Sunday, January 31, 2016

Thác Bản Giốc và những miền phụ cận - Bút ký về Hồ Ba Bể (phần 5)


Hồ Ba Bể


Hồ Ba Bể là một hồ nước ngọt ở Bắc Cạn, Việt Nam. Nó là một trong một trăm hồ nước ngọt lớn nhất thế giới và nằm trong vườn quốc gia Ba Bể, nơi đây được công nhận là khu du lịch quốc gia Việt Nam. Hồ được hình thành từ cách đây hơn 200 triệu năm. Cuộc kiến tạo lục địa Đông Nam Á cuối kỷ Camri, đã đưa một khối nước khổng lồ với diện tích bề mặt xấp xỉ 5 triệu m2 và chiều dầy hơn 30m lên lưng chừng vùng núi đá vôi, tạo ra hồ Ba Bể. Ba nhánh của hồ thông nhau được gọi tên là Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng.

Giá trị lớn nhất của Hồ Ba Bể là cảnh quan địa chất độc đáo, giá trị nổi bật về địa chất địa mạo và giá trị to lớn về đa dạng sinh học. Đây là hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất Việt Nam.

Năm 1995, Hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới, tổ chức tại Mỹ, công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Cuối năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản ASEAN.

Sự tích Hồ Ba Bể
Ngày xưa, ở vùng Bắc Cạn, mỗi năm dân làng Năm Mẫu đều có tổ chức lễ cúng Phật lớn, gọi là lễ Vô Giá. Dân chúng khắp miền mạn ngược tề tựu lại rất đông. Một hôm, có một bà lão bệnh cùi đến làng dự lễ. Quần áo bà rách rưới, tả tơi. Người bà bốc mùi hôi hám, rất khó chịu, khiến mọi người phải lánh xa. Bà lão hủi này đến nhà nào xin ăn, đều bị xua đuổi, mắng nhiếc. Người ta sợ lây bệnh cùi hủi.

Tuy nhiên, có người biết động lòng thương hại. Đó là một người đàn bà goá, ở với con trai. Bà không kinh tởm, gọi bà lão vào nhà cho ăn uống no đủ. Sau đó, bằng lòng cho bà lão ăn mày ngủ nhờ một đêm, ở góc vựa lúa, trong lều. Đến nửa đêm, hai mẹ con bỗng giật mình thức giấc, nghe có tiếng động ầm ầm dữ dội từ phía vựa thóc. Mở cửa vựa thóc ra, không thấy bà lão cùi đâu, mà là một con giao long lớn uốn mình ầm ầm như tiếng sấm. Hai mẹ con kinh hãi trở ra, thao thức, lo sợ, không ngủ được nữa. Đến sáng, thấy bà lão đi ra từ vựa thóc, nói:

- Tôi thật sự không phải là người,tôi là một con giao long, chỉ giả dạng ăn mày để thử lòng từ thiện của tín hữu nam nữ đến làng Năm Mẫu lễ Phật. Tất cả mọi người đều xua đuổi tôi, ngoại trừ 2 mẹ con nhà này. Họ đều là khẩu Phật tâm xà, sẽ không tránh khỏi hình phạt của bề trên đã giao phó cho tôi thi hành,đó là một trận đại hồng thủy. Hễ khi nào thấy có nước nguồn bắt đầu đổ về đây, thì hai mẹ con hãy mau mau chạy lên đỉnh núi mà tránh.Còn hai mảnh vỏ trấu này sẽ giúp con cứu người.

Nói xong, bà lão biến mất. Qua ngày hôm sau, trong lúc mọi người đang chen nhau đến dự lễ Phật giữa làng, bỗng nhiên, nước ở đâu cuồn cuộn đổ tới tứ phía, tràn vào thung lũng. Người ta trèo lên mái nhà, trèo lên cây. Nhưng nước cứ dâng tràn đầy lên mãi, ngập cả những nóc nhà và cây cao. Tất cả mọi người đều bị chết ngộp, trừ 2 mẹ con bà goá kia đã chạy vội thoát lên được trên đỉnh núi cao,thả hai mảnh vỏ trấu là hai chiếc thuyền.Mặc mưa to,hai mẹ con chèo thuyền đi cứu người.

Trên núi, hai mẹ con dựng lên một gian nhà nhỏ sinh sống. Nơi này, về sau trở thành một ngôi làng đông đúc, và ngày nay vẫn có tên là làng Năm Mẫu. Cả thung lũng bị nước tràn ngập thì hoá thành 3 cái hồ rộng lớn, mênh mông như bể, nên người ta gọi là Hồ Ba Bể. Nước ở ba hồ lưu thông nhau, nhưng ghe thuyền không thể đi được từ hồ này sang hồ kia, vì có các đập đá lớn ngăn trở. Hồ Ba Bể rộng bát ngát, nước trong xanh như ngọc bích, nổi bật giữa núi rừng hùng vĩ của miền thượng du Bắc Việt.Giữa hồ là một hòn đảo nhỏ,người địa phương gọi đó là Gò Bà Góa.

Vấn đề môi sinh
Với thảm thực vật và động vật hoang dã phong phú, môi sinh hồ Ba Bể nay bị đe dọa nặng vì việc khai thác khoáng sản, nhất là mỏ sắt ở lưu vực hồ. Mặc dù Vườn Quốc gia Ba Bể đã quy định hơn 10.000 ha dưới sự bảo vệ của cơ quan này, việc thi hành vẫn còn nhiều thiếu sót khiến một số nhà khoa học đã báo động rằng hồ đang "chết dần".
(trích từ Wikipedia)



o0o


Khai thác tài nguyên đang “giết chết” Hồ Ba Bể

Theo trình bày của người dân thôn Nà Áng, xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Cạn , mỏ sắt Pù-Ô-Khuối Giang Đồng Lạc thuộc Công ty cổ phần khoáng sản Narihamico đã tiến hành khai thác quặng từ giữa tháng 8 năm 2008. Thôm Phả và Chợ Điền là hai thôn ở vị trí trực tiếp sát kề ngay với khu vực khai thác quặng của mỏ sắt. Đến nay, mỏ đã triển khai được hơn 2 năm và đã gây ra ô nhiễm môi trường, tác động ảnh hưởng lớn trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư thôn Nà Áng.

Pù Ó là khu mỏ ở đầu nguồn khe Khuổi Giang, là một trong những khe suối cung cấp nước cho suối Bó Lú chảy vào hồ Ba Bể. Việc đào bới khai thác quặng bằng máy với công suất lớn tại Pù Ó đã đưa khối lượng đất lớn dồn xuống chân núi và rìa khe Khuổ Gaing. Khi trời mưa, lượng đất này tan ra làm nước đỏ ngầu, đôi khi nước còn quánh đặc lại như nước hồ loãng đổ dồn xuống Khe Khuổi Giang rồi theo suối Bó Lù chảy vào hồ Ba Bể. Thường có 3 buổi tối trong tuần, mỏ xả nước rửa quặng làm nước suối đục ngầu. Đặc biệt, lúc nước cạn, thỉnh thoảng thấy có them cả váng dầu trôi theo.

Những nguời khai mỏ xả nước rửa quặng làm nước suối đục ngầu

Một điều khiến người dân thực sự lo lắng, đó là Suối Bó Lù không chỉ trực tiếp cung cấp nước cho các cánh đồng của thôn nói trên mà còn cho cả cánh đồng dọc theo nó. Đập Vằng Giang chỉ cách khu vực khai thác quặng của mỏ sắt Pù Ô chưa đầy 1km. Đây là đập chắn lấy nước cung cấp cho các cánh đồng của các thôn Thôm Phả và Chợ Điểng, Nà Áng. Do đó, khi nước lũ đã trực tiếp đưa mùn đất sét vào ruộng, nhất là các đám ruộng lấy nước trực tiếp ở sát bờ mương đã tạo ra một lớp đất sét mùn đỏ đọng lại trên mặt, khi cạn khô cứng lại như xi măng gây cho việc cầy bừa khó khăn. Còn khi đã cấy xong thì nước mùn này làm cho lúa không phát triển được, bông không mảy, lá lúa bị héo, thậm chí lá vàng úa, chin sớm hơn tuổi thu hoạch.

Người dân Nà Áng cũng phản ánh, việc rửa quặng trước khi đưa vào máy nghiền đã làm cho nước suối đục, nhất là nghiền quặng chủ yếu vào đêm, mức độ đục rất nhiều làm cho cộng đồng dân cư không thể tắm rửa sau khi đi làm đồng về. Một số người còn phản ánh sau khi đi lội nước quăng chài dọc suối hơn 1 giờ là có hiện tượng bị ngứa. Đây là hiện tượng khác so với thời kỳ chưa có khai thác quặng ở Pù Ô Khuổi Giang. Vì vậy, bà con nghi ngờ nước đục của suối có lẫn hóa chất. Trước đó, người dân Nà Áng có phát hiện hiện tượng vịt nuôi lông không còn mượt như trước và ít đẻ trứng.

Theo đơn kêu cứu, tiếng ồn của máy đào quặng cả ngày và đêm cùng với tiếng máy nghiền quặng 24/24 giờ với khoảng cách bán kính 1,5km vẫn nghe rõ, trong khi đó thôn Nà Áng chỉ cách mỏ 1,2km. Vì vậy, tiếng ồn đã ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ

Người dân Nà Áng cho rằng, mỏ sắt Pù Ô Khuổi Giang đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe cho cộng đồng dân cư Nà Áng nói riêng và dọc hai bên bờ suối Bó Lù nói chung. Tương lai chắc chắn việc ô nhiễm môi trường còn gây ảnh hưởng ngày càng lớn cho cộng đồng dân cư cả khu vực quanh hồ Ba Bể.

Đặc biệt, người dân Nà Áng đang hết sức quan tâm đến môi trường của Hồ Ba Bể, vì theo họ, với mức độ tải đất sét mùn, hóa chất rửa quặng, dầu mỡ của máy móc thải ra theo suối Bó Lù vào hồ Ba Bể như hiện nay thì tương lai chắc chắn không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, gây khó khăn cho sinh hoạt của cộng đồng dân cư nói trên mà còn là nguyên nhân gây ô nhiễm, khiến việc bồi lấp đối với hồ Ba Bê diễn ra nhanh chóng hơn.

Cộng đồng dân cư Nà Áng đã khẩn thiết kêu gọi hội đồng hương Bắc Cạn tại Hà Nội nhanh chóng có biện pháp giúp đỡ, ngăn chặn để họ có thể thoát khỏi cảnh ngộ nói trên trong thời gian ngắn nhất. 


Tuệ Khanh
o0o

Hồ Ba Bể đợi ngày... biến mất!

Có một thông tin chính thống và rất sốc rằng: Nếu không có biện pháp "bước ngoặt" nào, chỉ khoảng 80 năm nữa (tính từ năm 2010), Hồ Ba Bể - viên ngọc xanh treo trên núi đá mỹ miều của miền đồng thổ - sẽ biến mất sau hơn 200 triệu năm tồn tại cùng vỏ trái đất.

Hồ Ba Bể đang bị lấp dần bởi bùn, đất , chất thải từ việc khai khoáng sản, từ các dòng sông, suối đổ vào. Ảnh: Thao Giang

Nếu kể tên chỉ một cái hồ đẹp và nổi tiếng nhất miền Bắc Việt Nam, nhất định người ta phải vinh danh hồ Ba Bể. Nếu nghĩ đến hai cái hồ nổi tiếng thế giới nhất đang hiện diện ở Việt Nam, người ta không thể bỏ quên hồ Ba Bể. Vườn quốc gia (VQG) Ba Bể được liệt hạng là Vườn di sản ASEAN năm 2004, từng được nước ta đưa vào tiến trình lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, là vùng đất có tầm quan trọng toàn cầu theo Công ước Ramsar, cũng bởi vườn chứa trong mình hồ Ba Bể - viên ngọc xanh treo trên núi đá mỹ miều của miền đông thổ. Hồ Ba Bể là một trong 100 cái hồ nước ngọt tự nhiên lớn lớn nhất thế giới, là một trong 20 hồ nước ngọt có tầm quan trọng đặc biệt, cần bảo vệ nghiêm cẩn nhất của loài người (thông tin từ Hội nghị các hồ nước ngọt thế giới, tổ chức năm 1995, tại Mỹ, đã được công bố rộng rãi suốt hơn chục năm qua).

Theo giới khoa học, nằm trên các dãy núi “lưng chừng trời”, địa hình caxtơ với quá nhiều hang động và kẽ nứt thoát nước khổng lồ, nhưng hệ thống hồ của di sản hồ Ba Bể vẫn tồn tại suốt mấy trăm triệu năm qua, đó quả là một sự nhiệm màu, một sự bí hiểm thú vị mà thiên nhiên ban tặng cho loài người! Và, hiếm có bài dân ca Tày nào ở miền Đông Bắc, mà thiếu được hình ảnh lung linh của hồ Ba Bể. Thế nhưng...

Cái án 80 năm nữa sẽ “khai tử
Tháng 7.2010, chúng tôi thêm một lần đi khảo sát tình trạng bồi lấp đáng sợ ở hồ Ba Bể. Từ năm 2002, nhiều người thạo tin đã hiểu, hoá ra, vụ “khai tử” có thể có của hồ Ba Bể không phải là một thông tin vỉa hè. Nó đã được đưa lên bàn nghị sự của lãnh đạo tỉnh Bắc Cạn và cơ quan hữu trách ở trung ương rất nhiều lần, nó được các phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp ở Viện Khoa học thuỷ lợi nghiên cứu trên từng mét vuông mặt hồ, đáy hồ và các vùng dân cư xung quanh trong suốt 3 năm qua rồi đưa ra kết luận trong Hội đồng nghiệm thu cấp bộ hẳn hoi (năm 2002).

Sự việc cụ thể như sau:
Từ đầu những năm 1990, nhiều người yêu mến di sản thiên nhiên, kho báu đa dạng sinh học hồ Ba Bể phải đắng lòng. Bởi rừng bị phá, núi xói mòn, lại thêm lối “hoả canh” (đốt nương làm rẫy) của không ít bà con miền thượng du, đã khiến cho mưa lũ cứ vần vũ đưa đất đá, rều cát về san lấp đặc kín 3 cửa sông, suối đổ vào hồ. Những diện tích mặt hồ xanh như ngọc, đẹp đến nao lòng cứ dần biến thành ruộng nương, thậm chí bà con làm nhà cửa trên bãi bồi cách đó chưa lâu còn là mặt hồ với dáng bao áo chàm và thuyền độc mộc tung tăng. 400ha diện tích mặt nước, với độ sâu trung bình 20 - 30m của “viên ngọc xanh” Ba Bể sẽ đi về đâu?

Chuyện ầm ĩ đến mức, tháng 7.1999, đích thân Bộ trưởng Bộ NNPTNT (bấy giờ) là ông Lê Huy Ngọ phải lên thị sát rồi giao nhiệm vụ cho Viện Khoa học Thuỷ lợi nghiên cứu, đề xuất giải pháp cứu hồ. PGS - TS Lưu Như Phú - cán bộ của viện - đã được giao nhiệm vụ Chủ nhiệm đề tài “Dự án điều tra cơ bản xác định thực trạng, nguyên nhân và định hướng giải pháp chống bồi lắng tại các cửa sông đổ vào hồ Ba Bể”, với kinh phí ban đầu 1 tỉ đồng, được thực hiện trong 3 năm. Ông Phú và các cộng sự đi đến thuộc lòng từng bản làng, từng hang động, từng cánh đồng và các đỉnh núi trong khu vực. Họ chia thành từng nhóm, lập các trạm thuỷ văn, mỗi ngày hai lần đo đạc. Họ đi bộ cả tuần trong rừng, leo lên thượng nguồn sông Chợ Lèng, suối Tà Han tìm hiểu. Đi thực địa chưa đủ, họ phải mua ảnh vệ tinh của nước ngoài để “so sánh” tốc độ phá rừng trong toàn khu vực (nguyên nhân gây ra xói mòn đất trôi về lấp hồ) trong các mốc cụ thể suốt 30 năm (tính từ năm 1970). Các nhà khoa học thậm chí còn dùng cả máy siêu âm hiện đại để có thể tường tận từng mét vuông đáy hồ, từng kẽ nứt của địa hình caxtơ, để tính toán về tình trạng cũng như tốc độ bị bồi lấp của hồ.

Năm 2002, công trình trên đã được Hội đồng nghiệm thu cấp bộ đánh giá cao, với 7/9 thành viên “chấm” xuất sắc. Theo đó, thì câu chuyện rất rõ ràng: 90 năm nữa (tính từ năm 2002), nếu không có biện pháp hiệu quả để “cấp cứu”, hồ Ba Bể sẽ biến mất. Dự án tiền khả thi được bàn đến, phải mất 263 tỉ đồng để cứu “viên ngọc xanh treo trên núi đá”. Các nhà khoa học dự kiến sẽ “nắn” không cho các con sông suối đem theo bùn đất vào “lấp” hồ Ba Bể. Ví dụ, muốn chống úng cho Nam Cường (vùng dân cư phía trước một cửa suối lớn góp nước vào hồ Ba Bể) thì phải làm một cái hồ trên sông, cách Nam Cường 7km. Hồ đó phải cao hơn hồ Ba Bể để vừa tích nước cung cấp tưới tiêu cho cánh đồng rộng lớn và phì nhiêu bậc nhất Bắc Cạn (đồng Nam Cường); vừa tránh ngập úng cho khu vực xã Nam Cường. Đồng thời, một hồ khác xây trên sông (suối) Tà Han - một cửa suối lớn nữa dẫn nước và bùn đất vào gây bồi lấp hồ Ba Bể - rồi nối thông hai hồ bằng đường hầm tuynen dài 3km. Nước của hai cái hồ nước khổng lồ này sẽ được xả qua sông Năng ở đoạn phía sau thác Đầu Đẳng - chứ không xả vào hồ Ba Bể rồi mới ra sông Năng như hiện nay nữa.

Tưởng như chỉ cần khoan địa chất vài mũi nữa, đo đạc cụ thể vài số liệu nữa, là dự án có thể thành hiện thực ngay. Nhưng, PGS Phú buồn bã lắm, gần 10 năm nay, bao công sức của ông và cộng sự đang bị xếp xó. Có người bảo, dự án tốn tiền quá, không “xuống tay” được. Dừng đề án kia gần 300 tỉ đồng kia, nhưng tình trạng bồi lấp hồ Ba Bể dĩ nhiên là “nó” vẫn diễn ra với tốc độ có thể cắm cọc mà nhìn thấy và đo đạc được. Ai cũng sợ. Thế là một vài dự án khác lại được tiến hành.

Đi xem “quái vật ăn thịt lòng hồ”
Mỗi lần du ngoạn hồ Ba Bể, chúng tôi lại thấy nỗi lo hồ biến mất càng hiển hiện rõ rệt hơn. Mỗi năm, các bãi bồi tràn lấn lấp đi thêm một vành đai nước hồ xanh ngăn ngắt dài mấy chục mét dài, cả nghìn mét rộng và chừng ba chục mét.

Việc “ăn thịt” hồ Ba Bể diễn ra âm thầm mà quyết liệt, các chuyên gia rất có lý khi cho rằng: 90 năm nữa hồ Ba Bể biến mất. Đó là con số theo tính toán của các nhà khoa học, khi họ căn cứ theo tốc độ phá rừng và xói mòn đất ùn vào các cửa (sông) suối ở thời điểm trước năm 2002. Giờ đây, rừng bị đẵn ngày càng trọc trơ và bạo liệt, tốc độ khai mỏ và xây dựng các công trình nhà cửa càng nhiều, thì chắc gì đã cần đến 80 năm nữa (tính từ năm nay - 2010) để xoá sổ hồ Ba Bể? Đây cũng là “nhận định mới” của PGS Lưu Như Phú khi trò chuyện với nhà báo.

Chúng tôi đi thuyền khảo sát, quay phim tài liệu về tất cả các cửa suối tiếp nước cho hệ thống hồ Ba Bể, các bản làng người Tày sống ven hồ. Qua các lần khảo sát trong 5 năm qua, tôi thấy rõ các doi đất, mũi đất, các ruộng ngô đỗ và bản làng tiến dần ra... giữa mặt hồ một cách vô cùng đáng sợ. Cả ba “nguồn” tiếp nước của hồ, gồm: Sông Chợ Lèng, suối Pó Lù và suối Tà Han đều đang bị biến thành các “sát thủ” chung sức hằng ngày hằng giờ san lấp hồ Ba Bể. 5 năm trước, chúng tôi cũng đi thuyền độc mộc vào tận cái cửa mà suối Tà Han nhập mình với hồ Ba Bể, chỗ ấy bây giờ đã biến thành những bãi ngô xanh ngọc ngà, dài hàng cây số. Đất ụ lên, rắn chắc như đất “thổ cư ngàn đời”, điều đó khiến bà con phải khơi một con mương to (hai chiếc thuyền độc mộc khua mái chèo tránh nhau vẫn vừa) để dẫn nước hồ ngược trở vào “đất liền trên mặt hồ” nhằm “tưới tiêu” cho phần hồ đã biến thành nương rẫy. Cửa suối này, hồi PGS Phú lên nghiên cứu, nó nằm cách cửa suối hôm nay hơn 1.000m. Nơi cửa suối cũ, giờ mọc lên một ngôi nhà bề thế.

Tương tự, cách đó nửa tiếng đi thuyền, cửa suối Pó Lù - nơi có bản Tày Bắc Ngòi tuyệt đẹp tôi từng sống nhiều ngày để làm xêri phim “Việt Nam vẻ đẹp tiềm ẩn” trước đây, giờ... hoang tàn, mênh mông rác rưởi như một cái chợ lộn xộn vừa mới giải tán mà người phu ngái ngủ còn chưa kịp quét dọn. Các bãi đất khổng lồ như độn thổ từ dưới đáy hồ lên, ở rìa còn mềm mụp luễnh loãng. Hàng trăm con trâu đang tung tăng gặm cỏ, Hội xuân Ba Bể với các hoạt động nhảy múa, hội chợ, ném còn, nấu cơm thi diễn ra từ lâu lắm, giờ rác rưởi vẫn thống lĩnh không gian. Dường như hội xuân ngày càng lớn, hệ thống bếp lò khoét vào lòng đất giữa hồ để thổi lửa nấu cơm thi (theo phong tục người Tày) ngày càng quy mô, nên mặt hồ cũng phải đội càng nhiều đất bùn lên để... chào mừng đại lễ!

Đi tiếp, đến cửa sông thứ ba góp nước cho hồ Ba Bể, sông Chợ Lèng, tôi đã nghĩ đến câu “thương hải tang điền” trong tích cổ (biển xanh biến thành bãi trồng dâu). Hun hút ruộng nương, hun hút nhà cửa, anh cán bộ làm ở Ba Bể 20 năm kể, hồi anh mới nhận công tác, toàn bộ bờ bãi, đất đai, nhà cửa này... còn là của mặt hồ. Bây giờ, mỗi năm lưỡi đất khổng lồ này “liếm” ra hồ hàng chục mét. Bãi bồi đến đâu, bà con cắm cọc xí phần cập rập chuẩn bị mùa vụ đến đó.

Theo công trình kể trên do PGS Phú làm chủ nhiệm: Trong 20 năm, kể từ năm 1969 đến năm 1989, hồ Ba Bể bị lấp từ 4 hướng bờ khác nhau, diện tích bị lấp lên tới 15ha. Chỉ tính riêng năm 2002, theo đo đạc, lượng bùn bồi lấp hồ đã lên tới hơn 42 vạn mét khối, có hướng “tấn công lấp hồ”, bãi bồi đã ăn ra mặt hồ tới 60m. Đáy hồ bị bùn làm cho “nâng cao” lên tới 30cm. Đáng cảnh báo hơn nữa: Từ năm 1989 đến năm khảo sát 2002, tốc độ bồi lấp kia tăng đến 2,7 lần so với quãng thời gian khảo sát trong 20 năm trước đó - do phá rừng càng ngày càng bạo liệt hơn. Và, theo đó thì: Chỉ bằng ba phép tính, có thể thấy, 80 năm nữa, hồ Ba Bể sẽ biến mất.

Khi ấy, điển tích “bãi biển nương dâu” sẽ được cụ thể hoá như sau:

Ba cái biển - bể (Ba Bể) biến thành một cái nương trồng ngô hoặc dâu!

Phạm Thị Thao Giang

o0o

Nguy cơ biến mất của Hồ Ba Bể

3 hồ đã biến mất, 3 hồ còn lại đang bị bồi lấp chóng mặt; Khai thác quặng ngay trong vùng lõi Quốc gia, nước rửa quặng đổ thẳng xuống hồ Ba bể; những rừng nghiến bạt ngàn đang bị tàn phá... là những nguy cơ khiến Hồ Ba Bể, 1 trong 2 kỳ quan nổi tiếng nhất của miền Bắc biến mất...



Hồ Ba Bể - hòn ngọc xanh của Bắc Cạn đang có nguy cơ biến mất - Ảnh: Tuệ Khanh

Trước sự kêu cứu của hàng trăm người dân sống quanh khu vực Hồ Ba Bể, ngày (26/4/2011), Hội những người yêu Ba Bể đã tổ chức một buổi gặp mặt với báo chí để trao đổi về nguy cơ ô nhiễm, bồi lấp và có thể biến mất của Hồ Ba Bể, hòn ngọc xanh ở Bắc Cạn. Những hình ảnh, clip quay tại khu vực Hồ Ba Bể và Vườn Quốc gia Ba Bể đã khiến những người chứng kiến không khỏi đau xót, bàng hoàng.

Chủ trì buổi gặp mặt, nhà thơ Dương Thuấn, Chủ tịch Hội đồng hương Bắc Cạn tại Hà Nội cho biết, trong mấy tháng qua, sau khi nhận được hàng chục lá đơn kêu cứu với hàng trăm chữ ký đại diện cho các gia đình của người dân các bản thuộc xã Quảng Bạch và xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn), Hội Những người yêu ba Bể đã tổ chức một đoàn đến tìm hiểu và khảo sát thực tế tại các điểm khai thác quặng ở Pù Ô, Bản Cuôn, Bản Cuôn - Khau Slăm, mỏ đá trắng Thạch Anh thuộc xã Quảng Khê, huyện Ba Bể.

Nhà thơ Dương Thuấn

Đoàn cũng khảo sát 3 hồ đã bị bồi lấp hoàn toàn chỉ sau 40 năm, gồm hồ Pé Tàu (thuộc xã Cao Thượng), hồ Pé Vài và hồ Pé Nàn (thuộc xã Khang Ninh). Trước đây, ba hồ này về diện tích cũng không kém mấy so với hồ Ba Bể (bao gồm hồ Pé Lẩm, hồ Pé Lù và hồ Pé Lèng). Với 3 hồ còn lại thì theo khảo sát, hồ Pé lèng hiện đang bị bồi lấp tốc độ nhanh nhất, đã mất 1/3 diện tích trong 40 năm qua. Hồ Pé Lù cũng bị bồi lấp từ hai phía là con suối Bó Lù và suối Cốc Tốc.

“Sau khi tìm hiểu và thu thập các chứng cứ, dữ liệu, chúng tôi thấy rằng Hồ Ba Bể đang chết dần trong hiện tại” – nhà thơ Dương Thuấn nói. Một hình ảnh rõ ràng nhất của việc bồi lấp, đó là “Những bản làng, những ngôi nhà sàn xưa kia ngồi ngay sát cạnh hồ, con gái dệt cửi cho thể lấy mặt nước soi gương thì nay từ bản ra hồ phải đi qua bãi bồi rộng 4km” – ông Thuấn cho biết.

Trong khi đó, GS Phạm Vĩnh Cư, chủ tịch Hội những người yêu Ba Bể thì đau xót: Tất cả chúng ta từ khi học tiểu học đã biết nước ta phía Bắc có hai kỳ quan thiên nhiên, một là Vịnh Hạ Long và hai là Hồ Ba Bể. Năm 1994, lần đầu tiên tôi đến với Hồ Ba Bể sau khi đã đến khắp các hồ nổi tiếng trên thế giới, nhưng tôi đã bàng hoàng vì vẻ đẹp của Hồ Ba Bể. Đây thực sự là một viên ngọc sáng cần hết sức giữ gìn”. Tuy nhiên, trở lại đây sau 15 năm, ông đã thực sự đau xót khi thấy Hồ đang bị tàn phá, bị nhỏ đi, vơi đi. "Không thể không đau xót và phẫn uất vì điều này” - GS Phạm Vĩnh Cư thốt lên.

GS Chu Hảo thì ngậm ngùi: “Tôi trở lại Hồ Ba Bể với cảm xúc đau buồn chưa bao giờ thấy”. Sau khi tham gia đoàn khảo sát, GS Chu Hảo cho rằng, nếu tiếp tục chặt cây, khai thác “một cách dã man” như hiện nay thì chỉ vài chục năm nữa sẽ chẳng còn “viên ngọc quý” này nữa. Còn GS Đặng Hùng Võ thì kết luận: "Nếu chúng ta lên đến nơi vào thời điểm này, chỉ cần là một người tử tế thôi, cũng sẽ thấy đau xót".

Khai thác tài nguyên tại Vườn Quốc gia Ba Bể

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, người đã lăn lộn tìm hiểu và viết rất nhiều bài về môi trường Vườn quốc gia Ba Bể cho biết, Hồ Ba Bể có 3 con suối cung cấp nước cho hồ thì nay đã bị vùi lấp đến mức khó tin. Khoảng 3-4km lòng hồ hiện đã trở thành các bãi bồi, chỉ là các con ngòi nhỏ. Rất nhiều vùng xưa là hồ thì nay đã là đất liền, trong đó 3 con hồ đã thực sự biến mất. Điều khó tin nhất mà nhà báo Doãn Hoàng cho biết, đó là hiện đã có một công ty được cấp phép khai thác quặng ngay tại vùng lõi của Vườn Quốc Gia Ba Bể, mà theo luật, đã là vùng lõi thì không bao giờ, không thứ gì được phép khai thác, kể cả việc hái nấm. Đó là chưa kể đến việc những rừng cây gỗ nghiến bạt ngàn đã bị chặt phá không thương tiếc.

Những cây gỗ nghiến to mấy người ôm trong vườn Quốc gia Ba Bể từng bị chặt phá tan nát

Hệ thống quản lý đang vô thức hay vô cảm?
Tham dự buổi gặp mặt báo chí, và cũng là người trực tiếp tham gia đoàn khảo sát, GS Đặng Hùng Võ nói: Nếu chỉ nghe nói, nếu chưa lên đến Hồ Ba Bể thì không thể nghĩ tại sao người ta có thể làm như thế… “Hệ thống quản lý ở đây đang vô thức (không biết gì), hay vô cảm (không cảm thấy gì) trước tình trạng khai thác tài nguyên ở đây”.

GS Đặng Hùng Võ

Theo quan điểm của GS Đặng Hùng Võ, muốn giàu thì phải đánh đổi, đó là lẽ đương nhiên, tuy nhiên, phải biết đánh đổi cái gì lấy cái gì, chứ không ai đi lấy cái quý giá nhất ra đánh đổi “và ở đây là một sự đánh đổi rất vớ vẩn” – ông Võ nhấn mạnh.

GS Đặng Hùng Võ cho biết, quá trình khảo sát cho thấy toàn bộ chất thải của việc khai thác và rửa quặng hiện đang dẫn thẳng vào Hồ Ba Bể. Ông Võ đánh giá, sự cho phép khai thác mỏ trong khu vực này là một việc không bình thường. “Việc Bắc Cạn mang cái quý giá nhất ra đánh đổi chắc chắn phải có một cấp nào đó mắc sai sót. Nhưng tôi khẳng định, Bộ TN&MT ít nhất cũng sai trong việc kiểm tra thực thi những quy định hành chính, bởi vì khi báo chí đã nêu, thì ít nhất Bộ TN&MT đã phải vào cuộc, yêu cầu kiểm tra.” - GS Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định.

GS Đặng Hùng Võ cũng phân tích về việc khai thác tài nguyên ở đây đang làm mất đi bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số của vùng này. “Nếu muốn làm kinh tế, Bắc Cạn có thể làm cách khác, như du lịch hoặc lâm sản, chứ không phải chuyển mình bất chấp sự hủy hoại môi trường. Nếu Bắc Cạn chấp nhận phát triển bằng cách bán tài nguyên thiên nhiên như hiện nay thì có nghĩa là chúng ta đang ăn quỵt môi trường. Không ai ăn quỵt được môi trường cả. Nếu chúng ta vay của môi trường một đồng hôm nay thì chúng ta sẽ phải trả gấp 1000 lần trong tương lai, trả một cách khó khăn, nhọc nhằn hơn nhiều” – GS Đặng Hùng Võ phân tích.

Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo, nhà thơ Dương Thuấn cho biết, hiện Hội những người yêu Ba Bể đang chuẩn bị hồ sơ, trong đó có đầy đủ các số liệu về sự bồi lấp, tình hình khai thác quặng… “khi đầy đủ sẽ trình lên Thủ tướng Chính phủ, đề nghị có biện pháp ngăn chặn tình trạng khai thác như hiện nay. Hãy bảo vệ những gì còn có thể bảo vệ được” – ông Thuấn nói.

Một số hình ảnh do đoàn khảo sát ghi lại


Đoàn khảo sát đang đứng cạnh những dãy núi, xưa mênh mông là rừng thì nay bị tàn phá tan hoang

Khai thác mỏ đang làm môi trường Ba Bể bị ô nhiễm nghiêm trọng

Máy móc khai quặng, chất thải chảy xuống hồ Ba Bể

Chất thải, chất dầu chảy xuống hồ Ba Bể

Tuệ Khanh            

No comments:

Post a Comment