Monday, February 6, 2017

Sur Les Frontières du Tonkin - Nhật Ký Trên Biên Giới Việt-Trung (1885-1887) - Paul Marie Néis/Hoàng Hoa (chuơng 16 - 20)


Phái đoàn phȃn định biên giới: Người đầu tiên từ bên phải ở hàng sau là Bác sĩ Paul Neis

Chương 16: Sông Nam-Si – Người Châu ở Chiêu-Thân - Người Mường - Tổ chức Lễ 14 tháng Bảy

Các đồng nghiệp Trung Hoa của chúng tôi, những người đã có vẽ rất nôn nóng chờ đợi chúng tôi tới, đã chẳng vội vã như thế để liên lạc với chúng tôi. Chỉ mãi đến 11 tháng 7 thì hai ủy viên, Tang và Hié, đến Song-Phong và tới ghé thǎm chúng tôi. Tchéou, vị chủ tịch, đến ngày 19 mới tới nơi; cuối cùng, ngày 23, hơn một tháng sau khi chúng tôi đến Làokai, chúng tôi đã có một cuộc họp chính thức đầu tiên với Ủy ban.

Khu vực chung quanh Làokay tương đối im tĩnh trong thời gian này; chúng tôi có thể ra đi không sợ sệt nếu được võ trang và đi ngựa với dǎm sáu người, và làm những cuộc du ngoạn một khoảng xa khỏi đồn, nếu bạn không lo lắng về việc sử dụng những lối mòn còn phân biệt được và cuộc trở về ướt sủng nước do những cơn mưa rào nặng hột một ngày dǎm sáu lần.

Những lối mòn, khắc sâu vào các vách núi và bị ngắt quảng bởi những khe sâu vì nước mưa, đôi khi rất nguy hiểm: chính như thế mà một người lính pháo binh, đi bộ dọc theo sông Nam Si và dọc theo con đường nhìn bao quát xuống nó chừng 10 thước bên trên, đã rơi xuống sông và chết đuối. Một bửa nọ, sau khi chúng tôi nhập đoàn với ông chủ tịch và một số bạn bè trong cuộc du ngoạn, chúng thấy ông thình lình biến mất ở ngay khúc quẹo của đường mòn.

Ngựa của ông đã bước trật khỏi lối đi và cả hai đều rơi xuống khe vực sâu khoảng 12 đến 15 mét đầy bụi rậm và mọi người chẳng ai nhìn thấy con ngựa và người cưỡi. Ông Dillon xoay trở thật lẹ và tự mình tìm đường đi thoát lên mà không hề hấn gì dù một vết thương nhỏ, nhưng người ta đã gặp rất nhiều khó khǎn khi giải thoát con ngựa, nó đã lǎn quá sâu xuống khe vực. Chúng tôi đã phải gọi đến dân làng lân cận; những người này, đã mang theo dao mã tấu để mở một lối ra cho con vật; tuy nhiên nó cũng chẳng hề hấn gì.

Một trong những sự giải trí chính của chúng tôi là những buổi chiều đi tắm trên sông Nam-Si; đó cũng là, ngay chính giữa chúng tôi, một đề tài cho các cuộc bàn luận liên tục. Những người địa phương, An Nam và Trung Hoa, rất sợ tắm trong những giòng nước suối trong vắt, bất cứ khi nào họ gặp phải, dù đó là nước uống hay nước tắm, ngay cả một số người Âu Châu cũng có chung ý nghĩ. Họ thích những giòng nước đục như của Sông Hồng, hay nước tù hãm trong các ao và sông. Tôi không muốn nói xấu về nước Sông Hồng nhưng tôi tin rằng sẽ có sức khoẻ hơn nếu nước ấy được lọc bằng cách sử dụng vài gram phèn chua sau khi để lắng xuống, nhưng tôi phải nói rằng không bao giờ trong các cuộc du lịch tôi trên Ðông Dương, tôi đã từng coi khinh những giòng nước trong trẻo, mát mẽ với hương vị ngọt, và tôi tin rằng tôi chưa bao giờ đã than phiền điều gì khi dùng chúng.

Ðể trở lại sông Nam-Si, chắc chắn hầu hết tất cả những ai thường tắm trong giòng sông ấy đều bị nhiễm chứng sốt: nhưng những ai đã không tắm trong nó đều bị lây nhiễm chẳng kém trầm trọng và cũng ngay lập tức không kém.

Chúng tôi sử dụng thì giờ nghĩ ngơi này để gởi các sĩ quan địa hình chúng tôi, các ông Bohin và Hairon, cùng với một đoàn hộ tống nhỏ tiến về phía Ðông, dọc theo bờ sông Nam-Si. Sáu ngày sau họ trở về, báo cáo về công tác quan trọng nhưng mệt nhoài và đem tất cả mọi người trong đoàn hộ tống về với bệnh sốt. Chính họ sau đó cảm thấy các triệu chứng và từ đó về sau ông Bohin không thể nào được chửa trị khỏi chứng bịnh rét gan trong thời gian ông lưu lại Làokay.

Chẳng bao lâu sau khi chúng tôi đến chúng tôi có dịp gặp một trong các trưởng Mường chỉ huy người Châu ở Chieu-Than giữa Baoha và Sông Ðà. Người Mường trưởng này đã phục vụ hết lòng với Ðại tá de Maussion và Chỉ huy trưởng Bercant trong thời gian có những cuộc viễn chinh gần sông Ðà, … tiếp tế cho các cánh quân, cung cấp các thông tin và hướng dẫn. Ông ta ở không xa Muong-Lay (Lay-Chau), cùng với những người thù địch, và như thế ông ta đã bị tách lìa khỏi con đường đi Luang-Prabang; mặc dù ông ta không chắc chắn liệu có thể tìm một người đưa tin với bất cứ giá nào để đem một lá thư tới Luang Prabang, tuy vậy ông ta hứa là sẽ cố gắng.

Trước đây, trên giòng sông Nam-Ou tôi đã từng đi du lịch với một viên quan người đã bị đánh đuổi khỏi Muong Lay và tôi đã được vẽ cho một tấm bản đồ sơ lược những tin tức riêng của tôi về vùng này. Xuyên qua ông Mường trưởng này tôi có thể nhận ra một số lỗi lầm không tránh khỏi về loại việc làm này. Chính ông ta người đã cho tôi biết rằng sông Nam-Thé của Lào, trên đó tọa lạc Mương-Lay, đã không phải, như tôi nghĩ, con sông Mã của người An Nam, nhưng chắc chắn sông Bô hay sông Ðà, sông Lysien của người Trung Hoa.

Giống như tất cả người Châu hay Mường, ông ta nói thổ âm Lào; chính ông có nguồn gốc An Nam, nhưng những người tháp tùng ông chắc chắn giống người Thay. Tuy nhiên chúng ta cũng ghi chú đây là mặc dù chủng tộc Xiêm đã sinh sống trên khắp các vùng, tình trạng thường được cân bằng và ngay cả luôn pha trộn với các dân tộc tương tự như người Mán và người Thô mà chúng ta đã nói về họ, và cũng như người Kha hay Mọi, những người sinh sống trên những ngọn núi từ Ðông Dương đến Vân Nam.

Ông ta đoan chắc rằng ông ta xét thấy tuyệt đối không thể, ngay lúc này, đi từ nhà ông ta đến Mường Luang, như ông gọi Luang Prabang; tuy nhiên, tôi không có ý định đảm trách chuyến du hành này trước khi chúng tôi hoàn thành sứ mạng của chúng tôi.

Thời gian trôi qua với sự khó khǎn, chứng sốt hoành hành thường xuyên hơn nhưng tuy vậy, nhờ sự hiểu biết và tình bạn chân thật đã không chấm dứt vì các thành viên của Ủy ban, ban cư trú, các ông Wacle van Ganesco những người đã đến Làokay như là khách du lịch và các sĩ quan của quân phòng vệ, chúng tôi đã trãi qua những buổi chiều hạnh phúc.

Ngày 14 tháng Bảy được tổ chức với sự xa xỉ mà người ta không tưởng tượng có thể có ở Làokay. Chúng tôi có được vãi và các miếng giấy và dưới sự hướng dẫn của các họa sĩ của quân Viễn Chinh, các lính bộ binh An Nam làm ra hàng trǎm cái lồng đèn và trang trí các bức tường của ngôi chùa dùng như phòng họp, với vải và cây lá xanh.

Vào sáng sớm một loạt súng bắn tuyên bố bắt đầu buổi tiệc và đã khiến cho các cư dân Trung Hoa trong làng Song-Phong chạy ra khỏi nhà vì tưởng họ đang bị oanh tạc; chúng tôi đã, tuy nhiên, nhắc nhở nhà cầm quyền Trung Hoa về sự việc này vào chiều hôm trước. Vào lúc 8 giờ sáng tất cả viên chức quân sự cũng như dân chính Âu Châu, ước tính 30 người tất cả, đã tập trung tại khuôn viên để dự lễ duyệt binh. Chúng tôi đã không tách rời ngày đó; bửa trưa được cấp bởi ông chủ tịch của Ủy ban; buổi chiều bởi cư dân, ông Martin-Dupont, và các đầu bếp đã lo hết mọi chuyện.

Vào chiều tối, tất cả mọi nhà đều thắp đèn sáng và trạm gác của người lính bộ binh An Nam canh gác khu trại bò phía bên kia sông Hồng trông như bị vây kín bởi hai lớp hàng rào những cái đèn lồng; những ngọn lửa này, đã cháy lên nổi bật trong bóng đêm của núi rừng và phản chiếu trên mặt sông, tạo cho phong cảnh một vẽ kỳ ảo. Sau bửa cơm tối và những lời chúc tụng như lệ thường, chúng tôi đã uống cạn ly với cả tấm lòng vì tương lai của Bắc Bộ, chính vì điều ấy mà chúng tôi đã tụ họp đây trong trạm gác nguy hiểm này; rồi khoảng 10 lính Viễn Chinh đến bắt đầu buổi hòa nhạc xen kẻ với ngâm thơ.

Ðây là trường hợp với hầu hết các buổi hòa nhạc mà chúng tôi đã nghe được ứng khẩu bởi các thủy thủ trong những cuộc vượt trùng dương, buổi hòa nhạc này là một sự pha trộn của những lãng mạn xúc cảm hát với sự xác tín, những bài hát dâm đãng và các điệp khúc bình dân; nhưng mặc dù cái âm điệu đúng đã không luôn luôn nghe được, một thứ hạnh phúc chân thành tuy thế dần dần vượt trội tại Làokay, và bạn không thể đòi hỏi gì hơn thế nữa.

***

Chương 17: Cuộc họp lần thứ nhất của Ủy ban Vân Nam - Chuẩn bị ra đi Long-Pho-Pho

Vài hôm sau khi các ủy viên Trung Hoa đã đến Song-Phong, chúng tôi chính thức đến viếng thǎm họ. Chúng tôi đồng ý gặp nhau luân phiên tại Làokay và Song-Phong và vào ngày thứ 23 buổi họp chính thức của Ủy ban sẽ tổ chức tại Trung Hoa. Các bạn đồng nghiệp của chúng tôi tiếp đón chúng tôi trong một ngôi chùa cổ nằm cách sông Nam-Si khoảng vài trǎm thước; để đi đến họ chúng tôi phải vượt giòng sông này như chúng tôi đã nói, luôn thay đổi mực nước. Vì chúng tôi không có ghế với người mang chúng như các đồng nghiệp của chúng tôi và bởi vì, mặc dù đoàn hộ tống của chúng tôi không võ trang, nó có thể làm tổn thương thanh danh chúng tôi và ngay cả vô ý tiến hành đi bộ từ bờ sông đến nơi họp, qua đám người Trung Hoa dày đặc đến gần xem chúng tôi, chúng tôi đã phải vượt sông trên lưng ngựa chúng tôi, đó không phải là một cuộc chuyễn quân dễ dàng. Một hàng quân chính quy mặc đồng phục xếp hàng dọc, võ trang với súng trường, đẩy dạt đám đông các cư dân tò mò ở Song Phong ngay phía trước của chúng tôi.

Từ những buổi họp đầu tiên chúng tôi có thể dễ dàng nhận thấy rằng do sự thay đổi nơi họp và nhân sự chúng tôi đã chẳng thu lượm được gì và rằng các ủy viên của Vân Nam cũng không dưới cơ, cũng không chậm hiểu trong các cuộc thảo luận hơn những người chúng tôi đã bỏ lại Quảng Tây.

Ðể thúc đẩy công việc nhanh chóng hơn, chúng tôi quyết định là Ðại tá Tisseyre và Ủy viên Tang nên gặp nhau mỗi ngày để chuẫn bị một sự hiểu biết trên khu vực chung quanh Làokay và phần biên giới đã được khảo sát bởi các sĩ quan địa hình. Sau vài hôm chúng tôi đã đồng ý trên các điểm và chúng tôi vội ký một bản báo cáo chính thức lần thứ nhất, ghi nhớ rằng sự thoả thuận này ngày 1 tháng Tám.

Các Ủy viên Trung Hoa đã chấp nhận sông Nam-Si là biên giới và mọi người đồng ý rằng chính giữa sông Hồng tạo thành đường phân định giữa Bắc Bộ và Trung Hoa dưới Làokay, bên trái bờ sông vẫn của Trung Hoa và bên phải bờ sông thuộc An Nam. Nhưng chúng tôi thiếu tin tức chính xác về những điểm nơi bờ sông bên phải không còn là An Nam nữa: vấn đề này như thế được giữ lại đó cho tới khi chúng tôi có thể minh chứng được với bằng cớ, cũng như theo quy ước di chuyễn trên sông được đưa vào sau này đối với việc đổ bộ và sửa chửa tàu thuyền từ bờ sông của một nước sang một nước khác.

Vừa khi cuộc hành trình này được đề cập tới, Tchéou, ông chủ tịch, bắt đầu tuyên bố rằng đối với ông dường như không ích lợi gì cho hai phái đoàn nên ngưng công việc để đi đến cửa sông Long-Pho-Pho, điểm mà bờ sông phải của sông Hồng trở thành Trung Hoa; một ủy viên đơn độc Trung Hoa có thể đủ để ghi chú sự kiện và ông chủ tịch, người mà coi mình bị bắt buộc phải ở lại Làokay, quyết định rằng chỉ hai chúng tôi sẽ du hành với nhau và đi ngược lên Sông Hồng.

Trong khi mọi việc đang tiến triển tốt đẹp thì bệnh tình của Trung úy Bohin mỗi ngày trở nên trầm trọng hơn. Ông Haïtce cũng bịnh rất nặng. Họ bị bắt buộc quyết định rời khỏi chúng tôi trở về Hà Nội để phục hồi sức khoẻ; thật ra họ đã lành bệnh sớm và sự có mặt của họ tại Hà Nội đã, theo như sau đây, rất hữu ích cho Ủy ban trong việc tìm kiếm và gởi về những tài liệu An Nam và Trung Hoa mà chúng tôi không thể thu lượm được tại thành phố này.

Người Trung Hoa đã không khá hơn chúng tôi: những người của họ đã chết nhiều và ủy viên Hié bị những cơn sốt nặng, trong khi Tang phải chịu một cuộc giải phẩu buộc ông ta phải nằm tại giường.

Ông Tang yêu cầu tôi chǎm sóc ông và hàng ngày tôi đi Song Phong để bǎng bó cho ông. Như thế tôi có thể dễ dàng, sau vài ngày, đi bộ một mình trong phố chợ này và ở đó tôi không bao giờ bị xúc phạm. Ðáng chú ý là Người Trung Hoa tự tin rất nhiều vào sự thông minh của chúng tôi và sự chǎm sóc của chúng tôi về các cuộc phẩu thuật hơn về chǎm sóc thuốc men. Về thuốc men họ có nhiều thuốc phức tạp, và ngay cả thuốc kí nin, những thứ đó người An Nam và người Thái miễn cưởng chấp nhận và đã tạo cho họ một cảm hứng rất khiêm tốn. Sau khi ông lành bệnh ông ta có cho tôi, như là một món quà kỹ niệm, một bản đồ Trung Hoa với biên giới Vân Nam, vẽ rất tinh tế trên lụa nhưng trên đó những biên giới đã được vẽ một cách tự nhiên không ích lợi cho chúng tôi.

Ðể quyết định vị trí của con sông nhỏ Long-Po-Ho mà, bên bờ phải của Sông Hồng, tạo thành biên giới giữa Bắc Bộ và Trung Hoa, người ta đồng ý rằng, một bên ủy viên Hié và các sĩ quan địa hình Trung Hoa, phía bên kia, Thiếu tá Daru và Bác sĩ Neis với các sĩ quan địa hình Pháp, sẽ đi ngược dòng sông Hồng tới điểm này. Theo tất cả thông tin mà chúng tôi có được xứ này rất thanh bình và trước khi chúng tôi khởi hành chúng tôi cẩn thận gởi hai thông tin viên đi trên đất liền, dọc theo bờ phải của sông Hồng, những người này sau đó vài hôm trở về và xác nhận với chúng tôi rằng hiện nay không có bǎng đảng hải tặc trong khu vực.

Mặc dù như thế chúng tôi vẫn thích làm một cuộc khảo sát trên đất liền hơn. Chúng tôi biết sự vận chuyễn trên sông thật khó khǎn, chúng tôi đang ở lúc mực nước lên cao nhất và chúng tôi không bỏ qua sự thật là nếu có xãy ra bất cứ cuộc tấn công nào một cuộc phòng vệ chống lại kẻ thù trú ẩn dọc theo các bờ sông sẽ không thể thực hiện được trên thuyền đang đi ngược dòng nước chảy. Rủi thay chúng tôi thiếu các phu khuân vác để mang theo các thứ cần thiết cho đoàn hộ tống cũng như cho các bệnh nhân của chúng tôi mà chúng tôi không thể không có được ngay từ ngày đầu của chuyến đi. Do đó chúng tôi từ bỏ ý định đi du hành trên sông.

Ðây là con đường được lựa chọn vì ủy viên Hié, nhưng ông sẽ không đồng ý rằng những chiếc thuyền của đoàn sẽ đảm trách việc du hành cùng với nhau, và ông ta đã khởi hành trước chúng tôi một ngày. Ông ta nói rằng, dọc theo bờ trái (phía Trung Hoa), có nhiều đồn bót mà các quân chính quy Trung Hoa đang trấn đóng và rằng ông ta cần đi trước chúng tôi để báo cho các chỉ huy các đồn này cho chúng tôi đi qua mà không bị cản trở. Ông ta cũng nói như thế để từ chối lời yêu cầu của ông Dillon, người khǎng khǎng về điểm này, rằng một tinchaï hay một sĩ quan Trung Hoa sẽ ở dưới tàu chúng tôi để có trách nhiệm liên lạc với các giới chức địa phương Trung Hoa nếu chúng tôi gặp phải khó khǎn cần phải giải quyết với họ. Các sĩ quan địa hình Trung Hoa hơn nữa phải du hành với chúng tôi, nhưng trên một chiếc thuyền riêng, và họ không bao giờ được rời thuyền chúng tôi.

Trong thời gian này, đội quân phòng vệ Làokay đã yếu kém hẳn; hơn phân nửa nhân lực liên tiếp bị bệnh. Như thế chúng tôi sẽ cố gắng chọn lấy một ít người đi theo chúng tôi mà thôi. Ðể lập đoàn hộ tống họ đã cho chúng tôi 15 người thuộc quân Viễn chinh và 35 lính bộ binh An Nam; phân đội nhỏ bé này thuộc dưới quyền một sĩ quan nhiều nǎng lực của lực lượng bộ binh Hải quân, Trung úy Geil, và ông Henry, một Thiếu úy trừ bị trẻ thuộc lực lượng Viễn Chinh.

Không phải không có nhiều vấn đề mà chúng tôi phải đối phó khi tập trung sáu chiếc tầu hay sáu chiếc tam bản đáy bằng và những phu khuân vác cần thiết cho chuyến thủy trình này. Chúng tôi đã trưng dụng những phu khuân vác cần thiết trên các tàu thương mại, nhưng hứa hẹn trả lương họ gấp đôi và cho ǎn uống ngon không đủ thuyết phục họ đi theo chúng tôi. Ðến phút chót một số đã cố tìm cách bỏ trốn và viên chỉ huy người Mường của xứ Chieu-Than đang sống tại Làokay cung cấp cho chúng tôi mười người Mường đã từng tháp tùng theo ông, những người này làm thành nhóm thủy thủ đoàn, mặc dù họ chưa bao giờ là những người chèo thuyền.

Chúng tôi mang đồ tiếp tế cho 20 ngày và cũng cho ngựa nữa, vì chúng tôi có ý định, một khi đã tới Long-Po-Ho, đi ngược trên bờ sông càng xa càng tốt và để tận mắt quyết định đường biên giới phía bờ tây đến tận nơi mà chúng tôi có thể đi tới.

Chúng tôi đi lên thuyền như sau: chiếc thuyền lớn nhất thường di chuyển trước nhất và treo cờ Pháp, có các Trung úy Geil và Henry, bốn lính viễn chinh và sáu lính bộ binh An Nam đi theo; Thiếu tá Daru và Bác sĩ Neis với hai lính hầu (hai người Soaves) và vài lính bộ binh An Nam trên chiếc thuyền thứ hai; chiếc thứ ba mang theo hai sĩ quan địa hình, các ông Hairon và Pineau; chiếc thứ tư mang theo ngựa cho chúng tôi; chiếc thứ nǎm mang tiếp tế và chiếc thứ sáu, tạo thành hậu vệ, mang theo chín binh sĩ của quân Viễn Chinh. Từ ngày thứ hai chiếc tàu cuối cùng, bị cuốn đi bởi các giòng lũ trên sông, chỉ có thể xoay sở để đến bờ an toàn phía dưới Làokay và đã không tham dự chuyến đi với chúng tôi suốt cuộc hành trình, như thế đã tước đoạt của chúng tôi nửa số binh sĩ Âu Châu.

***

Chương 18: Khởi Hành Ði Long-Pho-Pho – Các Ðồn Bót và Quân Trú Phòng của Trung Hoa

Thứ Sáu ngày thứ 13 vào buổi sáng, hai đồng nghiệp của chúng tôi các ông Dillon và Tisseyre những người hối tiếc là đã không thể tham dự vào cuộc viễn chinh, đi tháp tùng theo chúng tôi, cùng với tất cả người Âu Châu đến Làokay, đi đến các tàu của chúng tôi và hạm đội nhỏ của chúng tôi lên đường. Nước sông lên rất cao, và cuộc di chuyễn gặp khó khǎn nhất: ra đi sớm vào buổi sáng để đến bảy giờ chiều mới dừng lại, chúng tôi xoay sở với tất cả mọi nổ lực để đi ngược dòng sông hai cây số rưỡi ngày thứ nhất và ba cây số ngày thứ hai.

Các sĩ quan địa hình Trung Hoa đã du hành theo chúng tôi, họ có những chiến tàu nhẹ hơn nhiều và dễ điều khiển hơn, đã ở lại với chúng tôi suốt ngày nhưng vào buổi chiều họ ra đi, biệt dạng; trong suốt những ngày đầu chúng tôi đã không coi chuyện này có chút gì quan trọng cả.

Tại mọi khúc quanh trên sông, chúng tôi đã vượt qua nó và đi sang bờ kia; trong cuộc di chuyễn này chúng tôi đã mất điểm đứng gặp phải những khó khǎn trong suốt dǎm sáu giờ: cùng với động tác tương tự mà chiếc tàu cuối cùng đã trôi dạt đến một điểm xa hơn xuống dưới quá điểm khởi hành.

Chúng tôi phần vừa vui vừa hài lòng, sung sướng vì đã hít thở bầu không khí khác hơn bầu không khí hiểm nghèo tại Làokay và để trốn khỏi sự đơn điệu và sự sống khó khǎn tại đấy, liên miên bị hành hạ bởi các cơn sốt hay ngay cả, trong những ngày đẹp trời nhất, do ǎn uống không ngon miệng và vì tình trạng nôn mửa mà đến lúc chót không sao có thể chịu đựng được.

Vào sáng ngày thứ ba, tuy vậy, chúng tôi không phải không lo lắng; chúng tôi bắt đầu tuyệt vọng không thể tới mục tiêu của chúng tôi trước khi chúng tôi cạn hết 20 ngày lương thực mà chúng tôi đã mang theo; hơn thế, trong hai đêm đầu tiên này, các phu khuân vác, vì quá mệt nhọc do chuyến đi quá vất vã, đã bỏ trốn rất đông mặc dù chúng tôi rất cẩn thận giữ họ.

Trung úy Geil đã rất cẩn thận làm cho toán bộ binh An Nam trên mỗi chiếc tàu biết trách nhiệm về sự đào nhiệm của các phu khuân vác và vào buổi sáng những lính canh trong đêm đã không ngǎn chận được trốn thoát đều bị kết tội phải làm phu khuân vác thay cho các tên đào thoát và làm các người chèo. Việc sắp xếp này đạt được kết quả tốt nhất và từ nay về sau các lính gác An Nam đều canh gác kỹ hơn. Ngày thứ ba này mực nước hơi hạ thấp, các dòng chảy trở nên bớt hung hãn và chúng tôi đã tới trước một đồn trại người Trung Hoa vào buổi sáng.

Vừa khi họ trông thấy chúng tôi, đồn trại được treo đầy cờ và khoảng 50 lính chính quy mặc đồng phục đi xuống xếp thành đội ngũ trên bờ sông, rồi, khi chúng tôi tiến đến gần hơn, họ bắn những phát súng lên trời. Chúng tôi đậu tàu tại chân của đồn và Thiếu tá Daru bắt đầu thảo luận qua một thông dịch viên với viên quan cấp thấp người chỉ huy phân đội. Viên quan trả lời rằng ông ta biết rất rõ chúng tôi là ai, rằng ông ta đã nhận lệnh để cho chúng tôi đi qua và chỉ vì muốn đem lại danh dự cho chúng tôi mà ông ta đã ra lệnh xếp hàng lính và bắn súng lên trời; tuy nhiên, ông ta yêu cầu chúng tôi không để các phu khuân vác lên bờ Trung Hoa, cũng đừng trục kéo tàu lên bờ Trung Hoa, vì, ông ta nói thêm, ‘xứ này đã đầy dẫy hải tặc, đến nổi tôi không thể chịu trách nhiệm cho sự an toàn cho các ông chừng nào các ông còn ở trên phần đất Trung Hoa.’

Thiếu tá Daru cám ơn ông ta vì ông ta đã tôn trọng danh dự chúng tôi nhưng Thiếu tá Daru đã gặp khó khǎn khi làm cho ông ta hiểu rằng không thể nào chúng tôi theo lời khuyên của ông vì chúng tôi đã phải đi theo hai bờ sông tùy lúc, tùy theo địa hình của hai bờ sông và hướng của những dòng chảy. Ông ta đã rời chúng tôi, khuyên rằng trong bất cứ trường hợp nào chúng tôi cũng không nên đổ bộ trên đất Trung Hoa để nghĩ qua đêm. Chúng tôi đã đi qua bốn tàu chiến có võ trang đang neo dưới đồn trại và chúng tôi tiếp tục cuộc thủy trình.

Vào buổi chiều chúng tôi đã đi được 8 cây số; đó cũng là một thành công lớn; vui mừng đã trở lại với niềm hy vọng thành công bởi vì chúng tôi đã tìm thấy một bãi cát xinh tươi bên bờ Trung Hoa, chúng tôi dọn bàn bằng các cành cây và Thiếu tá Daru và tôi đã mời các sĩ quan của toán hộ tống và các sĩ quan địa hình đến dùng cơm chiều với chúng tôi.

Khi chúng tôi sắp ngồi vào bàn ǎn thì khoảng 20 lính võ trang Trung Hoa bỗng nhiên từ đâu xuất hiện và viên quan chỉ huy họ đến chuyển lệnh rằng chúng tôi phải dời trại và đóng bên bờ sông An Nam. Bờ sông phía An Nam quá dốc, phủ đầy cây cối và chúng tôi đã phải mất dǎm sáu trǎm thước và có lẽ dǎm sáu cây số mới tới đó được: vì vậy Thiếu tá Daru trả lời viên quan với lời từ chối và viên quan rút lui nhưng phản đối rằng ông ta đã cho chúng tôi lời khuyên vì sự an toàn cho chúng tôi

Dù cho tình huống có ra sao, chúng tôi đã dựng một trạm gác tốt để nghĩ qua đêm, và như thế đã không làm bửa ǎn chúng tôi mất vui. Chúng tôi nhớ rằng ngày này, 15 tháng Tám, là ngày lễ cho tất cả mọi gia đình, chúng tôi đã nâng ly chúc sức khoẻ nhau cũng như cho nước Pháp và chúng tôi đã chia tay nhau rất muộn trong đêm, sau khi đã suy tính rất lâu về kết quả có thể có được của cuộc viễn chinh của chúng tôi. Anh chàng Henry trẻ tuổi đặc biệt, người mà tôi tin rằng, chưa bao bao giờ biết mùi chiến trận, đầy sự nôn nóng trong lòng anh; anh ta hy vọng rằng chúng tôi sẽ có thể đi ngược dòng sông lên tận Long-Po-Ho trong dǎm sáu ngày tiến về phía Tây và anh ta trù tính đến cuộc chạm trán với bọn hải tặc tại đấy. Ước vọng cuối cùng này, than ôi, lại xảy ra quá sớm!

***

Chương19: Tiên Phong - Cuộc Tấn Công Lên Tàu của Geil và Henry

Hai ngày hôm sau trôi qua không xãy ra một biến cố nào: nhiệt độ vẫn ổn định giữa 30 và 34 độ, những giòng thác càng lúc càng gần nhau và khó khǎn hơn, nhưng chúng tôi biết rằng Long-Po-Ho ở gần hơn họ đã nói với chúng tôi: chỉ 40 cây số cách Làokay thay vì 60 mà chúng tôi được biết; vì vậy, chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ hoàn thành sứ mạng.

Phía bờ phải sông Hồng, thuộc về Bắc Bộ, vẫn hoang vu và đầy cây rừng trong suốt cuộc thủy trình. Rất ít vài làng Trung Hoa có thể được nhìn thấy đây đó bên phía bờ trái, bờ này không cao hơn và từng phần được phát quang; cũng thế, mặc dù lời khuyên của các sĩ quan Trung Hoa của trại quân ấy, hằng đêm chúng tôi vẫn đóng trại bên bờ sông này để nghĩ qua đêm.

Vào ngày thứ 18 chúng tôi bị gẫy cột buồm khi đi dưới những cây to và đi tới làng Tiền Phong, khoảng 30 cây số phía trên Làokay.

Tiền Phong là một làng nhỏ nằm trên một khoảng đất trống cao, ngay chổ cong của giòng sông. Tại đây, chúng tôi gặp những thuyền chở trái cây và những người bán gia cầm gà vịt từ Mang-Hao xuống; họ vui vẽ bán cho chúng tôi phần hàng hóa của họ.

Mang-Hao và khu phụ cận sản xuất nhiều loại trái cây vùng nhiệt đới như mận, mơ, táo và lê, nhưng tất cả những trái cây nầy, đặc biệt thứ cuối cùng là nhiều nhứt, được hái từ lúc còn rất xanh; cứng và không có hương vị tuy vậy chúng có thể tạo nhiều vui thích trong các khu vực này bằng cách nhắc cho chúng tôi nhớ về các thứ trái cây tại Pháp. Thiếu tá Daru đã mua hết trái cây trên một chiếc thuyền với giá rất khiêm nhượng để phân phối trái cây cho các nhân viên của ông và người chủ rất vui mừng vì bán được hết hàng hóa.

Nhưng câu chuyện không giống như vậy khi chúng tôi thử mua hay mướn từ những cư dân trong làng một hoặc hai chiếc tàu nhỏ làm bằng mây đan mà chúng tôi cần di chuyễn đoàn chúng tôi trong cuộc hành trình đầy thác lũ này, những chiếc của chúng tôi đã được xài nhiều và không hoạt động hữu hiệu nữa. Họ không từ chối thẳng chúng tôi nhưng họ bảo chúng tôi rằng để bán chúng họ cần có sự cho phép của xã trưởng, vì những tàu thuyền thuộc về làng xã và không thuộc tư nhân và họ cũng báo cho chúng tôi biết rằng ông thị trưởng đang vắng mặt dǎm sáu hôm.

Chúng tôi để ý thấy rằng trong làng nầy chỉ có phụ nữ và trẻ con và chúng tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy khoảng 12 người Trung Hoa có võ trang bằng súng và ǎn mặc quần áo màu xanh thuộc nhóm Cờ Ðen đang bǎng qua sông Hồng từ bờ Trung Hoa sang bờ An Nam chừng vài trǎm mét phía dưới chúng tôi.

Tại làng này chúng tôi để lại đội Thanh người đã tháp tùng chúng tôi trên chuyến thủy trình này và chính là người đã làm thông dịch viên cho chúng tôi để mua trái cây; anh ta sẽ dễ dàng bắt kịp chúng tôi vào buổi chiều trong một trong những thuyền thúng nhẹ.

Chúng tôi bǎng ngang qua sông, khúc sông này là một dòng thác chảy rất xiết, và trời đã tối khi tất cả đoàn tàu, trừ các sĩ quan địa hình, tập trung tại một điểm a [xem bản đồ] trên đảo mà chúng tôi hy vọng rằng sẽ an toàn. Chiếc tàu của các ông Hairon và Pineau, di chuyễn khó khǎn vì các phu thiếu khả nǎng, đã bị giòng thác cuốn trôi sang bờ phía An Nam và không thể vượt sông trước khi tối để tập trung với chúng tôi; các sĩ quan này đã ngũ đêm cách chúng tôi và vì vậy chúng tôi rất lo âu suốt đêm về số phận của họ.

Ðêm trôi qua và chúng tôi không thấy đội Thanh trở về. Cuối cùng anh ta trở về lúc nửa đêm, được một người Trung Hoa dẫn đường, tên này bỏ đi ngay trên chiếc thuyền thúng mà anh ta mang theo.

Ðội Thanh kể lại cho chúng tôi chẳng những anh ta bị cấm không được mua một chiếc thuyền thúng mà còn nói rằng anh ta nghe được những lời đe dọa về chỗ ở của người Pháp; thật vô cùng khó khǎn và phải thuyết phục trả một đồng bạc cho một người dân làng để y mang anh ta trở về.


Chúng tôi có một chút tự tin nơi người Thô thông minh này, anh ta đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trên biên giới Quảng Tây, nhưng đêm đó anh ta có vẽ rất giận dữ và sợ hãi, và vì anh ta không nói rõ chi tiết các mối đe dọa anh ta đã nghe lại chúng tôi, chúng tôi coi câu chuyện anh ta là không mấy quan trọng.

Theo các tin tức mà chúng tôi ghi nhận tại làng Tiền Phong, chúng tôi đang ở ngay dưới một loạt những con thác khó khǎn. Người ta xác định rằng những tàu thuyền như chúng tôi không bao giờ đi xa hơn làng về phía thượng lưu sông; mặt khác, chúng tôi biết rằng người đồng nghiệp của chúng tôi, Hié, chắc chắn đã đi qua đây ngày hôm trước; các địa hình viên người Trung Hoa, trong khi di chuyễn gần chúng tôi vào ban ngày theo quy định thỏa thuận, đã sắp xếp không bao giờ qua đêm gần với các tàu thuyền của chúng tôi, và họ đã bỏ chúng tôi vào đêm hôm trước trong khi chúng tôi dừng quân tại Tiên Phong, đã tiếp tục chuyến đi của họ và mất dạng; vì thế ít nhất chúng tôi phải cố theo kịp họ.

Sáng sớm trong ngày, trong khi uống cà phê với nhau, chúng tôi đồng ý với các ông Geil và Henry về các biện pháp như sau: phía thượng nguồn bên trên đảo, giòng sông tạo thành ở điểm c [xem bản đồ] một khúc cong rõ nét, từ đó tạo thành những con thác lũ còn khó khǎn hơn cả khi chúng tôi vượt qua sông, bị che phủ bởi cây cối chằng chịt không di chuyễn hoặc quan sát được, do đó không thể thực hiện cuộc đổ bộ hay dòng kéo thuyền. Cho cả đoàn tàu chúng tôi chỉ có một trong các dây mây dài cần thiết đi ngược các thác lũ. Chiếc tàu của ông Geil di chuyễn nhanh tốt và chèo chống giõi sẽ phải đi trước, trong khi bốn chiếc kia tập trung phía cuối con thác, tại điểm b, chờ đợi sợi dây mây trôi xuống theo dòng thác và cột dưới dòng thác, để cho các tàu này có thể sử dụng nó, lần lượt, tự dòng kéo lên.

Những sợi cáp bằng mây đan này rất nhẹ và chắc; chúng nổi dễ dàng và chúng tôi đã sử dụng phương pháp di chuyễn này nhiều lần khi vượt qua các ghềnh thác chảy xiết. Chiếc tàu thứ nhất đã phải chờ đợi chúng tôi bên trên con thác, tại nơi đầu tiên thích hợp chúng tôi đã nấu cơm cho người chúng tôi ǎn và chúng tôi sẽ ǎn trưa cùng với nhau tại đấy.

Ðầu tiên mọi việc tiến hành trôi chảy như chúng tôi mong đợi; mặc dù sức mạnh của những dòng thác, chiếc tàu thứ nhất đã đi rất nhanh quá điểm và khuất tầm mắt quan sát của chúng tôi. Ðến khoảng 10:30 sáng, các tàu còn lại theo sau sát nhau lên đến điểm b, nơi chúng tôi đã phải chờ cho đến khi chúng tôi có thể mở đầu sợi dây mây ra, thì chúng tôi nghe một tiếng nổ to gây ra bởi một loạt súng bắn chuẫn định do một nhóm đông người và tiếp theo đó là một cuộc chạm súng lâu dài.

Chúng tôi không rõ chuyện gì đã xãy ra bên kia của điểm, nhưng đầu tiên, về phần tôi, tôi không nghĩ có chuyện gì lo lắng và tôi đã bảo Thiếu tá Daru: ‘Chắc là toán quân canh phòng tại đồn Trung Hoa bắn làm vui nữa đây, cũng như hôm nọ, làm phí đạn với ý định

tỏ lòng tôn trọng chúng ta và họ đã giữ tàu của đoàn hộ tống cho chúng ta!’ Thực ra chiếc tàu này là chiếc tàu duy nhất có treo cờ Pháp.

Sự sai lầm của chúng tôi chẳng bao lâu được sửa chửa vì chúng tôi nhìn thấy những viên đạn bắn rơi tung toé trên mặt nước phía bờ Trung Hoa. Vì vậy cuộc chạm súng phải xãy ra phía bờ An Nam và chúng tôi nghe thấy tiếng súng của các khẩu Gras bắn trả lại: như vậy chiếc tàu của hai ông Geil và Henry đang bị tấn công.

Chúng tôi chạy vội vào bờ sông và trong lúc chúng tôi đến đấy chúng tôi đã vớt được người thổi kèn của đội Viễn Chinh khi anh này bị giòng lũ cuốn phǎng đi, nhưng vẫn bơi rất kịch liệt với cố gắng leo lên tàu chúng tôi. Cánh tay trái của anh bị trúng đạn và anh ta bị một viên đạn khác trúng ngực. Những lời đầu tiên anh ta nói như sau: ‘Tất cả họ đã chết hết, không một ai sống sót, và chúng ta cũng sẽ bị giết chết hết vì bọn chúng rất đông!’

Không thể có chuyện đỗ bộ và giúp đỡ cho các bạn bất hạnh của chúng tôi nữa. Chúng tôi đã chỉ còn nhìn cây cối và dây leo um tùm, dầy đặc, không xuyên thủng được, để làm một chuyện hoàn toàn không thể thực hiện được, trong thời điểm nước lên cao, để lên bờ tại một nơi nào đó. Thật tồi tệ giống như phải đi xuyên một bức tường.

Những giòng thác lũ chảy xiết đến nổi, với sự dốc sức khủng khiếp của tất cả các phu khuân vác đang hoảng sợ của chúng tôi và không có trợ giúp của dây mây, chúng tôi không thể hy vọng vượt qua vài trǎm thước này trong nhiều giờ. Trong những trường hợp như thế này, và không có việc chờ đợi ba chiếc tàu kia đi theo chúng tôi lên tới nơi, Thiếu tá Daru trước nhất muốn tận mắt xem biết tình trạng đã xãy ra như thế nào. Cuộc bắn nhau, chỉ kéo dài trong phút chốc, đã ngừng lại, đã làm cho câu chuyện của người lính thổi kèn khó tin được. Vừa ngay lúc ấy chúng tôi chú ý có hai người An Nam gần giữa sông, một lính bộ binh và một phu khuân vác đang cố gắng bơi sang phía bờ Trung Hoa: một người chìm lĩm giữa giòng, nhưng chúng tôi thấy người kia leo được lên bờ và chạy trốn vào trong lùm bụi; sau đó chúng tôi không còn nghe gì về người An Nam này nữa.

Viên Thiếu tá, giao việc canh gác chiếc tàu cho chúng tôi, nhảy ùm xuống nước với ba người lính bộ binh An Nam, rồi chụp vào những cành cây trên bờ, ông ta đi tới khúc cong của sông và tại đó ông đã chứng kiến cảnh tượng đau lòng. Con tàu, mạn sườn đang bốc cháy, đang bị toán Trung Hoa mặc áo xanh thuộc nhóm thổ phỉ chiếm giữ, và bãi sông hẹp gần với con tàu ấy đứng đầy bọn chúng.

Vừa khi Thiếu tá Daru bi bọn thổ phỉ nhìn thấy, chúng bắn về phía chúng tôi, từ bờ và từ con tàu bị tấn công; ông ta may mắn không bị trúng đạn và đã trở về lên tàu với chúng tôi trong tâm trạng buồn bả đoan chắc các bạn không may của chúng tôi đã chết hết.

Trong lúc này tôi đã võ trang người chúng tôi và bờ sông bị che kín bởi lùm bụi um tùm đến nổi, chẳng nhìn thấy gì xa hơn một thước kể từ rào sắt của thành tàu, tôi sợ rằng, như người An Nam đã nói, bọn hải tặc có thể đã nhảy lên tàu trước khi chúng sử dụng súng; vì vậy tôi đã cho gắn lưỡi lê vào nòng súng và sẳn sàng đánh trả lại cuộc tấn công khi cần. Chúng tôi đã có hai phụ tá và bốn người An Nam; ba chiếc tàu còn lại, bao gồm chiếc chở hai sĩ quan địa hình, chẳng bao lâu sau đó đã tập họp với chúng tôi và canh gác, chúng tôi có thể chịu đựng một cuộc tấn công dù địa thế không thuận lợi. Những viên đạn nhắm bắn Thiếu tá Daru trong cuộc trở về của ông đã bay qua phía trên đầu chúng tôi và không một tên hải tặc nào dám xuất hiện quanh khúc cong con sông để cho chúng tôi bắn vài phát đạn an ủi cho những người bạn xấu số của chúng tôi.

***

Chương 20: Một Cố Gắng Giải Thoát Con Tầu - Cuộc Phục Kích Lần Thứ Hai

Thiếu tá Daru trong lúc thiếu các sĩ quan hộ tống đã đương nhiên đãm nhận nhiệm vụ chỉ huy, đã chấp nhận kế hoạch này sau khi đã có một cuộc bàn thảo ngắn ngủi với các sĩ quan địa hình và tôi. Cái chết của Trung úy Geil và Henry và các người đồng hành thì đã quá chắc chắn, nhưng chúng tôi đã phải làm mọi cố gắng đã trả thù cho họ và cứu thoát khỏi tay bọn cướp biển chiếc tàu mà chúng đang chiếm giữ và đặc biệt xác của hai chiến hữu của chúng tôi. Một cuộc tấn công bằng cách đi nguợc dòng sông phía bờ bên phải là điên rồ vô ích: chúng tôi chỉ có thể làm tǎng số thương vong mà không có chút mãy may nào thành công.

Chúng tôi quyết định tiếp tục đi lên phía hòn đảo, cố gắng mở hỏa lực vào chiếc tàu bị chiếm giữ từ phía sau lái, và sau khi đã khử xong bọn cướp, để khống chế hỏa lực chúng, hay ít nhất, nếu hỏa lực tốt, sẽ thu lượm người chết và có thể bị thương nếu có. Nếu ngay từ cuối đảo có thể khám phá nơi cuộc phục kích, mà chúng tôi không thể phán đoán tại chỗ này, chúng tôi đã cố gắng, khoanh vùng nó trong tầu, để tới bờ Trung Hoa và đi lên điểm phía trên cuộc phục kích dọc theo dòng sông; tại đấy chúng tôi có thể lại cố gắng vượt sông và tới ngay lập tức để lấy lại con tầu.

Kế hoạch này thật rất táo bạo: chúng tôi chỉ có tám hay 10 người Âu Châu, tính luôn hai ủy viên và hai sĩ quan địa hình và, khoảng 30 lính An Nam; cũng thế, phải mất mấy giờ cho cuộc hành trình, và sau đó sự can thiệp của chúng tôi có thể trở thành vô ích không tránh được, nhưng cùng lúc ấy, đối với tất cả chúng tôi việc này có vẽ như không thể bỏ mặc mọi thứ như thế mà không cố gắng bằng mọi cách để thực hiện.

Như thế chúng tôi bắt đầu di chuyễn đến hòn đảo. Nhưng các phu khuân vác sợ hãi đến độ cuộc di chuyễn thật hết sức khó khǎn; hai chiếc tàu, một của các sĩ quan địa hình và một chở ngựa, đã không tới mục tiêu được và bị giòng nước cuốn trôi.

Tôi lợi dụng lúc bǎng ngang sông này để nhìn cẩn thận hơn vết thương của người lính kèn, mà tôi chỉ đắp một miếng bông cứu thương tạm thời. Cánh tay anh không bị thương đến các bộ phận quan trọng, và viên đạn trúng ngực, sau khi đi qua cạnh sườn mà không xuyên qua phổi, đã nằm trong da lưng, tại đây tôi có thể lấy viên đạn ra dễ dàng.

Anh ta là người xứ Alsace khoẻ mạnh, một trong những người can đảm mà, thay vì là một chiến binh Ðức, đã thích phục vụ cho tổ quốc thật sự của anh ta hơn, mặc dù như là người ngoại quốc và đã xây dựng phần tốt nhất của đoàn quân Viễn Chinh; anh ấy đã kể cho chúng tôi nghe chi tiết về cuộc tấn công đã xãy ra.

Dòng sông đầy thác lũ này đã tương đối dễ dàng và họ đã dừng lại gần một bãi cát hẹp có vẽ thích hợp cho buổi cơm trưa, chỉ khoảng 200 thước qua khúc cong của dòng sông.

Những lính bộ binh An Nam và các phu khuân vác đã lên bờ thu lượm củi khô để nấu cơm; hai viên trung úy, ngồi trên nóc tàu đang trông chừng họ và chờ đợi chúng tôi đến, thì thình lình không thấy ai cả, hay nghe một tiếng động khả nghi nào, một loạt đạn mà tôi đã nói đã phát nổ.

Những tên hải tặc, núp tại bờ sông, đã bắn cùng một lúc từ nơi rất gần và với sự chính xác, chỉ nhắm vào những người còn lại trên tàu, và tất cả bị bắn trúng ngay loạt đạn đầu tiên này.

Dǎm sáu người lính và phu khuân vác đang tập trung gần bếp lữa nấu cơm nhóm ở phía sau tàu; phần này đã bị xé toạc và vãi bạt bốc cháy, lan tràn khắp nơi, có lẽ đã bắt cháy cả con tàu, ngọn lửa mà bọn hải tặc đã không muốn làm cháy ngay lập tức.

Trung úy Geil bị một viên đạn vào đầu và ngã xuống đáy tàu; Trung úy Henry, bị thương ở cánh tay, thu thập mọi người có thể cầm súng và, để làm gương, ông đã bắn vào bọn hải tặc đang tiếp tục bắn không ngừng nghĩ. Những người đã đi lên bờ đã bị bắn chết hết người này đến người khác trong lúc họ cố gắng leo lên tàu để lấy vũ khí; chẳng một ai đã lên tàu được. Tất cả sự việc chỉ xãy ra trong vài phút.

Câu chuyện này, kể lại nghe đến lạnh người chính những phút sau khi biến cố, về sau được lặp đi lặp lại dǎm sáu lần bởi người lính kèn, không sai một chi tiết nào; chúng tôi có thể coi đấy là một tường thuật rất đúng về chuyện gì đã xãy ra.

Như vậy chỉ có hai tàu đến được đảo: chiếc của chúng tôi và chiếc mang đồ tiếp tế. Chúng tôi có 12 người An Nam và hai người phục dịch theo tôi.

Tuy thế Thiếu tá Daru vẫn không hủy bỏ kế hoạch của ông: sau khi đã cột tàu kỹ, chúng tôi ra đi tiếp về cuối góc đảo (điểm e) từ đó chúng tôi hy vọng sẽ tác xạ được.

Không rõ liệu trên đảo có bọn hải tặc hay không, chúng tôi tiến lên theo một hàng dọc, Thiếu tá Daru dẫn đường, khẩu súng ông trong tay và tôi đi gần cạnh ông, mang theo một bao đồ gồm thùng dụng cụ, bông gòn và vải bǎng bó, và trang bị với một cây gậy mà tôi dùng ra lệnh cho các lính An Nam trẻ của chúng tôi, những người vừa mới đến trung đoàn, đã không tỏ nhiệt tình, đối với các cấp chỉ huy gần gủi. Có hai người gốc Soaves phục dịch giúp đỡ cho tôi, họ rất vui tươi với việc sẽ đánh nhau với bọn cướp.

Khi đã tới cuối đảo, từ điểm này chúng tôi nhận thấy không đánh nhau hữu hiệu tại nơi mà chiếc tàu chúng tôi đang cháy; chúng tội chú ý, phía dưới điểm ấy, một đám cháy lớn và khói: chắn chắn nguyên con tàu đang cháy.

Hơn thế nữa chúng tôi đã không nghe một phát súng nào từ khi cuộc thám sát của Thiếu tá Daru quanh khúc cong dòng sông; chúng tôi đã không thấy một tên hải tặc nào và chúng tôi tự hỏi liệu chúng đã có rút lui vào trong bờ hay chưa; như thế chúng tôi không thể nghĩ đến chuyện thu hồi con tàu, liều mạng cho một chuyện hết sức hiểm nghèo; những thứ mà bọn Trung Hoa đã bỏ lại.

Trong thời gian chúng tôi tính toán về chuyện gì sẽ phải làm và Thiếu tá Daru không thể quyết định rút lui, chúng tôi nghe thấy, phía dưới dòng sông và không xa chúng tôi, một loạt đạn nổ và sau đó là tiếng súng bắn nhanh.

Chắc chắn cả hai chiếc tàu bị cuốn bởi dòng nước đã rơi vào ổ phục kích thứ hai. Con đường phải đi theo thật rất rõ ràng: chúng tôi phải giúp người sống và bỏ lại người chết. Hơn thế nữa, chính chúng tôi đang ở giữa hai ổ phục kích, vị trí của chúng tôi thật hết sức nguy hiểm.

Chúng tôi vội vã trở lại lên tàu và chúng tôi thấy con tàu chở ngựa bị cuốn giữa dòng nước xoáy và đang dũng cảm bắn trả lại một hỏa lực nặng từ phía bờ An Nam bắn ra.

Thiếu tá Daru ra lệnh cho tất cả mọi người nầm sấp xuống trên nóc tàu, độ cong của nó che chở họ; ông ra lệnh cho con tàu tiếp tế rời bờ và chúng tôi theo sau nó một khoảng ngắn, sẳn sàng bảo vệ cuộc rút lui vì giờ đây chúng tôi đang sợ bị tấn công từ mọi phía.

Chúng tôi nhanh chóng nhập vào giòng thác, nhưng chúng tôi không thể bắt buộc các phu khuân vác sử dụng mái chèo để điều khiển con tàu được. Nằm duỗi dưới sàn tàu, họ không thèm nghe theo lệnh dù bị hǎm dọa đánh đập hay giết chết. Chúng tôi lý ra đã giết chết một vài người trong bọn họ và chúng tôi đáng lý đã không cố làm cho những người còn lại phải đứng dậy. Như thế chúng tôi đã bị xô dạt bởi những dòng thác lũ gần với bờ phải và, đến gần với cuối đảo, chúng tôi đang nằm dưới hỏa lực của bọn cướp.

Bị cuốn đi bởi nhiều con xoáy của dòng sông, chúng tôi đã quay tròn dǎm sáu vòng mà không thể bắt các phu khuân vác điều khiển. Vị trí của chúng tôi rất ngặt nghèo bởi vì hai người phục dịch cho tôi và hai lính An Nam của chúng tôi, không còn được che chở bởi mái cong của nóc tàu nữa, bị phô bày dưới hỏa lực địch nhưng họ đã liều chết bắn trả và như thế ít nhiều đã ngǎn chận hỏa lực của bọn cướp và chúng tôi đã đi qua mà không ai bị thương. Trên tàu đi trước chúng tôi, chỉ một phu khuân vác bị một viên đạn trúng nơi gáy.

Tất cả sự việc; kể từ cuộc tấn công lên tàu của Geil, đã chỉ mất có ít phút.

Cũng thế, tính đến khoảng cách từ cuộc phục kích thứ nhất tới cuộc phục kích thứ hai, về mặt vật lý không thể nào chấp nhận rằng bọn hải tặc đã tham dự vào cuộc phục kích thứ nhất có kịp thời giờ để đi đến đối diện với làng Tiên Phong nơi cuộc phục kích thứ hai xãy ra. Thực tế có hai nhóm đông người đã hoạt động tách biệt nhưng phối hợp nhau để tấn công chúng tôi.

Chúng tôi vội vã đi tìm hai chiếc tàu kia, một chiếc chở các sĩ quan địa hình, một chiếc chở ngựa. Phán đoán từ cường độ của cuộc đọ súng chúng tôi e rằng sẽ chịu thêm một số thương vong.

Ði qua trước làng Tiên Phong, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy các phụ nữ và trẻ con đang nhìn tôi tò mò từ trên các điểm cao của làng. Tuy nhiên họ không ở cách xa khỏi cuộc phục kích thứ hai và tự phơi mình như thế này thì họ phải chắc chắn rằng chúng tôi sẽ không bắn về phía họ.

Chỉ dǎm sáu cây số phía hạ lưu sông thì chúng tôi gặp lại hai chiếc tàu sà lan. Tôi đã bǎng bó những người bị thương, may thay không nhiều lắm và, trong lúc ǎn cơm trưa một cách ngon lành sau màn kích động vừa rồi, các ông Pineau và Haïron lại kể cho chúng tôi nghe về cuộc phiêu lưu của họ.

Xem tiếp  => Chuơng 21 - 24



No comments:

Post a Comment