã thực hiện vụ nổ. Năm 1996, Hoa Kỳ đồng ý bồi thường 61,8 triệu USD cho gia đình 290 nạn nhân Iran. Năm 2006 Libya đồng ý bồi thường cho các nạn nhân vụ Lockerbie 1,5 tỉ USD.

Thâm thù Iran - Mỹ cứ thế mà sâu đậm. Đến sau vụ 11-9-2001, Iran trở thành “Trục ác ôn” đối với ông Bush. Nay đến lượt ông Obama tháo gỡ

o0o

Sự diệt vong trong gia đình cố Quốc Vương Mohammed Reza Pahlavi


Vua Mohammed Reza Pahlavi


In June 2001, Mohammed Reza Pahlavi 's daughter , Leila Pahlavi, also committed suicide


Prince Alireza Pahlavi
Ngày 4/1/2011 , Alireza Pahlavi , con trai út của "vua" Iran - Cố Quốc vương Iran Mohammed Reza Pahlavi đã tự sát tại nhà riêng ở Boston, Mỹ.

Cái chết của Alireza Pahlavi đã được người anh trai cả thông báo trên trang web riêng, trong nhiều năm Alireza Pahlavi đã cố gắng để vượt qua nỗi đau đó nhưng cuối cùng đã đầu hàng.

Alireza Pahlavi năm nay 44 tuổi, đã từng học Trường Đại học Tổng hợp Harvard và đã tốt nghiệp cử nhân.

Mohammad Reza Shah Pahlavi lấy danh hiệu Shah-an-shah (Vua của các vua) hay Arya-mehr (Mặt trời của người Aryan), làm vua Iran từ 16/ 9/ 1941 cho đến khi bị lật đổ trong cuộc Cách mạng Hồi giáo vào 11/ 2/1979.

Ông là quốc vương thứ nhì và cuối cùng của triều đại Pahlavi. Mohammad Reza Pahlavi thường được biết đến như một quốc vương độc tài. Việc ông bị lật đổ đã đặt dấu chấm hết cho nền quân chủ Iran. 


(sưu tầm)

No comments:

Post a Comment