Wednesday, January 13, 2016

Phạm Ngọc Quỳ Thiết Kế Giàn Khoan Hibernia





Kỹ sư Phạm Ngọc Quỳ - người Pháp gốc Việt 




Hibernia là dàn khoan vĩ đại lớn nhất thế giới cách St. John's Newfoundland, Canada khoảng 315km là do kỹ sư Phạm Ngọc Quỳ thiết kế.

Ông sinh năm 1935 tại Hà Nội, hiện ông đang sống ở ngoại ô Paris, Pháp. Công trình này thực hiện trong 6 năm, 1990-96.




Khối bê tông đế 16 hình răng cưa của dàn khoan là do ý tưởng của kỹ sư Phạm Ngọc Quỳ thiết kế để chống lại sức ép của băng tuyết và những tản băng khổng lồ [sức ép 780 tấn trên một mét vuông], sóng biển cao đến 30m lúc biển động, và gió lớn trong mùa đông khắc nhiệt bắc Đại Tây Dương.

Kỹ sư Quỳ trực tiếp điều khiển trên dưới 100 kỹ sư giỏi, và 300 họa viên chi tiết kỹ thuật quan trong. Còn những chi tiết không quan trọng ông giao cho 50 kỹ sư khác.

Tổng số nhân viên kỹ thuật và xây cất dàn khoan Hibernia là 5,000 người


Năm 1994, Tạp chí Times bình chọn công trình giàn khoan Hibernia tại Canada của một kỹ sư gốc Việt là 1 trong 8 kỳ quan mới của thế giới.

Vùng biển Hibernia (Canada) hiện nay là nơi có nhiều mỏ dầu lớn của thế giới. Theo kỹ sư người Pháp gốc Việt Phạm Ngọc Quỳ, tác giả công trình giàn khoan Hibernia, việc xây dựng công trình dự án đã gặp không ít khó khăn bởi địa hình, khí hậu của vùng biển này có nhiều tảng băng lớn, có khi sức ép của nó gấp 8 lần 1 quả bom nguyên tử khi nổ.

Vốn là người khá kín tiếng nên phải đến sau gần 10 năm (dự án được thực hiện năm 1991), thông tin công trình được Tạp chí Times công nhận là 1 trong 8 kỳ quan mới lớn nhất thế giới, mới được phổ biến qua website cá nhân của em trai ông Quỳ, kiến trúc sư Phạm Ngọc Quế, một Việt kiều Mỹ

Tin tác phẩm của mình được bình chọn là kỳ quan mới của thế giới có khiến ông ngạc nhiên không?
Tôi đã từng tham gia khá nhiều công trình lớn nổi tiếng quốc tế, kể cả vài công trình chưa hề được thực hiện trước đó như: sửa chiếc cầu lớn Lestelle tại Pháp, xây một bức tường chung quanh giàn khoan Ekofisk ở Na Uy để che chắn giàn khoan khỏi bị sóng đánh, hoặc xây đê nổi dài 355 m, rộng 44 m chống sóng bảo vệ hải cảng Monaco... Và công trình lớn nhất là Hibernia, vì vậy, tôi không ngạc nhiên nhưng rất lấy làm vinh hạnh, bởi đây là một công trình do người Việt thiết kế ra và được thế giới coi trọng.

Trước khi nhận lời tham gia dự án, ông có nghĩ mình sẽ để lại một dự án để đời tại Canada không?

Đáy biển sâu phía Đông Canada có nhiều dầu, song cũng lắm hiểm trở vì sâu tới 80 m, thường xuyên có bão, sương mù và nhiều băng tảng lớn. Vùng này được coi là một trong những nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất thế giới. Cách đây 1 thế kỷ, tàu Titanic đã bị đắm vì đụng phải tảng băng nổi ở gần vùng này. Tuy hiểu rõ việc thực hiện xây dựng giàn khoan dầu nơi đây là cực kỳ khó khăn, gần như bất khả thi, song Chính phủ Canada vẫn quyết tâm làm và họ có lý bởi khi giàn khoan Hibernia hoạt động đến nay đã bơm được 150.000 thùng dầu mỗi ngày.

Về việc tham gia dự án, năm 1991, tôi là kỹ sư trưởng của Doris Engineer, đơn vị đứng đầu Tổ hợp Quốc tế Nodeco tham gia bỏ thầu và trúng thầu dự án. Sau thành công với công trình chống sóng biển Ekofisk Protective Barrier ở Na Uy (trị giá 400 triệu USD, thời giá năm 1989), Hãng đã giao cho tôi thiết kế dự án để dự thi và sau đó là tham gia xây dựng. Trong lịch sử, chưa có một công trình nào phải chịu sức công phá mạnh như vậy, nên nó hoàn toàn xứng đáng được bầu chọn là kỳ quan của thế giới.
Tất nhiên khi thực hiện, tôi cũng có hy vọng sẽ làm được một công trình lớn lao, để lại dấu ấn trong lịch sử xây dựng hiện đại của nhân loại và đặc biệt là cho Canada

Nay đã nghỉ hưu tại Pháp, ông có bao giờ có ý định trở về Việt Nam để cố vấn một công trình lớn nào đó?
Năm 1995, tôi được Doris Engineer gửi về Việt Nam dự diễn đàn về dầu khí ở Hà Nội. Sau đó, chúng tôi đến trụ sở Petro Vietnam họp vài buổi với Ban Giám đốc ở đây về dự án xây một công trình bằng bê-tông để đựng dầu hỏa cạnh giàn khoan Bạch Hổ, nhưng việc không thành. Đối với Việt Nam, điều tôi quan tâm nhất là mở mang giáo dục, y tế và chống nghèo. Tôi nay cũng đã lớn tuổi rồi, đang nghỉ ngơi nên chưa nghĩ đến chuyện về Việt Nam làm việc. Song, tôi quan tâm đến sự phát triển các công trình xây dựng hiện đại tại quê nhà.

Ông có nhận xét gì về kiến trúc đô thị Việt Nam hiện đại?

Khi tham quan các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, tôi thấy chúng ta đã lưu giữ được một số kiến trúc rất đẹp như phố Tràng Tiền, phố nhà cổ quanh Nhà Hát Lớn ở Hà Nội... Tại TPHCM, khu vực đường Đồng Khởi, nhà Ủy ban Nhân dân Thành phố còn giữ được nét kiến trúc đô thị rất hay. Xa quê lâu năm, đứng trước những kiến trúc này, thật lòng thấy xúc động. Tuy nhiên, cũng tại các đô thị này, điều tôi thấy chưa ổn là hệ thống thoát nước chưa tốt. Buồn nhất là ô nhiễm trên các kênh rạch, hồ trong lòng thành phố, giao thông nghẽn thường xuyên...

Nếu được nói chuyện với giới kỹ sư xây dựng trẻ ở Việt Nam, ông sẽ nói điều gì?

Bằng cấp chỉ là chìa khóa để mở cửa bước vào thế giới việc làm. Quan trọng là phải có kinh nghiệm thực hành, đặc biệt trong ngành xây dựng, phải thường xuyên tìm tòi học hỏi qua các tạp chí chuyên ngành nước ngoài để cập nhật thông tin. Bởi kỹ thuật xây dựng phát triển rất nhanh, nếu không cập nhật sẽ bị bỏ lại ngay. Tại châu Âu và Mỹ, khi tìm việc, người ta chú trọng bản khai quá trình làm việc, kinh nghiệm hơn là bằng cấp, học vị. Kinh nghiệm học được trong quá trình làm việc luôn được coi trọng và đánh giá cao hơn bằng cấp


(sưu tầm)

No comments:

Post a Comment