Saturday, February 25, 2017

Cuộc đại tuyệt chủng sinh thực vật trên thế giới lần thứ sáu



Video: Michael Jackson - Earth Song


Audio


Mỗi ngày lại có thêm nhiều giống loài thực, động vật biến mất khỏi bề mặt Trái Đất. Sự suy tàn của sinh giới, như nhiều ghi nhận, dường như đã diễn ra trước con mắt thờ ơ của đông đảo cư dân trên hành tinh. Liệu cuộc tuyệt chủng đang diễn ra có thể sánh với năm đợt tuyệt chủng lớn trong lịch sử Trái Đất ? Cơ chế và những nguyên nhân nào dẫn đến sự tuyệt diệt các giống loài ? Những bài học nào có thể rút ra từ quá khứ ? ...

Đa dạng sinh học trên hành tinh chúng ta đang trên đường suy tàn. Khái niệm về một cuộc « tuyệt chủng lần thứ sáu » ra đời cách nay hai thập niên, do nhà cổ sinh học người Kenya Richard Leakey và nhà nhân chủng học người Anh Roger Lewin đề xuất, đang ngày càng trở thành một quan niệm được đông đảo cộng đồng khoa học nhìn nhận.

Chương trình tạp chí « Autour de la question » và « C’est pas du vent » của RFI có cuộc tọa đàm với các tác giả hai cuốn sách phổ cập khoa học mới công bố, để chuyển đến thính giả một số thông tin cơ bản. Các khách mời của RFI là hai nhà cổ sinh học Bruno David và Patrick de Wever, đồng tác giả cuốn « La biodiversité de crise en crise » (Đa dạng sinh học, theo vết các cuộc khủng hoảng), NXB Albin Michel và chuyên gia môi trường Raphaël Billé và phóng viên khoa học Sylvestre Huet, hai đồng tác giả cuốn « Biodiversité, vers une 6ème extinction de masse » (Đa dạng sinh học, trên đường tiến đến một cuộc diệt chủng thứ sáu), Nxb La Ville Brûle (tác phẩm được cùng chấp bút với nhà sinh học đại dương Philippe Cury và Michel Loreau, chuyên gia về đa dạng sinh học và các hệ sinh thái).

Đợt diệt vong thứ sáu đã bắt đầu

Trước hết, nhà báo Sylvestre Huet cho biết suy nghĩ của ông về liệu mức độ suy tàn đa dạng sinh học hiện tại có thể gọi là diệt chủng được không ?

« Điều này là hiển nhiên. Gần như không có hệ sinh thái trên cạn và dưới nước nào hiện nay là không bị bàn tay con người can thiệp. Điều mà ta quan sát thấy đầu tiên là sự khan hiếm các sinh vật hoang dã, khan hiếm cao độ. Ví dụ như ở các đại dương, so với giai đoạn trước thời kỳ đánh bắt hải sản theo lối công nghiệp, cách nay khoảng 150 năm, số lượng cá ăn thịt có kích cỡ lớn đã giảm xuống 80%. Số lượng cá lớn giảm hai phần ba. Số cá mập giảm 99%. Các con số tôi vừa nêu lên đã được công bố trong một số tạp chí, kết quả của những nghiên cứu nghiêm túc, kết hợp giữa xây dựng mô hình với quan sát thực tế và tham khảo lưu trữ. Những kết quả nói trên rất ít bị phản bác ».

Chuyên gia môi trường Raphaël Billé, nghiên cứu viên thuộc Viện phát triển bền vững và các quan hệ quốc tế, có trụ sở tại Nouvelle Calédonie, đưa ra một góc nhìn bổ sung để giúp công chúng hiểu rõ hơn về tiếp cận khoa học đối với hiện tượng biến mất của các giống loài :

« Cần phải nói rằng, nếu như các nhà khoa học rất thận trọng trong việc đưa ra các nhận định về vấn đề được đặt ra, là bởi vì họ không có trong tay một danh sách đầy đủ các giống loài đang sống hiện nay, và công việc của họ không phải là theo dõi để gạch đi một loài bị tuyệt diệt khi nhận được các thông tin, vì nhiều lý do. Một trong những điều căn bản là họ cũng không biết hết các giống loài đang tồn tại hiện nay. Nếu ước tính hiện nay, có khoảng 10 triệu giống loài, thì số lượng mà các nhà khoa học biết được thực sự cũng chỉ hàng nghìn. Nói chung, việc tính đếm số lượng các giống loại chủ yếu dựa vào việc thống kê, mô hình hóa…

Như Sylvestre Huet nhận xét, hiện nay chúng ta biết ngày càng rõ hơn về môi trường sinh sống của các giống loài… không thể không thấy rằng môi trường sinh thái bị phá hủy trên quy mô lớn, tại những nơi có sự đa dạng sinh học lớn, như ở các vùng rừng nhiệt đới ẩm, rừng nhiệt đới khô, các vùng có san hô… Chúng ta hiểu rất rõ rằng, khi các khu vực như thế bị mất đi, sự đa dạng sinh học cũng mất đi. Chúng ta không biết rõ đã mất đi bao nhiêu loài, nhưng có thể thấy rằng đã mất rất nhiều ».

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài France Inter, chuyên gia về đa dạng sinh học và các hệ sinh thái Michel Loreau, đồng tác giả cuốn « Đa dạng sinh học, trên đường tiến đến một cuộc diệt chủng lớn » nhấn mạnh thêm đến mức độ hủy diệt đang diễn ra :

« Tôi cho rằng nhận định về sự diệt vong hàng loạt các giống loài được giới khoa học đồng thuận. Nếu có tranh luận, thì đó là việc chúng ta đang ở giai đoạn nào, ở điểm khởi đầu hay đã rơi trong quá trình này rồi. Thuật ngữ diệt vong hàng loạt được các nhà cổ sinh học đưa ra, mà thước đo thời gian của ngành khoa học này rất khác với thời gian mà chúng ta quen hình dung. Ví dụ như điều này tương đương với 75% giống loại bị hủy diệt trong vòng một triệu năm, còn chúng ta thì thường nghĩ đến những gì diễn ra trong thế kỷ này hay thế kỷ tới… Về phần mình, tôi nghĩ rằng quá trình diệt vong này rõ ràng đã bắt đầu. Tốc độ diệt vong hiện nay cao gấp hàng trăm lần so với tốc độ diệt vong thông thường, và tốc độ này trong thế kỷ tới dự kiến sẽ 10 nghìn lần cao hơn. »

Năm cuộc diệt vong lớn trong quá khứ

Để hiểu được rõ hơn xu thế đang diễn ra trên Trái Đất hiện nay, quay ngược trở lại với những gì diễn ra hàng chục, hàng trăm triệu năm về trước là cần thiết. Patrick de Wever, nhà địa chất học, chuyên gia về tiểu hóa thạch, giải thích một số đặc điểm của các lần tuyệt chủng lớn trước đây :

« 445 triệu năm trước, lần đầu tiên do khí hậu đột ngột lạnh xuống, vào thời điểm đó chưa có sinh vật trên đất liền. Lần thứ hai vài trăm triệu năm sau, khoảng 375 triệu năm, khủng hoảng gây ra do oxy trong nước bị hạ thấp, vì nước thiếu lưu chuyển. Lần khủng hoảng thứ ba là vào khoảng 250 triệu năm trước. Đây là lần khủng hoảng lớn, một số người đưa ra con số 96% giống loài biến mất. Đây cũng là lần mà chính sự sống cũng có nguy cơ biến mất. Cuộc khủng hoảng này nằm giữa kỷ Đệ Nhất và kỷ Đệ Nhị. Vào khoảng 200 triệu năm trước có một khủng hoảng thứ tư. Cuộc khủng hoảng thứ năm, gần đây nhất, xảy ra vào khoảng 65 triệu năm, lần này nhỏ hơn. Thời kỳ này chứng kiến sự tuyệt chủng của các loài khủng long ».

Ngược lại với quan niệm về một cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học hay sự diệt vong của các giống loài giống với hiện tượng ngày tận thế, như đông đảo công chúng quan niệm, đặc biệt qua các thông tin hay phim ảnh về cuộc diệt chủng của loài khủng long cách nay 65 triệu năm, ông Bruno David, chuyên gia về tiến hóa sinh học, đưa ra một cái nhìn khác, khi chỉ ra rằng cần phải hiểu thế nào cho đúng về một cuộc diệt chủng sinh vật :

« Một khủng hoảng mang hình ảnh mà chúng ta thường thấy qua các bộ phim, các quảng cáo, các tranh hoạt hình với những con khủng long hoảng sợ trước cảnh một thiên thạch khổng lồ lao xuống chiếc đầu đáng thương của chúng... chúng tự bảo cái chết đang đến.

Khủng hoảng thực chất không phải vậy. Khủng hoảng không phải là chết chóc. Một cách nghịch lý như vậy đấy. Khủng hoảng ở đây chính là việc sinh sôi không còn, các giống loài sinh đẻ ngày càng ít đi, hay nói cách khác « thành tích sinh nở » giảm xuống. Quá trình này dẫn đến các thế hệ tiếp nối ngày càng ít dần và giống loài bị tuyệt diệt. Nếu điều này diễn ra đối với nhiều giống loài, như Patrick de Wever nhận xét, thì đó sẽ là khủng hoảng.

Một cuộc khủng hoảng, nếu nhìn về phương diện hóa thạch, điều này không thể hiện qua việc có nhiều hóa thạch các sinh vật chết, tức các nghĩa địa hóa thạch, mà là qua việc không có các hóa thạch. Trong một tầng đất bị khủng hoảng, ở đó không có các hóa thạch. Các tầng đất nằm giữa Kỷ đệ nhất và Kỷ đệ nhị nơi diễn ra các đợt tuyệt diệt lớn chưa từng thấy đối với sinh giới, ở đó gần như vắng bóng các hóa thạch. Tất nhiên không hoàn toàn trống rỗng, vì nếu thế thì không còn sự sống trên Trái Đất, nhưng ở đó không tồn tại các nghĩa trang hóa thạch ».

Bài học từ quá khứ : Các tác nhân khủng hoảng xuất hiện đồng loạt

Tìm hiểu về quá khứ giúp cho chúng ta những gì để nhận biết xu thế đang diễn ra hiện nay, chuyên gia về tiến hóa sinh học Bruno David giải thích :

« Cuốn sách này thực sự được viết ra để rút ra những bài học từ quá khứ. Chúng ta có các dữ kiện từ năm cuộc khủng hoảng lớn, không kể nhiều khủng hoảng khác, như Patrick đã nói. Như vậy, chúng ta có được các dữ liệu cho phép rút ra những bài học. Điều chúng tôi rút ra từ quá khứ là mọi giai đoạn khủng hoảng đều do nhiều nguyên nhân.

Tình hình sinh thái hiện nay như thế nào ? Trước hết chúng ta có sự suy thoái về môi trường sống. Điều này có nguyên nhân là cách thức mà con người sử dụng hành tinh của chúng ta, với những điều mà chúng tôi đã nói như gây ô nhiễm, phá rừng, có những vấn đề chúng tôi chưa nói như nạn đánh bắt hải sản quá mức. Con người còn có một hành động khác nữa, đó là di chuyển động vật từ một vùng này đến một vùng rất xa khác. Việc này tạo nên tình trạng nhiều loài sinh vật xâm lấn, gây phá hủy các hệ sinh thái hiện có. Và tiếp đó là hiện tượng biến đổi khí hậu. Như vậy, chúng ta đã có ít nhất ba nhân tố đe dọa chủ chốt (đối với sự sống còn của các giống loài). Chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng đa nhân tố.


Phương diện quan trọng thứ hai mà tôi muốn nhấn mạnh, không phải là số lượng các giống loài bị diệt vong hiện nay là đáng lo ngại nhất, mà là sự suy giảm số lượng cá thể của từng giống loài. Điều này tương ứng với thành phần của một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Cho dù chúng ta đang ở giai đoạn khởi đầu. Nhưng giống như bạn Patrick đã nói, chúng ta sẽ rất nhanh chóng đi đến thảm họa ».

Suy giảm đa dạng di truyền : Con đường dẫn đến diệt vong

Về sự diệt vong của các loài sinh vật lớn, nhất là các động vật có vú, chúng ta có thể quan sát được tương đối dễ dàng, nhưng còn với các sinh vật nhỏ bé thì sao. Theo nhà sinh học Michel Loreau, số lượng những sinh vật chúng ta biết, được lưu giữ trong các bảo tàng ước tính khoảng 1,5 triệu đến 1,8 triệu. Ngay trong số những loài được mô tả, nhiều loài cũng không được biết rõ. Số lượng các giống loài được ước tính khoảng 10 triệu. Có nghĩa là chúng ta còn phải khám phá từ năm đến sáu lần số lượng mà chúng ta đã biết. Số lượng sinh vật nói trên, chưa bao gồm các vi khuẩn, mà chỉ là các tế bào eucaryote có độ phức tạp cao hơn. Đối với những vi khuẩn bậc thấp, khái niệm giống loài như ta thường quan niệm không thực sự tồn tại… như vậy cần phải có một cách tính toán khác…

(Nhà sinh học Michel Loreau cũng nhắc đến một khía cạnh khác của vấn đề đa dạng sinh học, liên quan đến cuộc chiến chống virus, vi trùng, những hiểm họa hàng thế kỷ đối với cuộc sống con người - cuộc chiến mà con người đã giành được không ít chiến thắng. Trong khi đó, một tạp chí khoa học gần đây của RFI ["Liên hệ nào giữa sinh vật hoang dã, đa dạng sinh học và sức khỏe con người"] nhắcđến sự trỗi dậy hay mới xuất hiện của một số căn bệnh liên quan đến những biến đổi môi trường lớn).

Để hiểu được mối quan hệ giữa di truyền và vận mệnh các giống loài, cũng cần quay trở lại lĩnh vực mà chúng ta đã biết khá rõ là ngành trồng trọt. Chúng ta biết sự đa dạng di truyền của các giống cây trồng hết sức quan trọng đối với khả năng kháng cự của chúng trước biến đổi khí hậu, bệnh tật... Tuy nhiên, theo tổ chức lương nông Liên Hiệp Quốc FAO, chúng ta đã mất đến 75% giống cây trồng riêng trong thế kỷ XX.

Trong số những nguyên nhân đe dọa trực tiếp sự diệt chủng của các giống loài trên đất liền, Bruno David nhấn mạnh đến hai hiểm họa :

"Sự tăng trưởng của thuốc trừ sâu, diệt côn trùng, diệt cỏ đối với nền nông nghiệp thâm canh là một trong các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc 420 triệu cá thể chim bị chết tại Châu Âu trong vòng 30 năm. Đây là những loại chim thông thường như chim sẻ ngô, chim chích…. Đây là một số lượng khổng lồ, chiếm khoảng 20% số lượng chim chóc. Như chúng tôi đã trình bày, vấn đề không phải là chim chóc bị chết hàng loạt, mà là chúng ít sinh sản hơn. Người ta đã đặt các loài chim vào các điều kiện môi trường khiến số lượng chim sinh ra, đạt tuổi sinh sản và sinh đẻ ít hẳn đi.

Không thể trả lời cho câu hỏi là bao nhiêu cá thể còn lại để nói rằng một loài đang bị tuyệt diệt. Đối với các loài động vật có vú thông thường, nếu dưới 1.000 hay 10.000 cá thể thì nói đến nguy cơ diệt chủng, vì vấn đề quan trọng ở đây là đa dạng về di truyền. Sự đa dạng di truyền cho phép quá trình chọn lọc tự nhiên theo hướng tích cực có thể diễn ra. Nếu không có được sự đa dạng di truyền, tình hình sẽ tồi tệ.

Đối với tính chất này, còn một nhân tố rất quan trọng khác, đó là sự chia cắt về cảnh quan. Các công trình của con người, đặc biệt là đường xá đã cô lập nhiều nhóm sinh vật, khiến độ đa dạng của một giống loài bị suy giảm. Đây cũng là con đường đưa một giống loài đến chỗ diệt vong. Đặc biệt đối với những loài nhỏ bé, như các loài ốc, sâu bọ… Đối với các loài này, các xa lộ quả là những đường biên giới gần như không thể vượt qua. Đối với từng cá thể, không có vấn đề gì, nhưng đối với cả loài thì rất nghiêm trọng. Một loài sinh vật bị tách biệt ra thành từng nhóm nhỏ bị cô lập, mỗi nhóm mang một phần của hệ đa dạng di truyền chung, nhưng vì không kết hợp được với nhau nên mỗi nhóm dần dần bị suy yếu, từ đó chúng có thể bị tuyệt diệt.

Bên cạnh đó, một hiện tượng khác, đó là việc áp đặt một hệ sinh thái hết sức thuần nhất trong canh tác theo lối sản xuất lớn, với kết quả là tiêu diệt các hệ sinh thái khác, tiêu diệt sự sống trong lòng đất, thay vào đó là các hóa chất như nguồn dinh dưỡng cho cây trồng, cũng như những hóa chất diệt sâu, diệt cỏ khác".

Cũng về các mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học, chương trình tạp chí “C’est pas du vent” của RFI giới thiệu cuộc tranh đấu của nhà môi trường người Ấn Độ Vandana Shiva, tác giả cuốn “Vì một sự bất tuân sáng tạo”, Nxb Actes sud. Bà Vandana Shiva được nhận giải thưởng cao quý Right Livelihood Award (tạm dịch là "Mưu sinh chính đáng"), thường được coi là “giải Nobel” vì môi trường và phát triển con người.

Được vinh danh vì “đặt phụ nữ và sinh thái ở vị trí trung tâm của sự phát triển hiện đại”, Vandana Shiva đặc biệt tập trung nỗ lực của bà trong cuộc chiến chống lại ngành công nghiệp cây trồng biến đổi gen, được ví như những “hạt giống nô lệ” và hủy diệt.

Những con đường giải cứu

Đa dạng sinh học, với tư cách là tất cả những gì liên quan đến sự sống là một thực tế vô cùng phức tạp. Những gì mà con người biết rõ cho đến nay vẫn còn là một phần nhỏ. Không kể thế giới sinh vật bên ngoài, ngay cơ thể chúng ta, số lượng các tế bào vi khuẩn cũng đã nhiều hơn gấp bội số lượng tế bào của toàn cơ thể, theo một số nghiên cứu gần đây, một thế giới mênh mông đang dần được khám phá. Tuy nhiên, dù còn vô số giống loài sinh vật trên Trái Đất còn chưa được giới khoa học biết đến hay hiểu đến nơi, viễn cảnh tuyệt chủng của sinh giới lại không phải là điều gì xa xôi, do những biến đổi khí hậu ghê gớm, đe dọa các hệ sinh thái, nhưng trước hết là do bàn tay khai thác vô lối của con người.

Trở lại với cuốn sách “Đa dạng sinh học, trên đường tiến đến một cuộc diệt chủng thứ sáu”, đồng tác giả Silvestre Huet nhấn mạnh rằng, cho dù viễn cảnh hủy diệt đang nhãn tiền, nhưng không phải vì thế mà không thừa nhận các nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh thái dưới những hình thức khác nhau, trong suốt hơn một thế kỷ rưỡi qua, trước những đe dọa thường trực của quá trình công nghiệp hóa, mang tính chất khai thác và hủy diệt, đặc biệt với việc thành lập các khu bảo tồn, các công viên sinh thái. Mở rộng các không gian bảo tồn, thực hiện tốt việc bảo tồn, giới hạn các tác động môi trường của các hoạt động khai thác công nghiệp, cũng như việc thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo lối công nghiệp hóa, thay đổi lối sống hướng đến một nền kinh tế tái chế, một sinh hoạt tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu… rất nhiều con đường cơ bản đã và đang được mở ra, nhằm ngăn chặn sự gia tốc của những nhân tố hủy hoại môi trường, hủy hoại tính đa dạng sinh học.

Một giống loài mất đi có thể rất nhanh chóng, nhưng để phục hồi những gì tương tự thiên nhiên phải mất hàng chục triệu năm, chưa kể nhiều tác hại chưa được biết tới do các giống loài bị diệt vong gây ra đối với đời sống con người. Liệu xã hội con người có đủ khả năng ngăn ngặn đà đến đi tới của cuộc đại tuyệt chủng sinh giới lần thứ sáu ?

Nguồn: RFI / Trọng Thành

No comments:

Post a Comment