Monday, April 4, 2016

"Panama Papers" Leaks - Hàng loạt lãnh đạo thế giới tẩu tán tài sản

"Panama Papers", vụ tai tiếng thế kỷ bắt đầu lan ra khắp thế giới. Hàng chục nguyên thủ quốc gia, con cháu, thân cận của họ, từ Tập Cận Bình đến Vladimir Putin, từ các ông hoàng dầu hỏa đến tổng thống một số quốc gia châu Phi nghèo đói, đã bị phát hiện là khách hàng của hệ thống trốn thuế lừa đảo này.

 Tòa nhà Arango Orillac tại Panama, nơi có trụ sở Công ty luật Mossack Fonseca, khởi điểm của vụ bê bối thế kỷ Panama Papers (Ảnh chụp ngày 03/04/2016).

 Từ chiều Chủ nhật 03/04/2016, hơn 100 cơ quan truyền thông quốc tế công bố danh sách tài sản hàng tỷ đô la cất giấu tại các thiên đường thuế, qua công ty bình phong đặt ở Panama, Trung Mỹ. Đây là vụ  "lộ tẩy" kỷ lục trong lịch sử báo chí với 11,5 triệu tài liệu, giờ được gọi là vụ "Panama Papers", nhiều gấp 10 lần tai tiếng Offshore Leaks, công bố vào năm 2013.


Các tài liệu từ tổ hợp luật sư Panama Mossack Fonseca cho thấy, trong số những người tẩu tán tài sản có 140 nguyên thủ quốc gia hoặc lãnh đạo chính trị hàng đầu thế giới. Panama Mossack Fonseca, với mạng lưới 214000 công ty bình phong, trải rộng ở 21 thiên đường trốn thuế, tuy không hẳn là trái phép nhưng công việc của họ là giấu tài sản tẩu tán cho khách hàng qua những tên vay mượn.

Vì thế mà "tiền sạch" trộn lẫn với "tiền bất chính", tiền trốn thuế pha với tài sản của xã hội đen, mãi dâm, ma túy, thu nhập của các ngôi sao thể thao, các nhà tài phiệt nằm chung với tiền tham ô của các vị tổng thống, chủ tịch nước, thủ tướng, hay thân nhân của những người này từ Âu sang Á, từ Trung Đông đến châu Mỹ la tinh.

Trong danh sách được công bố từ chiều Chủ nhật 03/04/2016 từ 107 toà soạn báo chí, truyền thanh truyền hình trên khắp địa cầu, người ta thấy có tên tuổi của thân nhân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cựu thủ tướng Lý Bằng, con gái cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, hai người đã ra lệnh cho quân đội đàn áp sinh viên và công nhân Trung Quốc ở Thiên An Môn, trong phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh 1989. Con trai của thủ tướng Malaysia cũng ở trong danh sách này.

Ở châu Âu có tổng thống Nga Vladimir Putin, tỷ phú tổng thống Ukraina Petro Porochenko, thân phụ của thủ tướng Anh David Cameron.

Báo Le Monde đã đánh vật với 11 triệu tài liệu trong hồ sơ Panama như thế nào ?

Các cơ quan báo chí đối tác của Liên minh quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ) đã tham khảo trên 11,4 triệu tài liệu, với tổng cộng 2,6 téraoctet dữ liệu. Cụ thể họ đã tiếp cận và xử lý các dữ liệu này như thế nào ?

Phần đầu gồm có hồ sơ đăng ký của 214.488 công ty offshore (công ty bình phong đặt ở hải ngoại). Mỗi công ty có một loạt tài liệu dưới nhiều dạng khác nhau (PDF, Word, bảng tính, file âm thanh…). Nhưng chủ yếu là các email và các thư từ được scan lại, biểu thị hoạt động thường nhật của Mossack Fonseca. Đại đa số bằng tiếng Anh, nhưng cũng có một số tài liệu tiếng Pháp, Tây Ban Nha, Nga và Hoa ngữ.

ICIJ đã trang bị những công cụ rất mạnh để giúp khai thác số dữ liệu khổng lồ này, kể cả những tài liệu được scan. Có hai cách tiếp cận.

Cách thứ nhất là tìm kiếm bằng những cụm từ, ví dụ như "hộ chiếu Pháp", hy vọng dẫn đến những cái tên cụ thể. Hoặc dùng những từ chuyên môn của Mossack Fonseca như "PEP" (người nhiều rủi ro chính trị),  "UBO" (người thụ hưởng cuối cùng), "Due Diligence" (kiểm tra nhân thân khách hàng).

Cách thứ hai là lập trước các danh sách. Chẳng hạn danh sách các dân biểu Pháp, các bộ trưởng từ thập niên 80, hay 500 người giàu nhất nước Pháp, các nguyên thủ thế giới, đội tuyển bóng đá Pháp…rồi từ đó mới đi tìm. Nếu một người sở hữu đến năm công ty khác nhau thì thời gian nghiên cứu cũng tăng theo cấp số nhân.

Dù 107 ban biên tập các báo của nhiều nước phải mất đến một năm để đưa sự việc ra ánh sáng, nhưng không ai có thể lục lọi toàn bộ rừng dữ liệu khổng lồ của "Panama Papers". Vì chỉ nghiên cứu những tài liệu mới nhất, nhiều người vẫn có thể lọt lưới nếu bị nêu trong những tài liệu cũ, hay chỉ có tên trong danh sách viết tay. Hoặc là họ sử dụng dịch vụ của những công ty cạnh tranh với Mossack Fonseca, mượn tên người thân để đăng ký…

Cũng như trong các vụ "OffshoreLeaks", "SwissLeaks", các tờ báo tham gia chiến dịch chỉ đăng kết quả điều tra của các nhà báo chứ không công bố toàn văn các tài liệu có được, vì "Panama Papers" còn chứa nhiều thông tin cá nhân như địa chỉ, số điện thoại

Nguồn: RFI- Tú Anh, Thụy My - Đăng ngày 04-04-2016

No comments:

Post a Comment