Monday, January 18, 2016

Giáo Sư Huỳnh Sanh Thông (1926-2008)


Giáo-sư Huỳnh Sanh Thông, một trong mấy dịch-giả văn-học hàng đầu từ tiếng Việt sang tiếng Anh, vừa mất hôm thứ Hai, 17 tháng 11, 2008, tại nhà thương gần nhà ở Hamden, Connecticut, do tim ngừng đập. Được biết, đã từ nhiều năm nay, ông phải ngưng làm việc do một vụ tai-biến mạch máu não làm cho ông bị liệt nửa người và phải ngồi xe lăn.

Sinh năm 1926 ở miền Nam Việt-nam, ông Huỳnh Sanh Thông là một trong những du-học-sinh Việt-nam sang Hoa-kỳ từ rất sớm, chỉ ít năm sau Thế-chiến II. Sự-nghiệp của ông có thể chia ra làm mấy giai-đoạn như sau:
Ông bắt đầu làm giảng-viên dạy tiếng Việt tại Đại-học Yale ở New Haven, Connecticut, vào những năm cuối thập niên 1950 và liên-tiếp dạy ở đây trong vòng 15 năm, tới đầu thập niên 1970. Trong giai-đoạn này, ông đã là tác-giả chung với một học-giả người Mỹ, ông Robert B. Jones, Jr., để làm ra một số sách giáo-khoa dạy tiếng Việt cho người nói tiếng Anh. Đó là những cuốn như Introduction to Spoken Vietnamese (Washington, DC: American Council of Learned Societies, có hai ấn-bản, năm 1957 và 1960). Sau đó, hai ông lại cộng-tác trong một tác-phẩm khác, đó là cuốn Spoken Vietnamese (Ithaca, New York: Spoken Language Services, khoảng năm 1979). Cũng trong thời-gian này, ông được Hội-đồng Hoa-kỳ các Hội Chuyên-khoa (American Council of Learned Societies) tài-trợ trong nhiều năm để làm một cuốn từ-điển Việt-Anh thật lớn mà cuối cùng ông chỉ hoàn-tất được đến có vần “G” mà thôi. (Cuốn đại-từ-điển này, tuy chưa hoàn-tất, vẫn được Trung-tâm Ngôn-ngữ-học Ứng-dụng, Center for Applied Linguistics, in ra thành nhiều tập khoảng năm 1968-69 trong một lần in rất giới-hạn.)

Có một thời-gian, khoảng giữa thập niên 1960, ông theo tiếng gọi của quê hương và về Việt-nam để đảm trách chức Tổng-giám-đốc Việt Tấn Xã nhưng duyên chính-trị của ông không bền. Ông đã rời VN và trở lại Mỹ sau chỉ mấy tháng làm việc trong một khung cảnh rất khó khăn, gặp nhiều gò bó.

Trở lại Mỹ, ông lại lao vào học-thuật và tác-phẩm đầu tiên làm cho ông nổi tiếng là bản dịch Truyện Kiều, The Tale of Kieu, của Nguyễn Du (1765-1820) do nhà Random House in ra năm 1972, với Gloria Emerson (ký-giả New York Times) viết tựa và Alexander Woodside, cựu-sinh-viên của ông mà sau này đã trở thành một giáo-sư nổi tiếng về VN ở Harvard, viết về phần lịch-sử. Cuốn này, đến năm 1986, ông lại để cho Yale University Press in ra trong một bản song ngữ Việt-Anh đối-chiếu, với minh-hoạ của Hồ Đắc Ngọc.

Sự thành công của bản dịch Kiều này đã khuyến khích ông dốc toàn-thời vào việc dịch thơ văn VN. Và cuối cùng là hai tuyển-tập thơ Việt-nam dịch sang tiếng Anh, The Heritage of Vietnamese Poetry (“Di-sản Thi ca Việt-nam,” Yale University Press, 1979) và An Anthology of Vietnamese Poems from the Eleventh through the Twentieth Centuries (“Tuyển-tập Thơ VN từ Thế-kỷ XI đến Thế-kỷ XX,” Yale University Press, 1996). Ba tác-phẩm trên đây đã mang lại cho ông nhiều giải thưởng cao quý: Giải thưởng Harry Benda của Hội Á-đông-học (Association of Asian Studies) năm 1981 và nhất là Đại-tặng-dữ MacArthur Fellowship năm 1987 (trị giá $365,000, tương-đương hay còn lớn hơn cả với giải Nobel về văn-học).

Với giải MacArthur, ông không còn thấy cần phải đi dạy học nữa và đã bỏ toàn thời ra làm mấy tập-san về Việt-học nổi tiếng một thời. Ông lập ra Lạc Việt Series để in sách dịch từ Việt-ngữ hay Pháp-ngữ nhưng chuyên về Việt-nam, trong đó phải kể bản dịch Lục súc tranh công (The Quarrel of the Six Beasts, in song ngữ, tựa-đề do G.S. Nguyễn Ngọc Huy và minh-họa của Mạnh Quỳnh) (New Haven, CT: Yale Southeast Asian Studies, 1987), To Be Made Over: Tales of Socialist Reeducation in Vietnam (dịch một số truyện đi cải tạo tập trung của người miền Nam sau khi CS vào thành) (New Haven, CT, 1988), The Song of a Soldier's Wife - Chinh Phụ Ngâm (bản dịch song ngữ, New Haven, CT, 1986, với tranh minh-hoạ của Hồ Đắc Ngọc) và nhất là Flowers from Hell - Hoa Địa Ngục (bản dịch song ngữ tác-phẩm nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, dịch khoảng gần 200 bài, New Haven, CT: Southeast Asia Studies, 1984). Chính bản dịch sau này đã mang lại cho nhà thơ Nguyễn Chí Thiện Giải Thơ Quốc-tế Rotterdam (Hoà-lan) năm 1985. (Cách đây vài tháng, nhà thơ Nguyễn Chí Thiện đã lên thăm ông và cho hay ông đã nói lại và viết lại được, tuy còn rất chậm chạp.)

Sức sáng-tác của ông được xem là phi thường vì ngoài những tác-phẩm trên, ông còn cho ra tập-san chuyên-đề về văn-chương và văn-hoá VN in trong ba thứ tiếng, Việt-Anh-Pháp, mang tên The Vietnam Forum, cuối cùng cũng ra được mười mấy số. Sau đó, ông đã cộng-tác với nhà phê-bình Hoàng Ngọc Hiến ở trong nước và nhà văn Trương Vũ ở Maryland để cho ra tạp-chí The Vietnam Review in bài trong hai thứ tiếng Anh và Pháp mà ông là chủ-biên, phát hành hai số một năm. Số ra mắt độc-giả là vào năm 1996 và số 2 (dày 568 trang) là số Xuân-Hè 1997 gồm nhiều thơ, truyện, biên khảo của các tác-giả cổ, kim, trong và ngoài nước.

Ngoài ra, ông cũng còn có những bài biên-khảo khá sâu sắc, có khi dài cả 100 trang, để nói về một đề-tài như nguồn gốc tiếng Việt trong tập-san Dòng Việt (1994), do hai G.S. Lê Văn và Nguyễn Đình Hoà chủ-trương và G.S. Hà Mai Phương đứng tên chủ-bút.

Rất tiếc là ông đang khi sung sức nhất thì bị tai-biến mạch máu não làm cho ông phải ngưng mọi hoạt-động viết lách cũng như xuất bản trong nhiều năm qua. Tuy-nhiên, sự đóng góp của ông vẫn phải kể là thật đồ sộ trong nỗ lực giới-thiệu văn thơ VN với thế-giới nói tiếng Anh mà ít người bì kịp.



(sưu tầm)

No comments:

Post a Comment