Ông Nguyễn Thanh Việt, Giáo Sư tại đại học University of Southern California, được tặng giải Pulitzer về tiểu thuyết cho tác phẩm “The Sympathizer,” tức “Cảm Tình Viên” do Grove Press xuất bản.
Khi biết tin, ông viết trên Facebook, bày tỏ sự cảm ơn về những lời chúc mừng, rồi “tôi kiểm chứng lại với nhà xuất bản và được biết cuốn 'The Sympathizer' quả thực được giải Pulitzer. Nếu không phải là chuyện đùa thì điều này khiến tôi hết sức sững sốt.”
Năm 1973, một người Việt Nam từng được trao giải Pulitzer cho hình ảnh báo chí, là nhà báo Nick Út.
Giáo sư Nguyễn Thanh Việt ra đời tại Việt Nam, theo gia đình đến Mỹ năm 1975 và hiện đang sống ở Los Angeles.
Theo trang mạng Bustle, sách lấy bối cảnh của Sài Gòn năm 1975, “Cảm Tình Viên” kể về một đại úy trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, người tuyên thệ trung thành với miền Nam nhưng lại âm thầm ủng hộ miền Bắc Cộng Sản và báo cáo cho họ những gì ông thu thập được.
Mặc dù làm gián điệp cho phía bên kia, viên đại úy lại là người đồng minh tin cẩn của một cấp tướng của miền Nam, người cho phép ông trốn ra khỏi nước.
Trong khi ông tướng và thuộc quyền của ông sang tị nạn ở Hoa Kỳ và định cư tại Los Angeles, viên đại úy thấy mình bị giằng xé giữa lý tưởng Cộng Sản với những người ông rất trung thành.
“Cảm Tình Viên” pha lẫn chính trị, lịch sử, bi kịch với cảm xúc. Đây là một câu chuyện thời chiến đào sâu về bề mặt chưa hề được nhắc nhở đến.
Nhân vật chính trong truyện, một người không được đặt tên, được học hành ở Mỹ, có cha là một linh mục người Pháp và mẹ là một phụ nữ Việt Nam. Điều này khiến bản sắc của nhân vật luôn bị đối chọi giữa hai dòng máu.
Trong bài phê bình của cô Sarah Lyall của báo New York Times, tác giả bắt đầu cuốn sách với giọng vẻ gượng gạo: “Tôi là một gián điệp, một tên nằm vùng, một con quỷ, một con người hai mặt và cũng là kẻ có hai lối suy nghĩ.”
Trong lần trả lời phỏng vấn của Người Việt, khi tác phẩm được New York Times đề cập hồi tháng 10 năm ngoái, ông Việt nói: “Tôi cần kể chuyện, những câu chuyện mà người khác không kể. Cuốn tiểu thuyết này nói về chiến tranh Việt Nam, ở cả Mỹ lẫn ở Việt Nam, những kinh nghiệm bị bỏ sót của người Việt miền Nam và của Việt kiều. Tôi muốn kể một vài trong số những chuyện bị bỏ sót này."
Về ý kiến của độc giả người Việt, ông nói trong cuộc phỏng vấn: "Độc giả người Việt Nam viết cho tôi hay điểm sách về tác phẩm của tôi rất tích cực. Họ là người trẻ cũng như cao niên, ở Mỹ cũng như ở các quốc gia khác. Họ là một phần của một nền văn hóa muốn vượt qua những hận thù, chia rẽ của quá khứ. Với họ và tôi, nhìn thế giới qua những góc cạnh theo Cộng Sản hay chống Cộng chưa đủ. Dù cho nhân vật kể chuyện trong truyện là một điệp viên Cộng Sản, bị kẹt giữa hai phía. Tôi hy vọng độc giả người Mỹ gốc Việt nhìn nhân vật này như một người đại diện cho thảm cảnh nhiều người Việt cảm thấy như bị bao trùm trong cuộc chiến mà họ không chọn."
Tác giả Nguyễn Thanh Việt đến Mỹ năm 1975, gia đình không có ai phục vụ quân đội VNCH, và ông là giáo sư Anh văn, và dạy các khoa kinh nghiệm về Mỹ Học và Á Châu Học tại đại học USC từ năm 2005, viết sách và thuyết giảng nhiều nơi.
Giải Pulitzer hàng năm lần thứ 100 vừa được công bố hôm Thứ Hai, với AP được huy chương vàng, do sau loạt bài điều tra khiến hằng ngàn nô lệ được giải thoát.
Theo CNN, loạt bài điều tra của hãng thông tấn AP nhan đề “Seafood from Slaves,” có nghĩa là “Sản Phẩm Đồ Biển Làm từ Tay của Nô Lệ,” liên quan đến kỹ nghệ hải sản ở Đông Nam Á. Loạt bài giúp mang lại tự do cho hơn 2,000 nô lệ và đây là lần thứ 52 AP được tặng giải Pulitzer.
Nhật báo Washington Post cũng được giải nhờ “Fatal Force,” tức “Lực Sát Hại,” bài tường thuật nêu chi tiết các vụ cảnh sát nổ súng làm chết người hồi năm ngoái. “Fatal Force” tạo một kho dữ liệu chi tiết về 990 người bị cảnh sát bắn chết trong năm 2015.
Giải Pulitzer được đặt theo tên của nhà phát hành nhật báo tiền phong Joseph Pulitzer, và được trường Đại Học Columbia lập ra vào năm 1917.
Giải bao gồm 14 hạng mục về báo chí, chủ yếu là báo giấy, nhưng cũng công nhận đối với các tổ chức làm thông tin qua tạp chí và kỹ thuật số.
Ngoài ra có năm hạng mục về sách, một về kịch và một về sáng tác âm nhạc.
Ông John Warrick, được giải cho thể loại sách không phải tiểu thuyết, tựa đề “Black Flags: The Rise of ISIS,” có nghĩa “Cờ Đen: Sự Trỗi Dậy của ISIS.”
Và như mong đợi, ông Lin-Manuel Miranda thắng giải thể loại kịch nhờ nhạc kịch ăn khách “Hamilton.”
Nhật báo Los Angeles Times được giải Pulitzer nhờ “breaking news” tường thuật về vụ thảm sát ở San Bernadino, California.
Nguồn: Người Việt
o0o
Tiểu sử của giải PULITZER
Giải Pulitzer là một giải thưởng của Mỹ, trao cho nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng hơn cả là về báo chí và văn học. Đặc biệt về báo chí, Pulitzer được xem như một trong những giải danh giá nhất. Joseph Pulitzer, chủ bút báo New York World đề nghị giải này trong di chúc của ông viết năm 1904. Khi đó ông có đề ra 13 giải: 4 cho báo chí, 4 cho văn học, 4 cho sân khấu và 1 cho giáo dục. Từ năm 1917, giải được trao vào tháng 4 hàng năm bởi hiệu trưởng trường Đại học Columbia. Một phong bì khoảng 10.000 đô la được tặng kèm theo giải thưởng. Hiện nay, giải Pulitzer có tới 21 nội dung: một số thể loại phóng sự, biên tập, biếm họa, nhiếp ảnh, tiểu thuyết, tiểu sử, sân khấu, thơ và âm nhạc.
No comments:
Post a Comment